Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

 

 

HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC, TẠI SAO CÓ KẺ BÁN NƯỚC?

 

(Trình bày tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 17-4-2016 ở Mississauga)

 

Kính thưa các Bậc trưởng thượng,

Kính thưa Quý vị Quan khách,

Thưa tất cả anh chị em,

 

Trước hết, chúng tôi xin cảm ơn Ban Tổ chức đã giao cho chúng tôi trình bày một đề tài về Hùng Vương nhân Lễ Giổ Tổ năm nay.  Đề tài chúng tôi muốn trình bày là thử tìm hiểu câu hỏi mà nhiều người thường đặt ra là: Hùng Vương dựng nước, tại sao lại có kẻ bán nước?

 

Thưa quý vị,

 

Truyền thuyết Hùng Vương xuất hiện từ thế kỷ 15 trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, soạn xong năm 1479, dưới đời vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497).  Theo bộ sử nầy, các vua Hùng chia nước thành 15 bộ, đặt tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua là Mỵ nương, cha truyền con nối được 18 đời, và tất cả đều gọi là Hùng Vương, nghĩa là không có đế hiệu riêng từng vị vua.   Nếu tính từ  khi Lộc Tục (Kinh Dương Vương) làm vua năm 2879 TCN đến Hùng Vương thứ 18 chấm dứt năm 258 TCN, có tất cả 20 đời vua và truyền được 2621 năm, tính trung bình mỗi đời vua trên 130 năm.

 

Với 18 đời vua trị vì lâu năm như thế, ngày nay nhiều người không tin rằng chuyện Hùng Vương là sự thật lịch sử, mà chỉ là truyền thuyết có tính cách thần thoại về nguồn gốc người Việt.  Tuy nhiên, không thể đơn thuần thẩm định giá trị huyền thoại Hùng Vương bằng khoa học thực nghiệm.   Truyền thuyết hay huyền thoại là những câu chuyện có tính cách tưởng tượng, "được trình bày như thể đã thực sự xảy ra ở một thời đại trước để giải thích những truyền thống có tính cách vũ trụ luận và siêu nhiên của một dân tộc, những vị thần linh, những anh hùng, những đặc điểm văn hóa và tín ngưỡng của họ.  Mục đích của huyền thoại là để giải thích sự sáng tạo con người, loài vật, địa lý, các hiện tượng tự nhiên, cũng như những nghi lễ trên nền tảng tôn giáo.” (Maria Leach & Jerome Fried và một nhóm tác giả, Funk & Wagnalls Standard Dictionary of Folklore, Mythology, and Legend, Harper SanFrancisco, 1984, tr, 778.)

Các sử gia từ thế kỷ 15 đã đưa truyền thuyết Hùng Vương lên hàng quốc tổ, khai sáng lịch sử dân tộc, hẳn đã nhắm nhiều mục đích quan trọng: 

 

Thứ nhứt truyền thuyết Hùng Vương xác định các sắc dân Đại Việt cùng có một thủy tổ chung, nhằm đoàn kết các sắc tộc miền đồng bằng và miền núi, một mẹ sinh trăm trứng, nở trăm con, 50 con lên rừng (các sắc tộc miền núi), 50 con xuống biển (những người ở đồng bằng). 

 

 

Thứ hai, truyền thuyết nầy đề cao đặc tính cộng sinh hài hòa của người Việt.  Sống và để người khác cùng sống với mình.  Trên địa bàn nước Việt, tất cả các sắc dân cùng chung sống với nhau một cách hòa bình.  Huyền thoại chia 50 con xuống biển, 50 con lên rừng là đặc tính cộng sinh của người Việt.   Dù ở rừng hay ở biển, dù ở đồng bằng hay núi non, thuộc nhiều bộ tộc khác nhau, theo nhiều tập tục khác nhau, trên đất Việt mọi người đều là anh em từ cùng một bọc trứng (đồng bào), luôn luôn cùng sống với nhau một cách hòa thuận trong đại gia đình dân tộc. 

