Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

 

GIỚI THIỆU SÁCH CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1960-1975)

(VIỆT SỬ ĐẠI CƯƠNG TẬP 7)    

 

Duke Nguyen

 

Sách Chiến tranh Việt Nam 1960-1975 vừa được nhà xuất bản Non Nước (Toronto)  phát hành.  Đây là tập thứ 7 tức tập cuối trong  bộ thông sử Việt sử đại cương từ khi Việt Nam lập quốc đến năm 1975 của soạn giả Trần Gia Phụng.  Sách nầy viết về chiến tranh Việt Nam sau hiệp định Genève.  Công việc chính trị, hành chánh, văn hóa, kinh tế trong giai đoạn nầy đã được ông viết trong VSĐC tập 6.

 

image001.jpg

 

Chuyện gì chứ chiến tranh Việt Nam vừa qua, thì người Việt nào cũng biết cả, biết ít biết nhiều, biết một cách trực tiếp hay biết một cách tổng quát, nhất là kết quả đau thương ngày 30-4-1975.  Biết thì biết, nhưng sắp đặt lại một cách có hệ thống thì phải nói rằng sách của Trần Gia Phụng trình bày diễn tiến cuộc chiến vừa qua rất bài bản theo cách viết sử phổ thông.

 

Mở đầu là các chương có tính cách tổng quát như hoàn cảnh chính trị thế giới, nguyên nhân chiến tranh 1960-1975, lực lượng tham chiến ở trong nước và ở ngoài nước, viện trợ quân sự nước ngoài và chiến trường ở cả Bắc lẫn Nam Việt.  Sau đó, tác giả mới đi vào các giai đoạn chiến tranh.  Tác giả chia cuộc chiến thành 5 giai đoạn, chen vào đó là những biến cố đặc biệt như vụ Mậu Thân, vụ mùa hè đỏ lửa 1972, vụ Hội nghị Paris.  Cuối cùng, là những chương kết thúc cuộc chiến, hậu quả chiến tranh và tác giả đưa ra cái nhìn tổng quát của mình về chiến tranh. Tất cả đều có chú thích nguồn tài liệu và nhất là có khoảng gần 50 bản đồ vị trí các trận đánh. 

 

Cách trình bày mạch lạc các chương, kèm theo bản đồ vị trí chiến trận giúp cho độc giả dễ theo dõi chiến tranh, có một cách nhìn tổng quát xuyên suốt cuộc chiến.  Đi vào từng chương, cách sắp đặt dàn bài của tác giả luôn luôn giữ thăng bằng cân đối nên người đọc cũng rất dễ ghi nhận. 

 

Với nội dung trên đây, rõ ràng Trần Gia Phụng muốn đặt lịch sử cuộc chiến Việt Nam 1960-1975 trong hoàn cảnh chính trị toàn cầu lúc bấy giờ, nhất là trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản.  Chiến tranh lạnh trên thế giới bắt đầu từ 1946 đến 1991.  Chiến tranh Việt Nam 1960-1975 lọt vào cao điểm giữa chiến tranh lạnh toàn cầu.  Trong từng chương, tác giả luôn luôn nhắc đến sự liên hệ giữa những biến cố trong nước và trên thế giới.  Nhờ vậy, sẽ giúp cho người đọc hiểu rõ nguyên nhân, hậu quả và tương quan giữa các diễn biến chính trị và quân sự ở Việt Nam trong tình hình quốc tế.

 

Tác giả cho rằng nguyên nhân chiến tranh chính do Bắc Việt gây ra, vừa vì tham vọng của đám lãnh đạo cộng sản hiếu chiến, vừa vì bổn phận quốc tế đối với Liên Xô và Tàu cộng.  Về phía Nam Việt, vì yếu thế phải nhờ đến Mỹ để bảo vệ tự do ở Nam Việt.  Theo tác giả, không biết Bắc Việt có được khối cộng sản uỷ nhiệm hay không, nhưng Nam Việt bị tấn công nên phải tự vệ chứ chắc chắn không do ai uỷ nhiệm cả.  Mỹ đến Việt Nam để ngăn chận sự bành trướng của cộng sản, nhất là của Tàu cộng, nhưng theo Trần Gia Phụng, chủ trương người Mỹ đến Việt Nam sau năm 1954 khác với người Mỹ đến Triều Tiên năm 1950. 

