Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

 

 

TRẦN GIA PHỤNG

 

HUYỀN THOẠI HỒ CHÍ MINH

 

1.- HUYỀN THOẠI VỀ NGƯỜI CHA Trang 03

2.- HUYỀN THOẠI RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC 08

3.- HUYỀN THOẠI CUỘC SỐNG ĐỘC THÂN GIẢN DỊ 12

4.- HUYỀN THOẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC 24

5.- HUYỀN THOẠI GIẢI PHÓNG DÂN TỘC 32

6.- HUYỀN THOẠI TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH 45

7.- HUYỀN THOẠI LĂNG HỒ CHÍ MINH 59

8.- HUYỀN THOẠI DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI 77

9.- NGUYỄN ÁI QUỐC MUỐN LÀM RỂ CỤ HOÀNG HOA THÁM 84

10.- TỔNG KẾT 90

BÀI ĐỌC THÊM: THỜI BÁO BA LAN XẾP HẠNG HỒ CHÍ MINH 91

PHỤ ĐÍNH KẺ TRỘM THƠ 93

CHUYỆN NGÀY SINH HỒ CHÍ MINH 101

 

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

 

Ở hải ngoại, huyền thoại Hồ Chí Minh có thể được xem như đã cũ đối với độc giả người Việt. Hầu như người Việt hải ngoại nào cũng biết, nhờ đọc được nhiều sách báo tiếng Việt cũng như tiếng ngoại quốc.

Riêng người viết tập sách nhỏ nầy đã biên soạn và ấn hành sách Án tích cộng sản Việt Nam tại Toronto năm 2001, gồm những vụ án do CSVN gây ra, trong đó có bài “Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh”. Sách nầy được Giải nhất Giải Văn học do Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do tổ chức năm 2002.

Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh được dịch qua Anh ngữ và Nxb Non Nước in thành sách song ngữ Anh Việt năm 2003, với tựa đề là Exposing the Myth of Ho Chi Minh. Exposing the Myth of Ho Chi Minh được hiệu đính, bổ sung và tái bản lần nữa năm 2006.

Trong khi đó, ở trong nước Việt Nam, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam hoàn toàn bưng bít những tài liệu mới ở hải ngoại về Hồ Chí Minh, và vẫn không ngừng tuyên truyền, đề cao nhân vật Hồ Chí Minh cho các thế hệ thanh thiếu niên kế tiếp nhau, hết lớp nầy đến lớp khác, hết năm nầy đến năm khác. Nhà nước cộng sản còn đưa “tư tưởng Hồ Chí Minh” vào điều 4 Hiến pháp năm 1992.

Vì vậy, huyền thoại Hồ Chí Minh vẫn còn mới mẻ và luôn luôn mới mẻ với thanh thiếu niên trong nước nếu còn đảng Cộng Sản. Nxb. Ngũ Hành Sơn xin chuyển trở lại lên mạng lưới thông tin toàn cầu Huyền thoại Hồ Chí Minh đã được hiệu đính và bổ túc, nhằm cung ứng cho nhu cầu độc giả trong nước, nhất là giới thanh thiếu niên, kể cả các đảng viên cộng sản, để mọi người hiểu rõ thêm sự thật về kẻ đã sáng lập đảng Cộng Sản Việt Nam.

Riêng bản điện tử lần nầy, chúng tôi xin đưa chú thích vào trong phần chính văn để độc giả dễ theo dõi.

 

NGŨ HÀNH SƠN

(BẢN ĐIỆN TỬ 2016)

 

Chương 1

HUYỀN THOẠI VỀ NGƯỜI CHA

 

Nhân vật Hồ Chí Minh bao trùm nhiều huyền thoại. Có huyền thoại do ông tự tạo ra, có huyền thoại do thuộc hạ ông tạo ra nhằm thần thánh hóa lãnh tụ của họ. Dần dần, qua thời gian, những huyền thoại nầy được bạch hóa, giúp làm rõ sự thật về nhân vật lịch sử nầy. Xin bắt đầu với huyền thoại về ngườøi cha của Hồ Chí Minh.

Theo sách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, của nhà xuất bản Sự Thật (Hà Nội), Hồ Chí Minh (HCM) "sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân. Cụ thân sinh ra Người [HCM] là Nguyễn Sinh Huy, tức Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929) ...đỗ phó bảng và sống thanh bạch bằng nghề dạy học. Đối với các con, cụ giáo dục ý thức lao động và cho học tập để hiểu "đạo lý làm người". Sau khi đỗ phó bảng, bị bọn thống trị thúc ép nhiều lần, cụ ra làm quan, nhưng thường tỏ thái độ tiêu cực, không hợp tác với chúng. Cụ thường nói: "Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ", nghĩa là "Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn". Vốn có tinh thần yêu nước, khảng khái, cụ thường chống đối bọn quan trên và bọn thực dân Pháp, cho nên sau một thời gian rất ngắn, cụ bị chúng cách chức. Cụ vào Nam bộ làm nghề thầy thuốc, sống cuộc đời thanh bạch, cho đến lúc từ trần."(Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương (BNCLSĐ), Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư (có xem lại và bổ sung), Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1975, tt. 11-12. (Viết tắt: BNCLSĐ)

Nguyễn Sinh Sắc quả thật đã đỗ phó bảng năm 1901 (tân sửu) cùng một lần với Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh.(Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục (chữ Nho), bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Sài Gòn: Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1962, tt. 234-240. Sau khi đậu cử nhân, thí sinh tham dự kỳ thi hội tại kinh đô Huế. Sau khi đậu thi hội, thí sinh vào thi đình là ký thi sát hạch để phân cao thấp. Nếu đậu cao, gọi là tiến sĩ; đậu thấp hơn gọi là phó bảng.) Tuy nhiên, Nguyễn Sinh Sắc không hề bị "bọn thống trị thúc ép nhiều lần" sau khi đỗ phó bảng, mới chịu ra làm quan.

03

 

Ông Sắc đã xin đi làm quan ngay sau khi đỗ cử nhân và trước khi đỗ phó bảng. Nguyên vào năm 1894, Nguyễn Sinh Sắc đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An. Năm sau (1895), ông Sắc vào Huế thi hội bị hỏng, đã xin đi làm hành tẩu bộ Hộ. Ba năm sau, ông hỏng kỳ thi hội một lần nữa vào năm 1898. (Trần Quốc Vượng, Trong cõi, California: Nxb. Trăm Hoa, 1993, tr. 257.) Trước khi đi thi hội năm 1901, với tư cách là một quan chức của triều đình Huế, ông Sắc đã tham dự Hội đồng giám khảo, chấm kỳ thi hương tại Bình Định năm 1897 và Thanh Hóa năm 1900. (Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ' Indochine au Vietnam [Hồ chí Minh, từ Đông Dương đến Việt Nam], Paris: Nxb. Gallimard, 1990. tt. 131-132. (Viết tắt.: DH). Cuối cùng ông đỗ kỳ thi hội năm 1901. Vào thi đình ông đỗ phó bảng va được bổ nhiệm làm thừa biện bộ Lễ từ 1902 đến 1909, rồi đi tri huyện Bình Khê (Bình Định) tháng 5 năm đó. Từ thừa biện đi làm tri huyện, là thăng chức chứ không phải xuống chức.

 

NGUYỄN SINH SẮC tức NGUYỄN SINH HUY (Phụ thân Hồ Chí Minh)

Ông Huy vào cuối đời “không muốn nghe nói đến “đứa con hư” [HCM] của mình.”

(Daniel Hémery, De l’Indochine au Vietnam, Paris: Gallimard, 1990, tr. 134.)

 

Nguyễn Sinh Sắc bị sa thải chứ không phải bị cách chức. Sa thải là bị đuổi không được làm quan; cách chức là bị tước mất chức vụ, nhưng vẫn được làm quan, có thể bị hạ chức vụ hoặc thuyên chuyển đi chỗ khác.

04

Lý do sa thải cũng không phải vì "vốn có tinh thần yêu nước, khảng khái, cụ thường chống đối bọn quan trên và bọn thực dân Pháp ". Ông bị sa thải vì đã hành xử tàn bạo với dân chúng. Trong một cơn say rượu, ông Sắc đã dùng roi mây trừng phạt và đánh chết một người tù vào tháng 1-1910. Gia đình người nầy kiện lên cấp trên. Dù tri huyện Sắc đã chối cãi rằng không phải vì trận đòn của ông mà người kia chết, ông vẫn bị triều đình ra sắc chỉ ngày 17-9-1910 phạt đánh 100 trượng. Hình phạt nầy được chuyển đổi qua hạ bốn cấp quan lại và sa thải.(Daniel Hémery, sđd. tr. 133.)

Triều đình chuyển đổi hình phạt để Nguyễn Sinh Sắc khỏi bị đánh đòn có thể nhắm giữ thể diện của một quan chức triều đình, và nhất là vị nầy lại là người có học vị cao. Có tài liệu nói rằng chính nhờ Cao Xuân Dục (1842-1923), một thượng thư trong triều, che chở, nên ông Sắc chỉ bị mất chức mà không bị phạt đánh trượng. Cao Xuân Dục là người Nghệ An, cùng tỉnh với Nguyễn Sinh Sắc.(Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn (Thiên Mệnh Đại Pháp) 1884-1945, tập 2, Houston: Nxb. Văn Hóa, 2000, tr. 683.) Phải chăng Hội đồng hương Nghệ An, lúc đó hoạt động rất mạnh tại kinh đô Huế, đã can thiệp giúp Nguyễn Sinh Sắc?