 

Thứ ba và quan trọng nhứt là truyền thuyết nầy khẳng định truyền thống độc lập bất khuất của người Việt ngay từ thời lập quốc.  Sau một thời gian bị người Tàu đô hộ, Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán năm 938 (mậu tuất) và xưng vương năm 939 (kỷ hợi), nước ta vĩnh viển độc lập. 

 

Vì vậy, truyền thuyết Hùng Vương với nền tảng vua Hùng lập quốc, độc lập từ thuở bình minh của lịch sử, đã kiến tạo niềm tin tinh thần và tâm linh vững mạnh vào truyền thống cao cả và anh hùng của dân tộc, để mọi người hăng hái hy sinh bảo vệ và xây dựng đất nước, chống trả tất cả những mưu đồ xâm lăng từ nước ngoài.

 

Thưa quý vị,

 

Dân Việt chúng ta tin tưởng rằng các vua Hùng đã có công dựng nước.  Đáng lẽ tất cả con cháu người Việt chúng ta phải gắng sức theo gương vua Hùng, cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước, nhưng thật là bất hạnh cho dân tộc chúng ta, tại sao lại có một số người phản quốc, âm mưu bán nước cầu vinh, khiến nhiều lần vận nước long dong, dân chúng khốn đốn. Ai là cái đám người tệ bạc như thế?

 

Thưa quý vị,

 

Việt sử ghi nhận rằng người đầu tiên cầu viện ngoại bang là Kiểu Công Tiện.  Sau khi đảo chánh lật đổ Dương Diên Nghệ năm 938, Kiểu Công Tiện bị Ngô Quyền chống đối.  Kiểu Công Tiện liền cầu viện quân Nam Hán.  Nhà Nam Hán sai hoàng tử Hoằng Tháo cầm quân qua xâm lăng Giao Châu.  Hoằng Tháo bị Ngô Quyền chận đánh tại sông Bạch Đằng, giành độc lập vĩnh viễn cho nước Việt.

 

Từ đó, trong các cuộc tranh chấp nội bộ của triều đình nước Việt, nhiều người đã vì quyền lợi riêng tư, xin Trung Hoa giúp đỡ.  Vua chúa Trung Hoa chực chờ cơ hội nước Việt chia rẽ, suy yếu để xâm lăng.  Có thể kẻ dưới thời nhà Trần có Trần Di Ái, Trần Ích Tắc; thời nhà Mạc thì Mạc Đăng Dung nhượng 5 động tức 5 làng miền núi ở châu Vĩnh An thuộc Quảng Yên...  Vua cuối cùng đời nhà Lê Trung hưng là Lê Chiêu Thống cũng bị mang tiếng vì khi thua nhà Tây Sơn, mẹ của Chiêu Thống sang Tàu cầu viện nhà Thanh.  Quân Thanh tràn vào Đại Việt, được Chiêu Thống rước vào thành Thăng Long, nhưng bị vua Quang Trung đánh tan năm 1789.  Những nhân vật trên đây cầu cứu vua chúa Trung Hoa nhằm cứu vãn gia đình đang thất thế, hoàn toàn vì quyền lợi riêng tư mà thôi.

 

Đến thế kỷ 20, có một nhân vật chính trị đã chủ mưu bán nước một cách có tổ chức, có hệ thống, và bài bản.  Người nầy tên thật là Nguyễn Sinh Cung, đậu tiểu học năm 1907, rồi vào học lớp nhứt niên tức lớp 6 trường Quốc Học Huế.  Đang học lớp 6, Nguyễn Sinh Cung tham dự cuộc biểu tình xin xâu chống thuế của đồng bào, lo sợ bị Pháp truy nã, liền bỏ trốn, vào Bình Thuận đổi tên là Nguyễn Tất Thành (NTT), rồi vào Sài Gòn.  Tại Sài Gòn, NTT dùng một tên mới là Văn Ba, xin làm phụ bếp trên tàu Đô Đốc Latouche-Tréville, rời Sài Gòn ngày 5-6-1911 đi Pháp.