                 

Khi Bắc Triều Tiên xâm lăng Nam Triều Tiên, người Mỹ giúp Nam Triều Tiên, đuổi quân Bắc Triều Tiên chẳng những qua vĩ tuyến 38 mà còn lên tận biên giới Tàu, để phòng thủ Nam Triều Tiên, tức lấy tấn công làm phòng thủ.  Việc Tàu cộng tràn quân vào Triều Tiên đánh người Mỹ ám ảnh các tổng thống Mỹ.  Khi Bắc Việt tấn công Nam Việt năm 1960, người Mỹ lo ngại Tàu can thiệp, nên chỉ giúp Nam Việt phòng thủ tại chỗ, mà không tấn công ra Bắc Việt.  Không chận đứng từ nguồn gốc, mà chờ quân Bắc Việt đến đánh phá, phòng thủ tại chỗ, rồi mới phản ứng khi bị tấn công, thì thế nào cũng có lúc sơ hở và có nơi bị thất thế, dần dần thành viết dầu loang, rồi dân Mỹ chán nản, bỏ cuộc, yêu cầu rút quân về nước.

 

Cũng theo tác giả, trước khi đem quân qua giúp Nam Việt năm 1965, người Mỹ đã báo cho Bắc Việt biết chủ trương nầy của Mỹ (có tài liệu chứng minh).  Mỹ không đánh ra Bắc Việt mà Mỹ cũng nhiều lần chận đứng kế hoạch quân đội Việt Nam Cộng Hòa đề nghị đánh ra Bắc Việt.  Vì vậy, Bắc Việt lợi dụng tình hình nầy, kéo hết binh đội vào tấn công Nam Việt mà không sợ hậu cứ Bắc Việt bị tấn công.  Bắc Việt chấp nhận chịu đựng Mỹ oanh tạc, dù nặng nề cách mầy.  Thế giới lên án người oanh tạc chứ thế giới đâu có lên àn Bắc Việt tiếp liệu dài dài cho du kích cộng sản ở Nam Việt và quấy phá Nam Việt khắp mọi nơi. 

 

Dầu trang bị võ khí hiện đại tối tân cách mấy đi nữa, Mỹ cùng Nam Việt tức Việt Nam Cộng Hòa không thể tiêu diệt được khủng bố và du kích cộng sản trên chiến trường Nam Việt, nhất là trên địa hình rừng núi Nam Việt, vì CS ẩn núp đâu đó, rồi đánh lén hết trận nầy đến trận khác.  Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu anh dũng nhưng không khỏi bị thiệt hại. 

 

Đó là chưa kể, cũng theo tác giả Trần Gia Phụng, Bộ Quốc phòng Mỹ còn đưa ra những “quy tắc tham chiến” (rules of engagement), giới hạn hoạt động của Không quân Hoa Kỳ.  Tác giả cho rằng chiến tranh hiện đại dựa trên sức mạnh hỏa lực.  Sức mạnh hỏa lực của Mỹ là Không quân.  Sức mạnh hỏa lực của CS là xe tăng, thiết giáp, súng ống tối tân.  Mỹ giới hạn hỏa lực Không quân nên sức mạnh quân đội Hoa Kỳ bị hạn chế rất nhiều.  Du kích CS có xe tăng Liên Xô rất mạnh, có AK rất sớm, trong khi cho đến 1968 (sau vụ Mậu Thân), quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn xài Garant, Carbin M1.

 

Tuy không thua trận nào, nhưng bị du kích quấy phá hoài, tiêu hao dần dần, số quân Mỹ chết mỗi ngày một ít, mỗi nơi một ít.  Cộng lại các nơi, lâu ngày trên toàn Nam Việt thành cao.  Dân Mỹ sốt ruột, phản chiến nổi lên chống đối, biểu tình làm cho xã hội Mỹ  rối loạn.  Để yên lòng dân Mỹ, ổn định trật tự xã hội, lấy phiếu cử tri cho nhiệm kỳ 2, đồng thời để làm hòa với Tàu và Liên Xô, chính phủ Richard Nixon thay đổi chiến lược, đưa ra kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, giao cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa tự phụ trách chiến trường, nhằm rút quân Mỹ về nước.  Năm 1972, Nixon mở ra hai chuyến công du qua Tàu và qua Nga.  Trong cả hai chuyến công du, Nixon tuyên bố với các nhà lãnh đạo cộng sản Tàu và Nga rằng Mỹ sẵn sàng rút quân về nước vô điều kiện nếu Bắc Việt chịu trao trả tù binh cho Mỹ. 