 

Ông Sắc nghiện rượu từ khi còn ở Huế. Chị của HCM, bà Nguyễn Thị Thanh, vào Huế thăm cha năm 1906. "Bà không thể chịu đựng lâu ngày thái độ cộc cằn thô lỗ của cha bà, nay đã mắc phải tật nghiện rượu và thường hay đánh đập bà".(Daniel Hémery, sđd. tr. 133.) Do đó, năm sau bà bỏ Huế ra Nghệ An trở lại, mà không sống với cha.

Phải chăng câu: "Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ " (Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn) là do những cán bộ cộng sản bịa ra, rồi gán cho ông Sắc để đả kích chế độ quân chủ? Hay phải chăng vì bị đuổi ra khỏi ngành quan lại nên ông Sắc mới bất mãn và thốt lên câu nầy? Nếu không, trước đó ông Sắc hăng hái xin ra làm quan làm gì? Sau nầy con ông, Nguyễn Tất Thành (HCM) còn gởi thư đến viên Khâm sứ Pháp tại Huế, viên chức Pháp đứng đầu Trung Kỳ, xin cho cha ông một chức quan nhỏ nữa.

05

Ngày 26-2-1911, Nguyễn Sinh Sắc xuống tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Ông ở lại Sài Gòn một thời gian, dạy chữ Nho cho nhà báo Diệp Văn Kỳ, rồi đi Lộc Ninh làm giám thị đồn điền. Diệp Văn Kỳ (1895-1945) là con của Diệp Văn Cương và bà Công Nữ Thiện Niệm. Bà nầy là em của vua Dục Đức (1883) và cô của vua Thành Thái (trị vì 1889-1907).

Từ đó, Nguyễn Sinh Sắc không bao giờ trở ra Nghệ An. Ông sống lang thang ở miền Nam bằng nghề đông y, và nghề viết liễn đối cho dân chúng. Gần cuối đời, ông đến định cư tại làng Hội Hòa An, Sa Đec, và từ trần ngày 29-11-1929.(Daniel Hémery, sđd. tr. 134.)

Sau hiệp định Genève năm 1954, đất nước bị chia hai. Mộ phần của Nguyễn Sinh Sắc ở Sa Đec đã được tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ thị cho ông bộ trưởng bộ Kiến thiết tên là Hoàng Hưng sửa sang, trùng tu đàng hoàn tươm tất năm 1956.(Trần Đông Phong, “Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm”, California: nguyệt san Thế Kỷ 21, Xuân Ất Dậu 2005, tt. 95-96. Trần Nguơn Phiêu, Những ngày qua, Texas: Nxb. Hải Mã, 2005, tr. 251.)

Khi Nguyễn Sinh Sắc bị bãi chức và sống lang thang nghèo khổ ở miền Nam, thì con ông ta là Nguyễn Tất Thành lấy tên là Ba, xin làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville và theo tàu nầy rời Sài Gòn, đi Pháp ngày 5-6-1911. Ông đặt chân đến Marseille, hải cảng miền Nam nước Pháp, ngày 6-7-1911.(Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh (1872-1926) qua những tài liệu mới, quyển 2 tập 1, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr. 210.)

Tiếo tục cuộc hải hành, Nguyễn Tất Thành (HCM) ghé Sài Gòn vào gần cuối tháng 10-1911 và gởi thư đề ngày 31-10-1911 cho khâm sứ Pháp tại Huế nhờ chuyển cho cha là Nguyễn Sinh Sắc 15 đồng Đông Dương.(Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Virginia: Nxb. Tiếng Quê Hương, 2012, tr. 465.)

06

Sau đó, khi đến New York, ngày 15-12-1912, Thành (HCM) viết một thư khác cho viên khâm sứ Pháp tại Huế tha thiết "... cầu mong Ngài [chỉ khâm sứ Pháp] vui lòng cho cha tôi [cha của Thành tức ông Sắc] được nhận một công việc như thừa biện ở các bộ, hoặc huấn đạo, hay giáo thụ để cha tôi sinh sống dưới sự quan tâm cao quý của Ngài..."(Thành Tín, Mặt thật, California: Nxb. Saigon Press, 1993, tt. 95-96.)

Đây là hai việc làm hiếu đễ đáng khen của thanh niên Thành. Tuy nhiên rất tiếc khi gia nhập đảng CS, thì Thành từ bỏ luân lý truyền thống dân tộc, chuyển lòng trung hiếu thành lý tưởng phục vụ đảng và chủ nghĩa cộng sản, đến nỗi sau đó chính ông Sắc, phụ thân của Thành, rất bực mình “không muốn nghe nói đến “đứa con hư” của mình [...] mà các chủ thuyết chẳng những đả phá uy quyền của nhà vua, mà còn đả phá luôn cả uy quyền của người gia trưởng.”(Daniel Hémery, sđd. tr. 134.)

 

Vậy huyền thoại về người cha của HCM là một người yêu nước, chống đối chính quyền Pháp nên bị cách chức, là chuyện hoàn toàn bịa đặt có thể do chính HCM hoặc do Ban Nghiên cứu Lịch sử trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra nhằm làm tăng giá trị cho HCM.

Tưởng cũng nên thêm ở đây một phát hiện của Trần Quốc Vượng (1934-2005), sử gia Hà Nội. Trong sách Trong cõi của Trần Quốc Vượng, có bài "Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (kinh nghiệm điền dã)". Trong phần cuối của bài nầy, Trần Quốc Vượng cho biết rằng Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân của HCM, không phải là con của Nguyễn Sinh Nhậm. Trước khi đám cưới, bà vợ của Nguyễn Sinh Nhậm đã có mang với cử nhân Hồ Sĩ Tạo, cho nên Nguyễn Sinh Nhậm chỉ là người cha trên giấy tờ của Nguyễn Sinh Sắc mà thôi. Trần Quốc Vượng viết: "Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì cụ biết ông nội đích thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải là cụ Nguyễn Sinh Nhậm".(Trần Quốc Vượng, sđd. tr. 258. Cử nhân Hồ Sĩ Tạo, Nghệ An, đậu năm 1868, khác với cử nhân Hồ Sĩ Tạo, Bình Định, đậu 1891.)

07

 

Chương 2

HUYỀN THOẠI RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC

 

Những tài liệu của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đều viết rằng ngày 5-6-1911, thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu Amiral Latouche-Tréville để ra đi tìm đường cứu nước. Sau đây là lời trong sách Lịch sử Việt Nam của nhà cầm quyền CS Hà Nội:

"Sự thất bại của các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục của cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống thuế ở các tỉnh Trung Kỳ mà Người [Hồ Chí Minh] từng tham gia khi đang học ở trường Quốc Học Huế, đã thôi thúc Người [HCM] hướng về các nước Tây Âu, mong muốn được đến "tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Sau khi rời Huế vào Phan Thiết ... ...Được ít lâu, lấy tên là Văn Ba, Người [HCM] xin làm phụ bếp trên chiếc tàu thủy Đô đốc La Tusơ Tơrêvin (La Touche Tréville)[Latouche-Tréville], thuộc hãng vận tải hợp nhất của Pháp, để đi ra nước ngoài "xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào"..."(Nguyễn Khánh Toàn và một nhóm tác giả, Lịch sử Việt Nam, tập 2, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1985, tr. 145.)

Sách Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp của nhà xuất bản Sự Thật (trực thuộc Trung ương đảng Lao Động) giải thích sự ra đi của HCM cũng gần giống như thế: "... Ít lâu sau, Hồ Chủ tịch vào Sài Gòn. Nam Kỳ dưới chế độ thuộc địa cũng chẳng khác gì Trung Kỳ dưới chế độ bảo hộ và Bắc kỳ dưới chế độ nửa thuộc địa, nửa bảo hộ. Ở đâu nhân dân cũng bị áp bức, bóc lột, đồng bào cũng bị đọa đày, khổ nhục. Điều đó càng thôi thúc Hồ Chủ tịch đi sang các nước Âu tây để xem nhân dân các nước ấy làm như thế nào mà trở nên độc lập, hùng cường, rồi sẽ trở về "giúp đỡ đồng bào" đánh đuổi thực dân Pháp. Ý định ấy của Người [HCM] đã dẫn Người từng bước đi tới tìm một phương hướng mới cho sự nghiệp cứu nước của nhân dân ta." (BNCLSĐ, sđd.15).

08

Trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, cũng do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành, trả lời phỏng vấn của tác giả Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh (HCM) nói về lý do ra đi như sau:"...Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta..."(Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1976, tr. 13.)

Trần Dân Tiên chính là HCM. Ông dùng một tên khác viết sách tự ca tụng mình. Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, có nhiều người viết sách về hoạt động của mình, đôi khi để tự khen mình, hoặc để biện hộ cho những việc làm của mình, nhưng họ đề tên thật, chịu trách nhiệm về những điều họ viết. Hồ Chí Minh dùng một tên khác tự ca tụng mình là một sáng kiến kỳ lạ chưa một người tự trọng nào dám nghĩ đến.

