Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

 

NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG: TÍNH NHÂN, MỆNH VẬT

Đỗ Thái Nhiên

Đời sống của mỗi người gồm hai địa bàn : tính và mệnh. Tính là tư tưởng, mệnh là hành động. Yêu điều thiện là tính. Làm việc thiện là mệnh. Từ yêu điều thiện đến thực hiện điều thiện phải có những bước đi can đảm, can đảm làm người. Thiếu cam đảm vừa kể, điều được gọi là “làm việc thiện” chỉ là một ảo tưởng . Từ đó, tính và mệnh phân ly.

Thế nào l à tính? Tính xuất phát từ đâu?  

Phải chăng nhân chi sơ tính bản thiện?

Phải chăng nhân chi sơ tính bản ác?

Thưa rằng: Nhân chi sơ vô kỷ tính (Theo nhà tư tưởng Lý Đông A).

Con người vừa mới chào đời đâu đã nhận ra cái tôi ( tự kỷ) của mình. “Vô kỷ” đồng nghĩa với vô thiện, vô ác. Tâm hồn của trẻ sơ sanh như tờ giấy trắng. Thế rồi, theo dòng thời gian, đứa trẻ từ từ khôn lớn, từ từ làm quen và hội nhập với dòng sử để cảm nhận rằng:  lịch sử vận động theo những réo gọi thiết tha của niềm ước mơ  được sống như một con người, sống trong tự do dân chủ, sống với chữ Nhân rạng rỡ. Lực réo gọi kia chính là hồn sử, hồn hướng nhân của sử. Hồn hướng nhân này dự phần định hình và bảo trợ tính của mỗi người từ trẻ thơ cho đến già lão.

Do nhận thức được mối quan hệ như hình với bóng giữa hồn sử và tính người, nhà cầm quyền giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chuẩn bị cho công dân vào đời bằng cách lấy nhân bản và khai phóng làm nền tảng cho mọi hoạt động giáo dục, giáo dục học đường cũng như giáo dục đường phố.

Như vậy, hồn sử và sinh hoạt xã hội, đặc biệt là hoạt động giáo dục của chế độ chính trị đã hun đúc thành tính người.

-         Giáo dục hướng nhân: tính người và hồn sử giao thoa đồng điệu, tính và mệnh là một hợp tấu tuyệt vời.

-         Giáo dục lạc hướng: tính vẫn có khuynh-hướng hướng-nhân ( do hồn sử hướng nhân là chân lý có tính bất di dịch ) nhưng mệnh bị đẩy xa tính, đôi khi chống lại tính.

Tính và mệnh tuy gần nhưng rất xa. Tính và mệnh hợp quần, đây là chân ý nghĩa của niềm hạnh phúc cao rộng. Tính và mệnh chia tay, đó thực sự là nỗi đau khổ sâu sắc nhất trong thân phận con người.

Để thấy được một cách tròn đầy và linh động cuộc kết hợp khi hiện thực, khi mờ xa giữa tính và mệnh, kính mời Bạn Đọc theo dõi bản tin thời sự có liên quan đến luật sư Nguyễn Đăng Trừng của cơ quan truyền thông BBC Việt ngữ ngày 6 tháng 8, 2014:

“Hôm 31/7, báo chí trong nước loan báo quyết định của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khai trừ Đảng đối với ông Trừng vì có những dấu hiệu ‘suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống’.

Ông Trừng, năm nay 72 tuổi, từng tham gia trong phong trào sinh viên học sinh chống chính quyền ở miền Nam trước năm 1975 và từng bị chính quyền khi đó kết án vắng mặt 10 năm khổ sai.

Ông Trừng từng là đại biểu Quốc hội nổi tiếng nói thẳng tại nghị trường. Ông cũng từng là cán bộ công an sau chuyển sang làm bí thư Đảng đoàn và chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã gần 20 năm.”( Hết trích)

Nguyễn Đăng Trừng sanh n ăm 1942 tại Quảng Ngãi. Nam Tiểu Học Đà Nẵng là trường lớp đầu đời của Trừng. Kế đó Trừng theo học trung học đệ nhất và đệ nhị cấp tai Trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Năm 1963 cầm mảnh bằng “ Tú Tài Toàn Phần, ban Văn Chương Anh Ngữ” Trừng bước vào Đại Học Luật Khoa Saigon. Cuối thập niên 1960 Trừng gia nhập Luật Sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Saigon.