 

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không biết tin nầy, trong khi cả Tàu va Nga đều báo cho Bắc Việt biết tin nầy.  Bắc Việt biết nhu cầu của Mỹ, liền yêu sách, đòi hỏi tại hội nghị Paris.  Mỹ nhượng bộ.  Thế là hiệp định Paris được ký kết, ngưng bắn da beo; Mỹ rút quân, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, trong khi Bắc Việt vẫn lưu quân ở miền Nam, tiếp tục tấn công Việt Nam Cộng Hòa.  Trong hai năm cuối chiến tranh, trong khi Mỹ rút lui, cắt viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa thì phía cộng sản, Liên Xô cũng như Tàu tăng cường tối đa cho Bắc Việt cộng sản để tiến đánh Nam Việt.

 

Theo Trần Gia Phụng, dầu Mỹ rút quân, quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn một mình tiếp tục chiến đấu hữu hiệu chống CS.  Tuy nhiên, trong khi Liên Xô và Tàu tiếp tục tăng quân viện cho Bắc Việt thì Mỹ giảm quân viện cho Nam Việt.  Nam Việt thiếu hỏa lực, thiếu nhiên liệu, quân đội Nam Việt tức Việt Nam Cộng Hòa đành phải ngưng chiến đấu.  Thế là Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. 

 

Chương cuối cùng của sách nầy, khi đề cập đến hậu quả chiến tranh, Trần Gia Phụng trình bày về các trại tù mà cộng sản gọi là học tập cải tạo, danh sách khá dài những anh hùng tuẫn tiết sau biến cố 30-4-1975 (tuy có thể chưa đầy đủ),  về phong trào vượt biên, sự thành lập Cộng đồng người Việt hải ngoại, sự thành lập Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở trong nước, và chủ trương kinh tế mới của CS...

 

Tóm lại, chuyện chiến tranh Việt Nam còn quá mới mẻ, ai ai cũng biết, nhưng viết lại một cách lớp lang, có hệ thống, đưa ra một cách nhìn mới, đặt chiến tranh Việt Nam trong chiến tranh lạnh thế giới, với tài liệu cụ thể như Việt sử đại cương tập 7, giúp người đọc, nhất là giới trẻ dễ theo dõi và hiểu biết rõ rang cuộc chiến, có một cách nhìn bao quát từ đầu đến cuối, thật đáng tìm đọc.  Tuy nhiên, soạn giả cho rằng ông không phải là nhà quân sự, cũng không phải là một sĩ quan, nên khi viết về chiến trận, sách ông có thể thiếu sót hoặc sai lạc, và xin được góp ý xây dựng để ông hiệu đính khi tái bản.

 

Sách Chiến tranh Việt Nam 1960-1975 hay Việt sử  đại cương tập 7 dày 516 trang, cọng với 6 quyển trước, thì toàn bộ thông sử Việt sử đại cương gồm 7 tập lên đến khoảng 3,500 trang, một công trình biên khảo không nhỏ và cũng không phải ai cũng làm được.  Chỉ tiếc là theo chương trình từ đầu của tác giả, tác giả ngừng nơi đây mà không viết tiếp giai đoạn từ 1975 cho đến nay, để độc giả tiếp tục theo dõi tình hình Việt Nam sau 1975.   

 

Sách giá 25 Mỹ kim, đã có bán ở các hiệu sách.  Thêm chi tiết, xin liên lạc với tác giả qua e-mail: trangiaphung2011@yahoo.com.

 

Duke Nguyen

(20-3-2013)

(Trích: Nhật báo SÀIGÒN NHO, số 1416, Thứ Tư ngày 27 tháng 3, 2013.)

 

site Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org