Như thế, qua các sách của nhà cầm quyền CS và qua chính những lời viết của HCM, ông ta đi ra nước ngoài nhắm mục đích tìm đường cứu nước, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều tác giả đã tìm được những chứng liệu cụ thể cho thấy HCM ra đi không phải để tìm đường cứu nước, mà chỉ vì lý do kinh tế gia đình.

Trong bài "Từ mộng làm quan đến đường cách mạng Hồ Chí Minh và Trường Thuộc Địa", đăng trên nguyệt san Đường Mới số 1, Paris, 1983, từ trang 8 đến trang 25, hai tác giả Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu đã phổ biến ảnh sao (photocopy) hai lá thư của Nguyễn Tất Thành đề ngày 15-9-1911 gởi cho tổng thống Pháp và bộ trưởng bộ Thuộc Địa Pháp, xin hai ông ban ân huệ cho Thành được đặc cách vào học Trường Thuộc Địa Paris, nơi đào tạo quan lại cho các thuộc địa Pháp trong đó có Đông Dương, đuọc dịch ra như sau:

Marseille, ngày 15 tháng Chín năm 1911

Kính thưa Tổng Thống Cộng Hòa,

Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của Ngài ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú trường Thuộc Địa.

09

Tôi hiện đang làm công nhân trong công ty Chargeurs Réunis (tàu Amiral Latouche-Tréville) để sinh sống.

Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được những ích lợi của nền học vấn.

Tôi người gốc tỉnh Nghệ An, xứ An nam.

Trong khi chờ đợi câu trả lời mà tôi hy vọng là thuận lợi của Tổng Thống, xin Ngài nhận trước nơi đây lòng biết ơn của tôi.

Nguyễn Tất Thành, sinh tại Vinh năm 1892,

con của ông Nguyễn Sinh Huy (Phó bảng)

Học sinh Pháp văn, Quốc ngữ và chữ Nho.

Trên đường hải hành, khi tàu ghé bến Sài Gòn, ngày 31-10-1911 Nguyễn Tất Thành viết một thư cho khâm sứ Pháp tại Huế, nhờ chuyển 15 đồng Đông Dương cho cha là Nguyễn Sinh Sắc; đồng thời Thành gởi một thư khác cho anh là Nguyễn Tất Đạt (còn có tên là Nguyễn Sinh Khiêm), cũng đề ngày 31-10-1911, đang giúp việc cho Tòa khâm sứ Pháp tại Huế, nhờ anh vận động xin cho Thành vào học trường Thuộc Địa Paris. Ông Đạt gởi thư lên toàn quyền Đông Dương là Albert Sarraut. Thư nầy được chuyển về Tòa khâm sứ Huế, và bị viên khâm sứ từ chối.(Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh (1872-1926) qua những tài liệu mới, quyển 3 tập 1, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr. 191.)

 

Hai lá đơn của Nguyễn Tất Thành cùng với thư vận động của Nguyễn Tất Đạt cho thấy lúc mới ra đi, Thành chỉ nhắm mục đích sinh nhai. Vì sinh kế gia đình, lúc đó Nguyễn Tất Thành sẵn sàng thỏa hiệp với người Pháp để kiếm một chức quan cho cá nhân ông bằng việc xin vào học Trường Thuộc Địa Paris.

Điều nầy là chuyện bình thường của đời sống con người. Lớn lên, ai ai cũng phải kiếm cách mưu sinh để tự nuôi sống mình và nuôi sống gia đình.

10

Hai lá đơn nầy còn có nghĩa là Nguyễn Tất Thành không phải ra đi tìm đường cứu nước. Việc ra đi tìm đường cứu nước chỉ là sản phẩm tưởng tượng sau nầy của HCM và CSVN, nhắm "anh hùng hóa" và làm đẹp cho việc ra đi của HCM để lôi cuốn quần chúng trên đường hoạt động chính trị.

11

 

 

Chương 3

HUYỀN THOẠI CUỘC SỐNG ĐỘC THÂN GIẢN DỊ

 

Hồ Chí Minh cũng như ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương luôn luôn đề cao rằng ông ta suốt đời sống độc thân, không lập gia đình, để có thể toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Sự thật, dù HCM đi đâu, ở nơi nào, cũng đều có bóng dáng của người đàn bà trong suốt cuộc đời hoạt động của ông.

Theo giáo sư Nguyễn Thế Anh, khi hành nghề nhiếp ảnh ở Paris, Nguyễn Ái Quốc (HCM) đã gởi thư tỏ tình với cô Bourdon ngày 10-5-1923. Sau vài cuộc gặp gỡ và thư từ qua lại, cô Bourdon viết thư ngày 11-6-1923 cự tuyệt mối tình của Nguyễn Ái Quốc. Giáo sư Nguyễn Thế Anh còn trưng dẫn nhiều tài liệu cho thấy khi qua Moscow, nhà cầm quyền Liên Xô đã cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc một "người vợ".(Nguyễn Thế Anh, "Hành trình chính trị của Hồ Chí Minh", đăng trong sách Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, một nhóm tác giả, Paris: Nxb. Nam Á, 1990, tr. 25.)

Đến Quảng Châu (Trung Hoa), Nguyễn Ái Quốc, lúc đó lấy tên là Lý Thụy kết hôn với một người phụ nữ Trung Hoa là Tăng Tuyết Minh (1905-1991) vào tháng 10-1926. Lễ kết hôn diễn ra tại nhà hàng Thái Bình ở trung tâm thành phố Quảng Châu với sự hiện diện của các bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai), Bào La Đình, Thái Sướng.(Hoàng Tranh (Huang Zheng), “Hồ Chí Minh với bà vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, đăng trên tạp chí Đông Nam Á Tung Hoành tháng 11-2001. Báo Diễn Đàn, Paris, số 121, tháng 9-2002 dịch đăng lại, tt. 17-20. Sau năm 1954, bà Tăng Tuyết Minh (1905-1991) xin gặp Hồ Chí Minh nhưng bị từ chối._

Lý Thụy và Tăng Tuyết Minh chia tay khi chiến tranh Quốc Cộng bùng nổ ngày 12-4-1927. Lý Thụy đi Vũ Hán, đến Thượng Hải, theo đường Hải Sâm Uy (Vladivostok) qua Moscow khoảng giữa tháng 6 năm 1927. Sau đó, theo lịnh của Đệ tam Quốc tế, HCM vòng qua Âu Châu, đến Thái Lan, trở về Hồng Kông tháng 11-1929.

12

 

 

 

 

PHIÊN ÂM THƯ LÝ THỤY GỞI TĂNG TUYẾT MINH

 

Dữ muội tương biệt

Chuyển thuấn niên dư,

Hoài niệm tình thâm,

Bất ngôn tự hiểu.

Từ nhân hồng tiện,

Dao ký thốn tiên,

Tỷ muội an tâm,

Thị ngã da vọng,

Tịnh thỉnh nhạc mẫu vạn phúc.

Chuyết huynh Thụy

Tạm dịch:

Cùng em chia tay,

Thấm thoát nháy mắt đã hơn năm,

Nhớ nhung tình sâu,

Không nói cũng biết .

Nay nhân gởi tin hồng nhạn,

Xa xôi gởi lá thư mang tấm lòng,

Mong em yên tâm,

Là điều anh trông ngóng,

Cũng xin vấn an nhạc mẫu vạn phúc,

Người anh vụng về Thụy

13

Trong thời gian nầy, Lý Thụy viết cho Tăng Tuyết Minh một lá thư, nhưng không hiểu vì sao, lá thư đó lọt vào tay cơ quan Mật thám Pháp ở Đông Dương ngày 14-8-1928. Cho đến tháng 5-1950, nhìn thấy hình HCM trên Nhân Dân Nhật Báo (Trung Hoa), Tăng Tuyết Minh gởi nhiều lá thư cho HCM thông qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh là Hoàng Văn Hoan, nhưng đều không được trả lời.(Hoàng Tranh, bài đã dẫn, báo đã dẫn.)

Khi cảnh sát Hồng Kông bắt Lý Thụy ngày 6-6-1931 tại Cửu Long, gần Hồng Kông, ông đang sống với một phụ nữ Trung Hoa tên là Li Sam. Khi Lý Thụy đến Vân Nam năm 1940, tướng Long Vân (Lung Yun) đã tìm cho ông một nhân tình người Tàu. (Nguyễn Thế Anh, bđd. tr. 25.)

Trong khi đó, từ năm 1930, ở Hồng Kông, Lý Thụy dạy chính trị cho Nguyễn Thị Minh Khai tại trụ sở chi nhánh Bộ Đông phương của Quốc tế cộng sản. Sau một thời gian, hai người trở thành vợ chồng, và khi qua Liên Xô tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản ngày 25-7-1935, hai người công khai sống chung.(Thành Tín, Về ba ông thánh, California, 1995, tr. 136.)