 

Đến Pháp, NTT viết đơn lên tổng thống Pháp và bộ trưởng Bộ Thuộc Địa Pháp ngày 15-9-1911, xin vào học trường Thuộc Địa Paris, nhưng bị từ chối.  Nguyễn Tất Thành tiếp tục đi tàu biển, rồi đến Anh và đến Pháp định cư.  Tại Pháp, NTT gia nhập đảng CS Pháp cuối năm 1920.  Cuối năm 1922, Thành được đại diện đảng CS Nga kết nạp và đưa qua Nga huấn luyện. 

 

Theo Phan Bội Châu, cũng năm 1920, tại Bắc Kinh, ông muốn nhờ người Nga giúp huấn luyện thanh niên Việt Nam để về chống Pháp, phục quốc. Người Nga đồng ý với điều kiện là sau khi học thành tài, người đó phải trung thành với chủ nghĩa CS, về nước phải tuyên truyền cho chủ nghĩa CS và gánh lấy công việc cách mạng.  Vì vậy, PBC tránh không nhờ người Nga.  (Phan Bội Châu niên biểu hay Tự phán, đăng trong Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, của Chương Thâu, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 272.)

 

Nay NTT qua Nga học tập năm 1923 chắc chắn cũng phải tuyên thệ trung thành với chủ nghĩa CS và thực hiện những công việc do đảng CS Nga giao phó.  Đây là bước đầu NTT bán linh hồn cho quỹ.  Nga đổi thành Liên Xô năm 1922.

 

Nuyễn Tất Thành mới học lớp 6, không đủ trình độ văn hóa để học chủ nghĩa Mác-xít, nên NTT chỉ có thể được CSLX huấn luyện cấp tốc thành một cán bộ tình báo, lãnh lương của CSLX, rồi gởi qua Á Châu hoạt động cho LX năm 1924.  Năm 1930, vâng lệnh đảng CSLX, NTT thành lập đảng CSVN ngày 6-1-1930 tại Hồng Kông. Về sau đảng CSLX ra lênh phải đổi tên thành đảng CS Đông Dương và đổi ngày thành lập là 3-2-1930.  Như thế, đảng CSVN xuất phát từ nước ngoài, thành lập theo lệnh của nước ngoài, dựa trên lý thuyết nước ngoài, được nước ngoài nuôi dưỡng và viện trợ, hoạt động vì quyền lợi của nước ngoài, thậm chí tên đảng và ngày thành lập đảng cũng theo lệnh của nước ngoài, chứ hoàn toàn không có tính dân tộc, không có tâm tư tình cảm Việt Nam.  Không có trái tim Việt Nam. 

 

Lúc đầu, NTT hoạt động hoàn toàn dưới sự lãnh đạo của đảng CSLX.  Đầu thập niên 40, khi đảng CS Trung Hoa mạnh lên, NTT còn được đảng CSTH giúp đỡ.  Quan trọng hơn nữa, khi đảng CSTH thành công năm 1949, lập rachính thể Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, còn gọi là Trung Cộng (TC), NTT lúc nầy có tên là Hồ Chí Minh (HCM) qua TC, rồi qua Liên Xô  cầu viện năm1950.  Tại Moscow, lúc đó có mặt lãnh tụ TC là Mao Trạch Đông (MTĐ), lãnh tụ Liên Xô là Stalin uỷ nhiệm cho TC giúp đỡ CSVN.  Thế là từ đây, TC viện trợ ào ạt mạnh mẻ cho CSVN.  Nhờ thế, CSVN thành công năm 1954.  Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai đất nước ở vĩ tuyến 17.  Cộng sản ơ Bắc Việt Nam (BVN), Quốc gia ở NamViệt Nam (NVN).  Quốc Gia Việt Nam đổi thành Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm 1955.

