Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

 

 

THẦY TRẦN ĐẠI TĂNG, THI SĨ TRẦN HOAN TRINH,
TRỞ LẠI SÂN TRƯỜNG NGHE CHIM HÓT

Phan Bái

 

Trong những năm gần đây tôi hay viết nhạc và phổ một số bài thơ yêu thích thành ca khúc. Đó là một sự đổi mới nhưng thực ra chỉ là sự tiếp nối của một thuở yêu đàn nhen nhúm từ những ngày Phan Châu Trinh -- những ngày đạp xe nhởn nhơ để ngắm mấy tà áo tung bay và đêm về ngồi hát nghêu ngao mấy tình khúc mộng mơ yêu thương.

 

Nhiều lần tôi đọc thơ Thầy Trần Đại Tăng, thi sĩ Trần Hoan Trinh, trên Website Phan Châu Trinh và trên mạng Internet. Tôi đọc Thầy Tăng như đọc các tác giả Phan Châu Trinh khác mãi cho đến một hôm bài thơ “Trở Lại Sân Trường Nghe Chim Hót” của Thầy gây một cảm xúc mạnh trong tôi: 

 

Đã xa lăn lắc thời hoa phượng

Cũng đã tàn phai áo học trò

Sao vẫn thấy lòng buồn rưng rức

Khi trở về lớp cũ trường xưa

                                        T.H.T

 

Trở lại sân trường nghe tiếng chim

Hàng cây động lá chạy quanh thềm

Thấy trong màu phượng lung linh nắng

Có mắt ai cười dưới nón nghiêng

 

Thoang thoảng trong hồn hoa bướm xưa

Tiếng chim bỗng thánh thót như mơ

Áo ai trắng quá khung trời nhớ

Khép nép tay ôm vở học trò

 

Nắng bỗng vàng hoe trãi cổng trường

Hình như tiếng hót động ngàn phương

Có người vào lớp ngồi buông tóc

Giận lẫy chi mà mặt dỗi hờn!

 

Còn nhớ một hôm tiếng giảng thầy

Làm chim ngơ ngác giật mình bay

Bên ngoài cửa lớp trời xanh biếc

Chim vút chìm theo một bóng mây

 

Chim đã bay xa khuất biển rừng

Chỉ còn tiếng hót vọng không trung

Mình anh đứng lại trên thềm cỏ

Nhặt chút dư âm rớt cuối lòng.

 

Tôi chép bài thơ và quyết định phổ thành ca khúc. Vài câu hỏi quen thuộc thoáng qua đầu: Tôi phải theo sát bài thơ từng đoạn từng câu hay phải hoán chuyển các đoạn thơ hay phải sửa vài chữ trong câu cho dễ hát? Tôi phải dùng vài dấu thăng hay dấu giáng bất ngờ hay phải chuyển chủ âm trưởng qua thứ hoặc ngược lại để thay đổi tiết điệu của dòng nhạc? Tôi phải dùng vài nhịp ngoại để gây một cảm giác ngỡ ngàng, không trọn vẹn…? Tôi ngâm nga bài thơ; thay vì lắng nghe âm điệu và ý thơ để tìm câu trả lời cho mấy câu hỏi đó, tâm trí tôi vụt bay về con đường dài Lê Lợi, hàng cây trong sân trường, lớp học… và tôi ngồi xuống ghi ghi vội các nốt nhạc.

 

Tôi viết rất mau, ý nhạc đến tiếp nối thành dòng và chỉ trong một buổi chiều tôi đã phổ xong bài thơ của Thầy. Tôi gởi bài nhạc cho vài người thuộc nhóm sinh hoạt ca nhạc trong vùng tôi cư ngụ và Nguyễn Phụng ở tuốt bên miền Đông Hoa Kỳ. Vài ngày sau tôi gọi Phụng yêu cầu được nghe vài ý kiến. Phụng chẳng nói gì nhiều so với mấy lần trước chỉ đàn bài nhạc cho tôi nghe. Tiếng đàn chuyển qua nửa vòng trái đất từ cái điện thoại cầm tay đặt trên cái đàn piano tuy chẳng ghi nhận rõ ràng được những âm rất trầm hay rất bổng nhưng không đến nỗi tệ lắm; tôi vẫn nghe rõ âm điệu của từng câu nhạc và nhạc đệm theo điệu tango nhịp nhàng. Tôi nói Phụng ghi lại hòa âm tôi vừa nghe và gởi cho tôi.

Tôi cho thu âm bản nhạc Trở Lại Sân Trường Nghe Chim Hót với giọng ca của nữ ca sĩ Thanh Hoa. Tôi gởi tặng Thầy bản nhạc đó, một bản nhạc khác cũng phổ từ thơ của Thầy -- Nỗi Buồn Con Gái -- và một số sáng tác mới nhất của tôi. Chừng một tuần sau tôi nhận email cảm ơn của Thầy. Email khá dài, mở đầu bằng lời tâm tình về những ngày đầu tiên bỡ ngỡ tại trường Phan Châu Trinh rồi những ngày gắn bó với học trò và chấm dứt bằng lời cảm ơn và một câu hỏi ngắn, “Người viết hòa âm piano cho bản nhạc Trở Lại Sân Trường Nghe Chim Hót là một học trò Phan Châu Trinh?”