 

Năm 1944, HCM về hoạt động tại vùng Pắc Bó, Cao Bằng. Ở đây, HCM sống chung với bà Đỗ Thị Lạc, bí danh "chị Thuần", và sinh hạ một người con gái. (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Sài Gòn, 1969, tr. 75.)

14

Sau cuộc sống chung tạm bợ với Đỗ Thị Lạc, HCM bị cuốn hút vào những biến chuyển lịch sử cho đến năm 1954, HCM về Hà Nội.

Tại Hà Nội, Bộ chính trị đảng Lao Động (danh xưng của đảng Cộng Sản từ 1951) đã đưa một cô gái thuộc sắc tộc Nùng ở Cao Bằng là Nông Thị Xuân (có sách viết là Nguyễn Thị Xuân) về phục vụ HCM năm 1955. Lúc đó, HCM khoảng 65 tuổi và bà Xuân có lẽ khoảng trên dưới 22 tuổi, khá xinh đẹp: "Cô Xuân rất xinh gái, da trắng nõn, miệng tươi như hoa".(Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, hồi ký chính trị của một người không làm chính trị, California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr. 606. (Viết tắt: VTH, sđd. tr.).

 

Năm sau, bà Xuân sinh hạ một người con trai được đặt tên là Nguyễn Tất Trung. Sau một thời gian chung sống, HCM sa thải bà Xuân. Viên bộ trưởng công an nhà cầm quyền CS là Trần Quốc Hoàn đã hiếp dâm bà Xuân, rồi cho người thủ tiêu bà Xuân một cách tàn bạo. (VTH, sđd. tr. 606.)

Trong thời gian nầy, đảng LĐ còn có ý định đưa cô Nguyễn Thị Phương Mai, tỉnh uỷ viên tỉnh Thanh Hóa, về Hà Nội để làm vợ HCM. Cô Phương Mai đòi công khai hóa cuộc hôn nhân giữa hai người, thì bị từ chối, nên cô rút lui.(Nguyễn Minh Cần, "Thêm vài mẩu chuyện về cuộc đời của Hồ Chí Minh", Thế Kỷ 21, Garden Grove, số 96, tháng 4-1997, tt. 33-40.)

15

Năm 1959, Đào Chú, uỷ viên thường vụ bộ chính trị đảng Cộng Sản, Phó thủ tướng chính phủ CS Trung Hoa, sang Bắc Việt nghỉ dưỡng. Một bộ trưởng trong chính phủ Hà Nội nói riêng với Đào Chú rằng HCM muốn tái hôn với một người vợ Quảng Đông (Trung Hoa). Đào Chú rất hoan hỷ giúp đỡ, nhưng thủ tướng CS Trung Hoa là Chu Ân Lai đã thận trọng yêu cầu phía Việt Nam xem xét vấn đề cẩn thận.

Hội nghị do Lê Duẩn triệu tập đi đến quyết định là phải bảo vệ hình tượng HCM, nên việc HCM muốn tái hôn với một phụ nữ Quảng Châu không thành.(Văn trích tuần báo, số tháng 1-1991, Kirin (hay Jilin), Trung Hoa. Bài báo nhan đề: "Hồ Chí Minh tằng tưởng tái hôn". Nguyệt san Phụng Sự, Glendale, Phoenix, Arizona, bộ mới, số 10, ngày 15-10-1996, chụp hình và dịch bài báo sang tiếng Việt.)

Hồ Chí Minh cho Đào Chú biết ông muốn tái hôn, có nghĩa là ông ta tự thú nhận đã kết hôn một lần nào đó rồi.

Khi Nông Đức Mạnh, bí thư đảng uỷ đảng CSVN tỉnh Bắc Thái được bầu làm uỷ viên dự khuyết Trung ương đảng tại Đại hội 6 đảng CSVN vào tháng 12-1986, đã có dư luận cho rằng ông Mạnh là con rơi của HCM, được một gia đình người Tầy nuôi nấng. Theo sách Encyclopedia of the Vietnam War, ông Mạnh “không bao giờ chối bỏ dư luận nầy”.(Spencer C. Tucker, chủ biên, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History [Bách khoa chiến tranh Việt Nam: Lịch sử chính trị xã hội và quân sự] , tập 2, Santa Barbara, California: ABC-CLIO, 1998, tr. 505.)

Nông Đức Mạnh thăng tiến rất nhanh. Trong Đại hội đảng CSVN lần thứ 9 từ 19 đến 22-4-2001, ông Mạnh được bầu làm tổng bí thư đảng. Dư luận về việc ông Mạnh là con rơi của HCM sống trở lại. Ký giả Dominic Whiting, trong bản tin của hãng thông tấn Reuters, cho biết đã có lần cựu đại sứ Úc tại Việt Nam tên là Sue Boyd, hỏi thẳng ông Mạnh về dư luận nầy, câu trả lời của ông Mạnh được mô tả là “lửng lơ”, nghĩa là không phủ nhận mà cũng không thừa nhận.

16

Như thế huyền thoại thứ ba về HCM, hy sinh cuộc sống cá nhân, sống độc thân để toàn tâm toàn ý lo việc nước, là một câu chuyện bí mật giấu đầu lòi đuôi. Hồ Chí Minh có vợ là một chuyện bình thường, nhưng bản thân HCM và đảng CS trước sau luôn luôn che đậy việc nầy để lừa bịp nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới. Kết hôn, lập gia đình là điều chẳng có gì xấu xa, nhưng xử sự tàn bạo với những người đã từng sống với mình, che đậy việc kết hôn, lừa bịp trắng trợn mọi người là điều mà không một nền luân lý nào chấp nhận.

Sau khi HCM chết, trong lời kêu gọi đưa ra ngày 3-9-1969, đảng LĐ đã viết: "...Cuộc đời của Người là một tấm gương chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần đoàn kết, của đạo đức giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư..." (BNCLSĐ, tr. 160). Hãy nhìn vào cách sống của HCM để biết ông có phải là người "giản dị, khiêm tốn" hay không?

 

 

Trước hết, chế độ Hà Nội tuyên truyền rằng HCM sống trong một ngôi nhà sàn bằng gỗ. Nghe chữ "nhà sàn", người Việt thường liên tưởng đến những ngôi nhà của người miền núi, làm bằng gỗ, cách mặt đất khoảng một thước, phía dưới dùng để cất giữ dụng cụ hay nhốt gia súc; hoặc liên tưởng đến những nhà sàn của một số cư dân ven sông hay dọc các kênh đào.

17

Những ngôi nhà sàn nầy rất đơn sơ, giản dị. Ấn tượng giản dị khiến nhiều người tưởng tượng rằng ngôi nhà sàn của HCM có lẽ cũng thế, và cũng tưởng rằng HCM sống rất bình dân. Thực tế hoàn toàn không như vậy.

 

 

Những du khách đã từng viếng ngôi nhà sàn của HCM, hoặc những ai đã từng nhìn ngôi nhà sàn nầy qua phim ảnh, rồi so sánh với nhà sàn của người miền núi

hoặc của những người sống ven sông, sẽ có cảm nghĩ khác. Ngôi nhà sàn của HCM có vẻ giản dị một cách cố ý, lại rất sang trọng, xây dựng bằng loại gỗ cực tốt, trang bị đầy đủ theo tiện nghi thời đại, có người chăm sóc cẩn thận, và gần như là nhà nghỉ mát mùa hè, hoặc nơi HCM đón tiếp du khách. Như vậy ngôi nhà sàn của HCM chỉ là loại trang trí mắc tiền.

"Áo quần lên sân khấu rất quan trọng: luôn luôn giản dị (áo quần màu chàm). Đối với Hồ cũng như Staline, Mao, hoặc Kim Nhật Thành, sự giản dị được nghiên

cứu kỹ lưỡng. Áo quần cắt may thô sơ theo kiểu Kroutchev hoặc Ceaucescu, biểu tượng của một thế hệ lãnh đạo cộng sản.

18

Điều đặc biệt của Hồ trong giới lãnh đạo cộng sản là Hồ đi dép lốp (trên nguyên tắc cắt từ lốp xe hơi) ... Còn gì ăn ảnh hơn dù là tiền chiến hay hiện đại "Bác" Hồ đi dép lốp trên màn ảnh."(Oliver Todd, "Huyền thoại Hồ Chí Minh", Nguyễn Văn dịch, đăng trong sách Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, Nxb. Nam Á, Paris, 1990, tr. 276.)

Sau đây là một màn biểu diễn "dép lốp" (đế dép bằng vỏ bánh xe hơi, sợi dép bằng ruột bánh xe hơi), còn được gọi là "dép râu", của HCM, do một nhà văn, khi còn ở trong nước đã từng làm nghề quay phim, kể lại: "Một lần tôi quay cảnh ông [HCM] thăm đồng bào nông dân ở Hải Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại những vũng nước lớn. Đến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ không bị ngập. Tôi chợt hiểu: ông không đi men vệ đường vì ông muốn chưng đôi dép."(VTH, sđd. tr. 459).