 

Thưa quý vị,

 

Sau khi chiếm được nửa phần đất nước, CSVN vẫn tiếp tục tham vọng thống trị toàn quốc.  Muốn tiếp tục chiến tranh, thì phải tiếp tục vay nợ TC.  Muôn vay nợ TC thì phải trả nợ cũ mới vay nợ mới.  Nước nghèo lấy gì mà trả nợ, CSVN liền dùng tài sản sẵn có là đất đai do tổ tiên để lại, để trả nợ TC.  Đó là lý do khiến Phạm Văn Đồng (PVĐ), thủ tướng CSVN, vâng lệnh HCM, ký công hàm ngày 14-9-1958, thừa nhận tuyên bố về lãnh hải của TC ngày 4-9-1958.  Tuyên bố về lãnh hải của TC gồm 4 điểm, trong đó có 2 điểm xác định rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TC. Thế mà PVĐ thừa nhận điều nầy, có nghĩa là ngay từ 1958, CSVN 9ã bán đứng hai quần đảo nầy cho TC để đổi lấy võ khí tấn công NVN.

 

Ngay năm sau tức năm 1959, PVĐ qua Bắc Kinh xin viện trợ để động binh đánh NVN.  Từ đó, TC tiếp tục tăng viện cho BVN.  Liên Xô cũng cạnh tranh với TC, viện trợ dồi dào cho BVN nhằm lôi kéo BVN về phe mình trong cuộc tranh chấp với TC.

 

Bắc Việt Nam mải mê tấn công NVN, nhất là từ khi Hoa Kỳ thay đổi chiến lược (ngày nay gọi là xoay trục), bỏ rơi NVN, rút quân về nước, cắt giảm viện trợ cho NVN, ký hiệp định Paris, ngày 27-1-1973, để cho BVN vẫn đóng quân ơ NVN.  Nhân cơ hội nầy, TC đánh chiếm Hoàng Sa ngày 19-1-1974.  Bắc Việt Nam đồng lõa, làm thinh, không có ý kiến.

 

Sau khi đánh chiếm toàn bộ NVN năm 1975, CSVN kiếm cách xù nợ TC, chạy theo Liên Xô, liền bị TC trả đũa, đánh phá 6 tỉnh biên giới năm 1979.  Năm 1988, TC chiếm nốt Trường Sa.  Năm 1990, khối Đông Âu sụp đổ, CSVN quay lại đầu phục TC tại hội nghị Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Hoa) hai ngày 3 và 4-9-1990 để sống còn.  Từ đó, TC ép CSVN ký các hiệp ước nhượng ài Nam Quan (1999) và nhượng khoảng 10,000 Km2 diện tích Biển Đông (2000).  Cũng từ đó, CSVN trượt dài trên đường bán nước, liên tục nhân nhượng TC cho đến ngày nay chỉ để nhắm mục đích duy nhứt là bảo vệ sự sống còn của đảng CSVN và bảo vệ quyền lợi của đảng viên CSVN.

 

Quý vị đã nghe và đã đọc tài liệu về những nhà tư bản đỏ.  Quý vị cũng đã nghe và đã đọc những câu chuyện về nhà cửa nguy nga “hoành tráng” của tư bản đỏ.  Quý vị cũng đã nghe và đã đọc những câu chuyện tham nhũng, ăn chơi phung phí của tư bản đỏ, trong khi dân chúng nghèo đói.  Quý vị cũng đã nghe và đọc nhiều tài liệu CSVN đã bán nước cho Tàu cộng để duy trì quyền lực và hưởng thụ trên nỗi đau và nỗi nhục của dân tộc Việt Nam.

 

Kính thưa quý vị,

 

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm và nhớ ơn vua Hùng dựng nước, xin đừng quên nỗi đau và nỗi nhục đó.  Ở hải ngoại, chúng ta được hưởng nền tự do, dân chủ, đời sống văn minh, thịnh vượng.  Xin mọi người hãy nghĩ đến nỗi đau và nổi nhục mất nước, xin hãy cùng nhau yểm trợ cho Phong trào tranh đấu đòi hỏi dân chủ ở trong nước, để giải thể kiếm cách chế độ CSVN, mới có ngày đoàn kết tổng lực dân tộc, tranh đấu đòi đất, đòi biển mà vua Hùng đã để lại cho chúng ta. 

 

Trân trọng cảm tạ quý vị đã lắng nghe và kính chào quý vị.

 

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 17-4-2016)

 

 

 

 

 

Website Editor: phanchautrinhdn@gmail