 

Tôi cảm động vì lời lẽ trong thư Thầy. Tôi là một người viết nhạc để vui chơi, một người viết nhạc tùy hứng, có tuổi nhưng không có tên. Tôi không phổ thơ Thầy để vinh danh Thầy, để chắp cánh cho thơ Thầy bay cao hay để đưa thơ Thầy vào ký ức của đám học trò Phan Châu Trinh. Tôi không nghĩ đến mấy việc đó; không làm nổi mấy việc đó. Tôi phổ thơ Thầy vì trường Phan Châu Trinh thân yêu, vì những ngày Phan Châu Trinh tươi đẹp, và vì tình thầy-trò cao quý của những năm nào. Tôi nghĩ Thầy không nhớ ra tôi; điều đó cũng dễ hiểu vì đã bao nhiêu năm tháng trôi qua và nhất là tôi không phải là một học trò giỏi trong lớp như Nguyễn Hữu Hùng, Tôn Thất Hải, Võ Thị Thương… hay một học trò nổi tiếng như Phan Nhật Nam, Trần Gia Phụng, Nguyễn Chí Thiệp, Nguyễn Bá Trạc…; tôi chỉ là một học trò Phan Châu Trinh rất bình thường. Ý nghĩ đó làm tăng thêm sự đậm đà của mấy câu Thầy viết về tình Phan Châu Trinh, tình thầy-trò trong thư.  

 

Trong email hồi âm, tôi thưa với Thầy rằng Nguyễn Phụng, người viết hòa âm piano cho bản nhạc, học Phan Châu Trinh, sau Trần Gia Phụng một năm và học cùng lớp với Nguyễn Chí Thiệp, Nguyễn Hữu Sử, Lê Viêm Côn, Lai Đức Thuần, Tôn Thất Phú Sĩ… Trong thư tiếp theo Thầy cho tôi biết Thầy còn nhớ Nguyễn Phụng và rất thích bài Phụng viết về “Người Học Trò Lê Ngọc Châu và Thơ Luân Hoán” đăng trong Đặc San Phan Châu Trinh 2012 -- một bài viết tự nhiên và sâu sắc về sự thân ái và tình thơ văn đậm đà giữa những học trò Phan Châu Trinh. Cuối hè 2013, Thầy gởi biếu tôi và Phụng hai tập thơ “Cháy Bỏng Như Lửa Mặt Trời”. Tập thơ trang nhã, hình bìa là Cô Quý Phẩm, một nhan sắc Phan Châu Trinh thời nào; tập thơ có in bài nhạc Trở Lại Sân Trường Nghe Chim Hót.

 

Image

 

Tháng 7 vừa qua tôi tham dự Đại Hội Phan Châu Trinh Thế Giới Kỳ 3,  ngày 5 tháng 7, tại Quận Cam Cali và đọc Đặc San Phan Châu Trinh 2015. Đặc San đăng ba bài thơ của Thầy -- Quê Hương Cay Đắng Ngọt Bùi, Một Đóa Hồng Cho Ngôi Trường Yêu, Tặng Người Học Trò Gặp Trong Quán Bia -- và bài viết “Thầy Tôi Thi Sĩ Trần Hoan Trinh” của Nguyễn Phụng. Bài viết được Ban Biên Tập giới thiệu với mấy lời rất trang trọng về tình Tình Thầy-Trò, Tình Thầy-Trò nguyên vẹn, bất biến, của 60 năm qua, 1955-2015: “… Nguyễn Phụng viết về Thầy Tăng, thi sĩ Trần Hoan Trinh, với tấm lòng của học trò -- học trò Phan Châu Trinh -- đối với người Thầy, Thầy Tôi”. 

 

Ngày 7 tháng 8 năm 2015 Thầy qua đời tại tư gia, đường Cao Thắng Đà Nẵng.

 

Ba bài thơ Ban Biên Tập chọn đăng trong Đặc San gói ghém tâm sự đau buồn thế sự của Thầy, tâm sự đau buồn mà Nguyễn Phụng đã nhắc đến trong bài viết: Bao nhiêu năm qua Thầy đi giữa đêm rằm quang tạnh nhưng không thấy ánh trăng…

 

Nỗi buồn đó của Thầy chắc đã một lần thêm mênh mang khi Thầy muốn trở lại sân trường nghe tiếng chim hót -- tiếng chim hót líu lo trên cành sao già bên cửa sổ những ngày Thầy giảng bài trong lớp học -- nhưng trường xưa chỉ còn trong ký ức, trường xưa chẳng may đã bị những kẻ ngông cuồng, mù lòa đập phá mất rồi.

 

Phan Bái

San Diego, CA 8/2015

 

 

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org