Chỉ với ba thứ trên đây (nhà sàn, áo quần, dép râu), HCM đã chứng tỏ đúng như nhận xét của nhà văn đã từng quay phim cho HCM trên đây: "Trong hành xử ông [HCM] là một diễn viên kỳ tài."(VTH, sđd. tr. 459). Một người khác tận mắt chứng kiến cảnh HCM ứng xử đối đáp với sinh viên tại Đông Dương Học Xá ở Hà Nội vào tháng 10-1945, đã đưa ra nhận xét: "Cảm tưởng của tôi hôm ấy đối với ông [HCM] rất rõ ràng. Ông lanh lợi, đóng kịch thật giỏi và chắc chắn về sau nầy ông sẽ không thiếu thủ đoạn chính trị."(Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, Hồi ký chính trị, Paris: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000, tr. 68.)

Người ngoại quốc cũng thấy được điều nầy nơi HCM. Bernard Fall đã viết: "Người ta biết rằng ông Hồ là một kịch sĩ có biệt tài đánh lừa kẻ đối thoại."(Bernard Fall, Les deux Viet-Nam [Hai nước Việt Nam], Paris: Nxb. Payot, 1967, tr. 102.)

Hồ Chí Minh duy nhất chỉ để lộ một sở thích phàm tục rất người, đó là ông thích hút thuốc thơm Hoa Kỳ, đặc biệt là Camel hay Lucky Strike.(Tạp chí Time, tập 151, số. 14, 13-4-1998, tr. 123.) Không biết đây là dàn kịch để chứng tỏ ông ta cũng bình thường như mọi người, hay quả thật ông ta thích hút thuốc Mỹ. Dầu sao, cuộc sống của HCM không giản dị như người ta tưởng.

19

Trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Trần Dân Tiên (chính là HCM) đã viết trong phần đầu sách: "Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của người được?”(tr. 9).

Một người dùng một cái tên khác viết sách, tự khen mình là khiêm tốn không muốn nói về mình, rồi sau đó, suốt trong quyển sách lại kể lể tự đề cao sự nghiệp của mình, thì không biết nên xếp vào loại người gì đây?

Cuối sách nầy, Trần Dân Tiên (tức HCM) viết: “Nhân dân gọi Chủ tịch là cha già của dân tộc, vì Hồ Chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ quốc Việt Nam.” Lời nầy cho thấy HCM muốn gợi ý để được người Việt Nam gọi ông là cha già của dân tộc, nhưng không được dân chúng hưởng ứng, nên ông quay qua dùng chữ “bác”. Ở đây lại thấy HCM thậm khôn, vì trong cơ cấu gia tộc Việt Nam, bác là anh của cha, bác lớn hơn cha và đứng trước cha trong sinh hoạt đại gia đình, hoặc lễ nghi tế tự.

Theo Thành Tín, tức Bùi Tín, cựu đại tá quân đội CS, cựu phó tổng biên tập báo Nhân Dân Hà Nội, thì HCM công khai tự xưng là “bác” năm 1945 trước quần chúng, lúc đó ông khoảng 55 tuổi.(Thành Tín, Hoa xuyên tuyết, California: Nhân Quyền, 1991, tr. 117.) Nói chuyện với dân chúng, trong đó có cả những người già cả, đáng tuổi ông, cha, chú, anh, chị mình mà tự xưng bác thì xin khỏi bàn về tư cách của “bác”.

Sau năm 1975, người miền Nam rất lấy làm lạ là trong sinh hoạt thường nhật cũng như trên đài phát thanh, cán bộ cộng sản luôn luôn gọi những địch thủ chính trị của họ bằng “thằng”, “nó”, “hắn”. Ví dụ khi kể tội nhà văn Trương Tửu trên báo Văn Nghệ số 11 (Hà Nội, 4-1958), nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết:

Vẫn một lối huênh hoang và bịp bợm cũ, nó [Trương Tửu] làm như chỉ có mới là triệt để cách mạng. Một mặt bóp méo, bịa đặt để vu khống…Một mặt khác xuyên tạc lời nói của các lãnh tụ. trích dẫn Mác đả kích chính quyền phản động cũ để gián tiếp đả kích chính quyền ta…” (NMC, sđd. tr. 32).

20

Hoặc tác giả Xuân Dung tố cáo nữ văn sĩ Thụy An Lưu Thị Yến trên báo Thủ Đô (Hà Nội, 23-4-1958): ”…Có người (hiện đương ở Hà Nội), lại trông thấy Thụy An ngồi chung xe với tên tướng giặc Cô-nhi [Cogny], ấy là chưa kể có tin vào Sài Gòn rồi trở ra Hà Nội, một tháng trước khi tiếp quản... Giải phóng thủ đô, nhiều người lạ lùng vì sự có mặt của con nầy.” (NMC, sđd. tr. 30).

Sau đây là lời giải thích của một nhà văn đã từng sống dưới thời HCM: "Cách gọi thằng, con trong ngôn ngữ chính trị có cội nguồn của nó. Nó xuất hiện vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính ông Hồ Chí Minh dùng cách gọi này trong những cuộc nói chuyện với cán bộ và trong những bài viết trên báo Cứu Quốc: thằng Mỹ, thằng Pháp, thằng Xihanúc, thằng Lý Quang Diệu, thằng Măng-dét Phrăng... Theo gương ông, về sau người ta gọi bất kỳ kẻ thù chính trị nào cũng bằng thằng hết: thằng Bảo Đại, thằng Diệm, thằng Khánh, thằng Kỳ, thằng Thiệu." (VTH, sđd. tr. 265).

Chẳng những thiếu kính trọng với người đang sống, HCM còn tỏ ra thiếu lễ độ đối với những người trước ông hàng mấy trăm năm. Hãy đọc những câu thơ của HCM qua bài "Ngẫu hứng" ông viết vào dịp viếng đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1226-1300) khoảng trước năm 1950:

"Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng,

Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung.

Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc,

Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.

Bác đưa một nước qua nô lệ

Tôi dắt năm châu đến đại đồng.

Bác có linh thiêng cười một tiếng

Rằng tôi cách mạng đã thành công."

(Phạm Cây Trâm, "Về bài thơ viếng đền thờ Đức Trần Hưng Đạo của ông Hồ", nguyệt san Thế kỷ 21, California, số 136, tháng 8-2000, tr. 8.)

Trong lúc đắc ý, HCM đã để lộ cái "tôi" quá lớn của ông, tự phong mình là anh hùng, tự sùng bái mình theo chủ nghĩa sùng bái cá nhân không khác gì Stalin ở Liên Xô. Ở đây cần chú ý các cách chơi chữ của HCM:

21

 

1) Ông ta gọi Đức Trần Hưng Đạo bằng “bác”, xưng “tôi”. Trong cách nói của người Việt, đặc biệt của người Bắc, gọi một người khác bằng “bác”, và xưng “tôi”, có nghĩa là hai người ngang hàng nhau, và chữ “bác” là gọi thế cho con của mình.

2) Đức Trần Hưng Đạo thắng quân Nguyên bằng thanh kiếm bạc, tượng trưng cho sức mạnh võ lực trong khi Đức Trần Hưng Đạo là người đã dùng tâm đức để đoàn kết toàn bộ lực lượng dân Việt kháng Nguyên và không bao giờ Ngài tự kể công sức của mình; còn HCM tự khoe rằng chính ông ta là người có công trừ giặc Pháp bằng ngọn cờ hồng, tức là bằng chủ nghĩa cộng sản, chứ không phải nhân dân Việt Nam đã chiến thắng người Pháp. Hồ Chí Minh còn có tham vọng cực lớn là đưa năm châu tiến đến đại đồng, theo chữ nghĩa cộng sản là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như thếø ông muốn vượt qua luôn các bậc thầy của ông như Mao Trạch Đông và Stalin. Có lẽ vì bộc lộ quá rõ tính sùng bái cá nhân mà bài thơ được phổ biến một thời gian rồi không được in lại và chìm luôn nên ít người biết đến. Tự phong mình là anh hùng đã là chuyện lạ, gọi một vĩ nhân lịch sử sống trước đây hơn 600 năm bằng "bác" là một sự vô lễ lạ lùng chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Việt Nam.

 

Khi Quốc sử quán triều Nguyễn trình Khâm định Việt sử thông giám cương mục lên vua Tự Đức (trị vì 1848-1883) duyệt, trong khung cảnh xã hội quân chủ, vua

là con trời (thiên tử), đại diện Trời để trị vì thiên hạ, vua Tự Đức đã phê bình nhiều nhân vật lịch sử, đôi khi với lời lẽ gay gắt, nhưng chưa bao giờ nhà vua có ngôn ngữ sỗ sàng thiếu lễ độ như HCM. Hồ Chí Minh tưởng rằng gọi Trần Hưng Đạo bằng "bác" là có thể tự nâng mình lên ngang tầm với người xưa, nhưng ngược lại những lời nầy cho thấy hố cách biệt lớn lao giữa một vị thánh và một kẻ tự phụ hợm mình.

Chẳng những thế, người Việt Nam xưng tụng Đức Trần Hưng Đạo là thánh, nên cách xưng hô của HCM xúc phạm đến cả niềm tin của dân chúng Việt Nam.

Nếu nói rằng bài thơ nầy là "thơ khẩu khí", thì càng thấy "khẩu khí" của HCM chẳng khiêm cung tý nào.