Như đã trình bày ở trên, chương trình giáo dục của VNCH thuộc mọi cấp đều hàm chứa nội dung nhân bản và khai phóng. Từ những năm niên thiếu cho đến thời kỳ thực sự trưởng thành, Nguyễn Đăng Trừng đã được nuôi dạy trọn vẹn trong môi trường đồng điệu giữa hồn sử hướng nhân và giáo dục nhân bản. Công trình nuôi dạy kia có mục đích trang bị cho tâm trí của Trừng lòng yêu người, ý chí phục vụ con người, gọi tắt là tính nhân. Thế nhưng, thay vì biến tính nhân thành hành động sống cụ thể của mệnh, vào dịp Tết Mậu Thân 1968, Nguyến Đăng Trừng gia nhập đảng CSVN. Từ đó, mệnh của Trừng đã bị Cộng Sản hóa.

1) Người CS đề cao tam vô, đặc biệt là vô gia đình. Động vật không có ý thức về gia đình

2) Người CS chủ trương đấu tranh giai cấp, dùng bạo lực để tranh sống. Động vật thỏa mãn tính nhu yếu bằng sức mạnh của xương và bắp thịt.

3) Người CS vận dụng “bạo lực” của giai cấp để giải quyết mọi bất đồng ý kiến giữa đảng CSVN và những thành phần khác trong xã hội. Động vật giải quyết mọi tranh chấp với đồng loại theo bản năng mạnh được yếu thua.

4) Người CS sống trong xã hội nhưng chỉ lo bảo vệ quyền lợi của đảng, quyền lợi của quốc gia chỉ là chiêu bài. Động vật sống theo bầy đàn nhưng chẳng bao giờ quan tâm đến thịnh suy của bầy đàn. Động vật chỉ biết chăm sóc bộ da của chính nó.

Không còn nghi ngờ gì nữa, mệnh của Trừng bị CS hóa đồng nghĩa với mệnh kia đã bị động vật hóa. Đó là ý nghĩa của hai chữ mệnh vật.

Bây giờ hãy nói về tĩnh và động. Vạn vật vận động.

Vận động bất ổn định gọi là động.

Vận động ổn định gọi là tĩnh.

Vận động hướng nhân của hồn sử là vận động đúng theo qui luật sử quan của triết học Con Người, đây là vận động ổn định, hồn sử là tĩnh.

Con người suy nghĩ đồng điệu với hồn sử giúp cho nhân tính vận động ổn định. Tính nhân là tĩnh.

Tính nhân sinh ra mệnh nhân, đời người ổn định, đời tĩnh. Tính nhân bị cưỡng bách chung sống với mệnh vật kiểu đời sống của Nguyễn Đăng Trừng, đời người là một đấu tranh gay gắt giữa nhân và vật, đời như vậy là đời bất ổn định, đời động.

Câu hỏi được đặt ra là: Trong cuộc đấu tranh kia, tính nhân  thắng mệnh vật hay mệnh vật khống chế tính nhân?

Thưa rằng: Lịch sử nhân loại cùng với thực tiễn của đời sống đã mạnh mẽ khẳng định: Tĩnh là gốc của động. Động phải tìm về tĩnh, phải qui hàng tĩnh.

Giông bão phải tìm về mưa thuận gió hòa.

Chiến tranh phải tiến tới nghị hòa.

Tội ác phải cúi đầu trước công lý.

Mệnh vật phải thuần phục tính nhân.

Câu chuyện Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ ra khỏi đảng CSVN đã mở ra trước công luận hai công lý:

Công lý thứ nhất: Đảng CSVN là một tập thể mệnh vật điển hình. Quyết định khai trừ Nguyễn  Đăng Trừng ra khỏi đảng CSVN không hề là chỉ dấu “thắng cuộc” của phe mệnh vật. Quyết định kia rõ ràng là bức tranh diễn tả cuộc đấu tranh quyết liệt giữa tính nhân và mệnh vật với ghi chú mệnh vật phải thua cuộc trước tính nhân, đó là mệnh lệnh của hồn sử.

Công lý thứ hai: Không riêng gì cá nhân Nguyễn Đăng Trừng, trong thâm tâm của mỗi đảng viên đảng CSVN đều ẩn chứa một mặt trận đối kháng giữa nhân và vật.

Mỗi mặt trận là một ngọn lửa than. Muôn ngàn lửa than gom lại thành bão lửa.

Lửa thiêu rụi CSVN độc tài tham ô.

Lửa công bố: tính nhân toàn thắng mệnh vật.

Lửa mang ánh sáng dân chủ nhân quyền đến với Quê Hương Việt Nam ./.

ĐỖ THÁI NHIÊN.   

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org