22

Một phát hiện thú vị của một nhà văn thuở nhỏ đã từng sống gần gũi với HCM là: HCM đã từng ôm mộng làm vua. "Ông mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua. Ông mơ cưỡi nó thì ông đâu phải là một người trong chúng ta. Than ôi, lũ dân thường chúng ta làm gì có những giấc mơ như thế. Chúng ta chỉ mơ thấy cưỡi bò, cưỡi trâu, cưỡi ngựa. Sang lắm thì cưỡi bình bịch [xe gắn máy] là cùng. Lẽ ra tôi phải hiểu sớm hơn mới phải: bác Hồ của tôi từ lúc đang phải sống lẩn lút để làm cách mạng đã ôm ấp mộng ước làm vua.” (VTH, sđd. tr. 458)

Hồ Chí Minh là chủ tịch miền Bắc, ông có quyền sống một cách tiện nghi đầy đủ để làm việc; thậm chí ông có quyền tận hưởng mọi lạc thú trên đời sau khi đã dày công cực khổ tranh đấu; ông có quyền lực to lớn của một chủ tịch nhà nước CS độc tài; ông có thể vượt qua luật pháp ra lệnh sinh sát mọi người; ông có thể làm bất cứ việc gì ông muốn dưới chế độ độc tài; nhưng nói rằng HCM là người "giản dị khiêm tốn" là điều hoàn toàn sai sự thật.

23

Nguyễn Sinh Khiêm (Cả Khiêm)

hay Nguyễn Tất Đạt (Anh của HCM)

(Nguồn: Daniel Hémery, sđd. tr. 132.)

 

 

Chương 4

HUYỀN THOẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

 

Hồ Chí Minh luôn luôn hô hào đoàn kết dân tộc. Một trong những khẩu hiệu ưng ý của HCM là "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công đại thành công." Hồ Chí Minh đưa ra khẩu hiệu nầy trong hội nghị ngày 3-3-1951, hợp nhất hai mặt trận của đảng Cộng Sản là Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt. (Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương (BNCLSĐ), Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư (có xem lại và bổ sung), Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1975, tr. 110.) Sau đây là các cách thức đoàn kết của HCM và đảng CSVN.

ĐOÀN KẾT LÀ TIÊU DIỆT TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN BẤT CỨ GIÁ NÀO:

Khoảng giữa tháng 11-1924, HCM, lúc đó có tên là Lý Thụy, đáp tàu từ Vladivostok (miền viễn đông Liên Xô) đi Quảng Châu (Trung Hoa) với vai trò bề ngoài là thông ngôn của phái bộ cố vấn Borodin bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên trong thời kỳ liên minh quốc cộng đầu tiên ở Trung Hoa. Đến Quảng Châu, Lý Thụy bắt đầu gây dựng cơ sở đảng CSVN.

Nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam uy tín nhất ở Trung Hoa thời bấy giờ là Phan Bội Châu. Để giành lấy tổ chức của Phan Bội Châu, một trong những việc làm đầu tiên của Lý Thụy ở Quảng Châu là bán tin tức cho Pháp bắt Phan Bội Châu khi cụ Phan đi từ Hàng Châu đến Thượng Hải ngày 1-7-1925.(Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Đài Bắc: Nxb. Truyện Ký Văn Học, 1972, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, California: Nxb. Văn Nghệ, 1999, tt. 84-85.)

Chẳng những chỉ một mình Phan Bội Châu, mà những cán bộ cách mạng nào không về phe Lý Thụy, đều bị Lý Thụy bán tin cho Pháp bắt trên đường trở về Việt Nam hoạt động.(3) Từ đó, những người hoạt động cách mạng ở Trung Hoa thiếu người lãnh đạo, dần dần ngả theo nhóm CS của Lý Thụy.

24

Trong cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930, các đảng viên CS áp dụng đúng sách vở của Lý Thụy, rải truyền đơn tại Hà Nội tố cáo Quốc Dân Đảng sẽ tấn công Bắc Kỳ để Pháp đề phòng và lùng bắt các đảng viên QDĐ. Nguyễn Thị Giang đưa các tờ truyền đơn nầy cho Nguyễn Thái Học xem, nhưng với tấm lòng nhiệt thành yêu nước, Nguyễn Thái Học vẫn không tin là những đảng phái cách mạng Việt Nam cùng chống Pháp, lại có thể ngầm hại nhau như thế.(Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, tái bản kỳ 2, Sài Gòn, 1970, tt. 108, 261.)

Chẳng những tiêu diệt những người không cùng chính kiến để tranh giành quyền lực, HCM còn triệt hạ ngay cả những người trong đảng CS mà có thể cạnh tranh vị thế lãnh đạo của ông ta. Ví dụ điển hình nhất là trong vụ Xứ uỷ cộng sản Nam Bộ nổi dậy năm 1940, lãnh đạo đảng CSĐD, đứng đầu là HCM, đã nhờ tay người Pháp thanh toán nhóm lãnh đạo CSn ở trong Nam, trong đó có các nhân vật đã từng du học Liên Xô như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập.(Do nhà văn Nguyễn Đức Lập kể lại ngày 30-4-2001. Ông Lập là con của nhà báo Hồng Tiêu và nữ văn sĩ Tùng Long. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết ở trong nước và ở hải ngoại. Ông Lập nghe song thân và những nhà cách mạng lão thành miền Nam kể lại sự kiện trên.)

Ngoài ra HCM kiếm cách hạ tầng công tác và loại bỏ dần dần những người có thể cạnh tranh với ông ta trong đảng CS như trường hợp Trần Văn Giàu (cũng đã từng du học Liên Xô), nhắm độc chiếm quyền lực trong đảng CS. Điều nầy chứng tỏ ngay trong nội bộ đảng CS, HCM cũng không đoàn kết, mà chỉ nhắm làm sao tập trung quyền lực vào tay cá nhân ông ta mà thôi.

Năm 1945, Nhật Bản thất trận và đầu hàng Đồng minh. Tại hội nghị Potsdam (thị trấn ngoại ô Berlin), đại diện các nước Đồng minh đưa ra tối hậu thư ngày 26-7-1945 cho Nhật, theo đó quyết định về vấn đề Đông Dương như sau: quân đội Nhật sẽ bị giải giới do người Trung Hoa (Quốc Dân Đảng) ở phía bắc vĩ tuyến 16, và do người Anh ở phía nam vĩ tuyến 16. Tối hậu thư không nói ai sẽ cầm quyền sau khi quân đội Nhật bị giải giới.

25

Lợi dụng khoảng trống chính trị nầy, Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, gồm nòng cốt là đảng viên CS, tổ chức cướp chính quyền. Việt Minh đã giết hại và thủ tiêu vô số người yêu nước không đi theo chủ trương đường lối của Việt Minh. Những tên tuổi lớn đều bị Việt Minh giết hại như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Tạ Thu Thâu, Bùi Quang Chiêu, Phan Văn Hùm, Trương Tử Anh, Huỳnh Phú Sổ, Khái Hưng ...

Việt Minh thủ tiêu hàng loạt các đảng viên Quốc Dân Đảng, các nhà trí thức khác, và hàng ngàn tín đồ đạo Cao Đài. Trong "Bạch thư" Cao Đài giáo công bố tại San Bernardino ngày 9-4-1999, vị đại diện đạo Cao Đài là Ngọc Sách Thanh cho biết rằng tại Quảng Ngãi, chỉ trong ba tuần lễ kể tứ 19-8-1945, Việt Minh sát hại và chôn sống 2791 chức sắc, chức việc, và tín hữu Cao Đài giáo.

Việt Minh thủ tiêu tất cả những ai không theo chủ nghĩa CS và có thể tranh quyền với Việt Minh, từ trung ương, ở các thành phố lớn, đến những đơn vị nhỏ nhất ở các làng xã, dù họ là những người yêu nước hay là những nhân tài của đất nước. Việt Minh gọi hành động nầy là “giết tiềm lực”, tức giết những người có tiềm lực nguy hiểm cho CSvề sau.

Như vậy, ý nghĩa thứ nhất về việc đoàn kết và liên hiệp đối với HCM và đảng CS, là sự sáp nhập hay tiêu diệt tất cả các phe nhóm hay cá nhân đối lập với CS, hoặc ngay với những người CS nếu họ có hại cho quyền lực cá nhân của HCM, bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ phương tiện nào, để chỉ còn lại những ai chịu "đoàn kết" chấp nhận vâng phục CS. Chỉ khi nào thất thế, gặp nhiều trở lực, HCM và đảng CS mới sử dụng cách đoàn kết thứ hai.

ĐOÀN KẾT LÀ TẠM THỜI NHƯỢNG BỘ,

LIÊN MINH GIAI ĐOẠN ĐỂ VƯỢT KHÓ KHĂN:

Cũng trong năm 1945, sau khi lập chính phủ đầu tiên ngày 2-9, gồm đại đa số đảng viên CS, HCM gặp nhiều trở ngại. Người Pháp theo chân người Anh đến Đông Dương, và từ từ tiến ra Bắc. Người Trung Hoa (Quốc Dân Đảng) từ biên giới tiến xuống Hà Nội theo thỏa ước Potsdam.

26

Những đảng phái cách mạng Việt Nam như Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách) kéo quân về nước. Hồ Chí Minh đành phải nhượng bộ, tuyên bố giải tán đảng CSĐD ngày 11-11-1945, thực chất là đảng CS rút vào hoạt động bí mật. Hồ Chí Minh thay thế đảng CSĐD bằng hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác do cựu tổng bí thư đảng là Trường Chinh làm chủ tịch. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A: 1939-1946, Houston: Nxb. Văn Hóa, tt. 286-287.)

Hồ Chí Minh tổ chức tổng tuyển cử ngày 6-1, và thành lập chính phủ liên hiệp ngày 2-3-1946 gồm cả những lãnh tụ Việt Cách và Việt Quốc như Nguyễn Hải Thần, Trương Đình Tri, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Chu Bá Phượng, Nghiêm Kế Tổ ... Ngay sau khi ký kết được với Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3, tạm hòa hoãn với Pháp, và mua chuộc được các tướng lãnh Trung Hoa để họ rút quân về nước êm thắm vào tháng 6-1946, nghĩa là vừa thoát qua được khó khăn đối ngoại, HCM quay qua thẳng tay loại bỏ ngay các lãnh tụ không phải là Việt Minh ra khỏi chính phủ, khủng bố, giết hại nhân viên các đảng phái quốc gia, nuốt chửng những kẻ đã từng liên hiệp với Việt Minh.

Sách lược nầy được ứng dụng thêm một lần nữa với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thành lập ngày 20-12-1960. Lúc đầu, Mặt trận nầy gồm một số đảng viên đảng LĐ làm nòng cốt và một số người chống chế độ Ngô Đình Diệm. Sau đó,

những người không thuộc đảng LĐ bị loại dần cho đến khi Mặt trận chỉ còn lại những người của đảng LĐ mà thôi.

Những người trước đây bất đồng chính kiến, nhưng khi gặp HCM và đảng CS (hay đảng LĐ), chịu khuất phục và chịu đi theo HCM thì được sử dụng trong những giai đoạn và hoàn cảnh cần thiết. Ví dụ Trần Huy Liệu, chủ bút Đông Pháp Thời Báo (1925-1927), chi bộ trưởng chi bộ đặc biệt của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Sài Gòn, bị Pháp bắt đày Côn Đảo trong năm năm. Mãn hạn tù, ông ra Bắc năm 1935 và gia nhập đảng CSĐD năm 1936. Năm 1939, ông bị Pháp bắt trở lại, đày đi Sơn La, rồi an trí năm 1942 ở Thái Nguyên, và Yên Bái.

27

Năm 1945, Trần Huy Liệu trốn về Hà Nội làm báo Cứu Quốc của Việt Minh trong vòng bí mật. Khi Việt Minh cướp quyền ngày 2-9, ông được HCM giao làm bộ trưởng bộ Tuyên truyền trong chính phủ Việt Minh đầu tiên. Ông được cử làm trưởng phái đoàn Việt Minh gồm cả Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận, vào Huế chứng kiến việc thoái vị của vua Bảo Đại tại cửa Ngọ Môn ngày 30-8-1945.

Hồ Chí Minh giao cho Trần Huy Liệu làm bộ trưởng bộ Tuyên truyền không phải vì tín nhiệm Trần Huy Liệu mà vì HCM cần uy tín chính trị của ông, vốn là chi bộ trưởng chi bộ đặc biệt Quốc Dân Đảng tại Sài Gòn. Hồ Chí Minh giao cho ông ta làm trưởng phái đoàn trong việc chứng kiến lễ thoái vị của vua Bảo Đại, để trong trường hợp xảy ra những phản đối gì thì Trần Huy Liệu và Quốc Dân Đảng phải chịu trách nhiệm, trong khi Nguyễn Lương Bằng, bí danh Sao Đỏ, tuổi đảng cao hơn rất nhiều so với Trần Huy Liệu. Hồ Chí Minh sử dụng Trần Huy Liệu để tuyên truyền cho cái gọi là chính sách đoàn kết đảng phái của Việt Minh, nhắm lôi cuốn quần chúng theo họ, nhất là lôi cuốn các đảng viên Quốc Dân Đảng. Lúc bấy giờ do những hy sinh to lớn của Nguyễn Thái Học và các đồng chí, Quốc Dân Đảng rất có uy tín chính trị trên toàn quốc. Khi đã qua khỏi giai đoạn cần thiết, năm 1946, HCM cử Trần Huy Liệu làm uỷ viên thường trực Quốc Hội. Cuối cùng, năm 1953, Trần Huy Liệu trở thành trưởng ban Nghiên cứu Sử Địa của nhà cầm quyền cộng sản, một chức vụ không có quyền hành.

Không chỉ riêng trường hợp Trần Huy Liệu, mà còn nhiều nhân vật tiếng tăm khác cũng rơi vào trường hợp ông, như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh, Nguyễn Phương Thảo (tức tướng Nguyễn Bình), Nguyễn Hữu Thọ ...

Như thế, ý nghĩa thứ hai của việc đoàn kết với HCM có nghĩa là quy thuận HCM, theo đuôi đảng Cộng Sản và làm bù nhìn trong những thời điểm cần thiết cho HCM, hay nói cách khác là chỉ được HCM liên minh giai đoạn. Thử kiểm điểm danh sách những lãnh tụ cộng sản từ trước đến nay, chỉ những người gia nhập đảng CS ngay từ khi bước vào hoạt động chính trị, thuộc thành phần trung kiên mới nắm giữ thực quyền. Những người đã theo các đảng khác rồi sau đó gia nhập đảng CS, hoặc những người ngoài đảng mà có công lao, chỉ giữ những chức vụ tượng trưng mà thôi, như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình ...

28

* Đoàn kết là sự vâng phục tuyệt đối lãnh đạo đảng: Ngày 2-9-1969, HCM qua đời tại Hà Nội. Trong di chúc, HCM nhắn nhủ với các đảng viên đảng CS: "...Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình..."(BNCLSĐ, sđd. tr. 172) Vậy sự "đoàn kết nhất trí" trong nội bộ đảng là gì?

Trong sinh hoạt đảng CS (hay đảng LĐ), khi các cấp lãnh đạo đưa ra những vấn đề thảo luận, nếu một đảng viên trình bày những ý kiến cấp tiến mới mẻ, thì được lãnh đạo gọi là "thành phần xét lại". Ngược lại, có những đảng viên không muốn thực hiện các cuộc cải đổi quan trọng, thì được đánh giá là "bảo thủ, trì trệ". Nói một cách khác, bất cứ ai có ý kiến gì cũng đều bị chụp mũ là tả khuynh hoặc hữu khuynh, lệch lạc hoặc xét lại, trừ ý kiến của lãnh đạo đảng. Đảng viên chỉ còn một giải pháp duy nhất là gật đầu vâng lệnh thượng cấp.

Như vậy, đoàn kết “nhất trí” trong nội bộ đảng CS là sự tuyệt đối vâng phục và trung thành của đảng viên đối với lãnh đạo đảng. Nếu không vâng phục lãnh đạo đảng, kết quả nhẹ nhất là sự trù dập, kỷ luật, và nặng nhất là thanh trừng. Ở Việt Nam ngày nay có một câu thành ngữ về sự đoàn kết của CS: "Đảng gọi thì dạ, đảng không gọi thì không dạ. Đảng gọi mà không dạ không được, đảng không gọi mà dạ cũng không được." Nói trắng ra, ý nghĩa thứ ba của sự đoàn kết theo

quan điểm CS có nghĩa là phải chịu sự lãnh đạo độc tài, độc đảng, và tuyệt đối

vâng phục trung kiên với lãnh tụ đảng CS. Điều nầy đưa đến một kết quả tại hại là các đảng viên bị xơ cứng trí óc, sẽ không còn sáng kiến để làm việc.

Điểm đặc biệt là HCM và đảng CS chấp nhận một người trước đây đã từng chống đối họ, nhưng khi đã theo họ thì phải vâng phục tuyệt đối. Ngược lại, HCM và đảng CS không bao giờ chấp nhận những người trước đây đã từng gia nhập đảng, mà sau đó lại có ý muốn cải cách theo chiều hướng nhân bản, dân chủ, tự do, dù vẫn tuân phục đảng và chủ nghĩa xã hội. Những người nầy cũng bị coi là kẻ thù và chắc chắn bị loại bỏ. Đó là trường hợp Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Độ, Hà Sĩ Phu...

29

Có lẽ cũng nên thêm một điểm nữa rất dễ thấy trong lịch sử, là đảng CS (hay đảng LĐ) không bao giờ tôn trọng những hiệp ước quốc tế do họ ký kết.

Hiệp ước là giải pháp thỏa thuận giữa các bên về một cuộc tranh chấp, cũng có nghĩa là một sự giải hòa giữa các bên, bước đầu để tiến dần dần đến sự đoàn kết thống nhất. Đối với đảng CS, ký kết hiệp ước chỉ là đánh lừa dư luận, tạm ngưng tranh chấp, nhắm dưỡng sức và củng cố nội bộ, để rồi tiếp tục bành trướng.

Ví dụ rõ nét nhất là hiệp định Genève ngày 20-7-1954 và hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Đảng CS (hay đảng LĐ) ký kết hai hiệp ước nầy với sự chứng kiến của các nước trên thế giới, mà họ còn trắng trợn vi phạm, xé bỏ hiệp ước, huống gì là sự cam kết giữa họ với những cá nhân hay những đoàn thể người Việt khác. Do đó, hòa giải, liên hiệp và đoàn kết với cộng sản trước sau cũng sẽ bị cộng sản kiếm cách khống chế và hoàn toàn mất tự do. Những ai muốn hòa hợp, liên hiệp, đoàn kết với cộng sản, nên nhớ câu nói bất hủ của HCM với Daniel Guérin trong một lần gặp mặt ở Paris: "... Tất cả những ai không theo đường lối của tôi đều sẽ bị bẻ gãy..."(Jean Lacouture, Ho Chi Minh, Peter Wiles dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Anh, Harmondsworth: Nxb. Penguin Books, 1969, p. 130.)

ĐOÀN KẾT LÀ VẮT CHANH BỎ VỎ:

Lúc Việt Minh cộng sản phát động chiến tranh chống Pháp, nhiều người yêu

nước đứng lên hưởng ứng công cuộc kháng chiến. Chẳng những nhiều thanh niên lên đường theo tiếng gọi của quê hương, mà những người ở lại hậu phương cũng cố gắng đem tài vật ủng hộ công cuộc đấu tranh chống Pháp. Việt Minh đã xưng tụng những người nầy là những nhàø "hằng tâm hằng sản"(có lòng và có của). Một khi tạm đứng vững, và nhất là khi được Trung Cộng viện trợ ào ạt từ năm 1951 trở đi, CS mở Cuộc cải cách ruộng đất kéo dài trong nhiều năm, và quay mặt với những kẻ đã nuôi dưỡng mình từ khi còn trứng nước, coi họ như kẻ thù, tố cáo những nông dân "hằng tâm hằng sản" là địa chủ, đấu tố, đánh đập, hành hạ và giết họ mà không cho chôn xác.

30

Bà Nguyễn Thị Năm (tức bà Cát Hanh Long) ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có nhà làm căn cứ giao liên, đã nuôi nhiều cán bộ cao cấp qua lại cơ sở nầy, từ HCM, đến Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Quốc Việt; thế mà bà là một trong những người đầu tiên bị đấu tố trong cải cách ruộng đất. Đặc biệt bà Năm đã kêu cứu đến tận tai HCM mà ông ta lờ đi, để cho người ta giết bà.(VTH, sđd. tr. 222). Như vậy, với CS, đoàn kết có nghĩa là lợi dụng một chiều theo giai đoạn, xong việc rồi "vắt chanh bỏ vỏ".

Việc "vắt chanh bỏ vỏ" được thấy rõ nhất trong việc HCM đối xử với bà Nông Thị Xuân. Hồ Chí Minh sống với bà Xuân như vợ chồng, và có với bà nầy một đứa con trai. Khi đã chán bà Xuân, HCM để cho viên bộ trưởng công an là Trần Quốc Hoàn tự do hiếp dâm bà Xuân, rồi giết vứt xác bà Xuân ngoài đường để ngụy tạo một tai nạn (VTH, sđd. tr. 607).

Đối xử với người đã từng sống với mình và có với mình một đứa con, mà còn tàn bạo như vậy, thử hỏi HCM còn có thể nói chuyện tình nghĩa đoàn kết với ai được? Từ vụ cải cách ruộng đất năm 1953 đến vụ án "chống đảng" do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ khởi xướng ở Bắc Việt khoảng giữa thập niên 1960, vì muốn bảo vệ địa vị của riêng mình, HCM đã im tiếng không can thiệp, để mặc cho các đồng chí thân thiết của ông ta bị thanh trừng, tù đày, hay tàn sát.Một trong những nạn nhân nổi tiếng trong vụ nầy là ông Vũ Đình Huỳnh, người cộng tác thân tín của HCM, phụ thân của tác giả Vũ Thư Hiên, đã được ông Hiên trình bày câu chuyện bạc đãi xuyên suốt trong tác phẩm Đêm giữa ban ngày.

Chẳng những HCM, mà Võ Nguyên Giáp cũng thế. Những tướng lãnh và sĩ quan thân cận của viên tướng nầy lần lượt bị thanh trừng trong thập niên 60 trong vụ

án thường được gọi là "xét lại, chống đảng", mà ông ta không dám lên tiếng để bảo vệ sự thật.

Như vậy, chẳng những trên phương diện chính trị đảng phái, mà cả trên phương diện cá nhân, đoàn kết với những người CS chỉ có nghĩa là để cho họ lợi dụng xong rồi bị loại bỏ, không một mảy may tình cảm thương tiếc.

31

 

Chương 5

HUYỀN THOẠI GIẢI PHÓNG DÂN TỘC

 

Trong Tự phán hay Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu cho biết rằng năm 1920 (canh thân), ông gặp hai người Liên Xô tại Bắc Kinh là Grigorij Voitinski và một viên tham tán tòa đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh. Khi Phan Bội Châu ngỏ ý muốn nhờ Liên Xô giúp đỡ đưa du học sinh Việt Nam sang Liên Xô du học, viên tham tán nầy chỉ vẽ cặn kẽ, và hứa rằng Liên Xô sẽ giúp đỡ tận tình với điều kiện là phải chấp nhận "...tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản, học thành rồi về nước tất phải gánh lấy những việc tuyên truyền chủ nghĩa Lao Nông ... ra sức làm những sự nghiệp cách mạng." Viên tham tán nầy yêu cầu Phan Bội Châu dùng tiếng Anh viết sách kể hết chân tướng người Pháp.

Có thể những đòi hỏi của người Liên Xô về "tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản" làm Phan Bội Châu e ngại, nên ông tránh mặt người Liên Xô. Phan Bội Châu nói rằng ông không viết được tiếng Anh, nên ông "không lấy gì trả lại thịnh ý ấy". (Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập [gồm 10 tập], tập 6, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 272.)

Đây là một lối nói xã giao, vì cụ Phan có thể vượt qua vấn đề ngôn ngữ bằng cách nhờ những người khác giúp làm thông ngôn, bằng chứng là Phan Bội Châu không biết tiếng Nhật, nhưng ông đã nhờ Lương Khải Siêu (Liang Ch'i-ch'ao) giới thiệu tiếp xúc với hai chính trị gia Nhật Bản là bá tước Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) và tử tước Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Ki). Ngoài ra, giả dụ trong trường hợp Phan Bội Châu thật lòng muốn tiếp xúc, chắc chắn toà đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh có những thông ngôn Hoa ngữ, có thể viết bút đàm với Phan Bội Châu.

Ở đây cần chú ý một điểm là tại Nga, cuộc cách mạng CS diễn ra vào ngày 7-11-1917. Đảng CSLX phải tốn một thời gian từ 1917 đến 1922 để tiêu diệt nhóm Bạch Nga bảo hoàng còn lại ở trong nước, ổn định tình hình nội bộ, nắm quyền thật vững chắc, mới bắt đầu bành trướng thế lực ra nước ngoài vào đầu thập niên 20, với ý đồ thành lập một đế quốc đỏ kiểu mới dưới sự thống trị của cộng sản.

32

Như thế, Liên Xô phải đối đầu với các cường quốc Âu Mỹ đã chiếm được các thuộc địa từ thế kỷ 19.

Để thực hiện việc nầy, Liên Xô đưa ra chiêu bài giải phóng dân tộc, xúi giục các nước bị đô hộ (thuộc địa) nổi lên chống các cường quốc thực dân Âu Mỹ giành độc lập, rồi gia nhập vào khối Liên Xô. Trong bản “Cương lĩnh về vấn để Dân tộc và Thuộc địa” (Thesis on the National and Colonial Questions), Đại hội kỳ 2 của Đệ tam Quốc tế họp tại Petrograd từ 19-7-1920 đến 23-7, và sau đó tiếp tục họp tại Moscow từ 24 đến 7-8-1920, quy định rằng: “Các chính đảng muốn gia nhập Cộng sản Quốc tế, phải từ bỏ tất cả những gì mà chủ nghĩa đế quốc của chính nước họ thực thi tại nước thuộc địa. Không những dùng ngôn ngữ để ủng hộ mà họ phải có hành động thực tế để thúc đẩy cho cuộc vận động giải phóng tại nước thuộc địa. Phải đánh đuổi các phần tử chủ nghĩa đế quốc của chính nước mình ra khỏi nước thuộc địa.”(Tưởng Vĩnh Kính, sđd. tr. 42.)

Chính vì vậy mà Nguyễn Ái Quốc được CS quốc tế sắp đặt cho qua Liên Xô vào cuối năm 1923 để được huấn luyện thành một "chiến sĩ tiên phong" trong việc

truyền bá chủ nghĩa CS ở Á Châu, đánh phá các nước thực dân, địch thủ của Liên Xô, và cũng chính từ đó mà Nguyễn Ái Quốc viết ra quyển Bản án chế độ thực dân Pháp năm 1925.

Nếu viên đại diện Liên Xô tại Bắc Kinh yêu cầu Phan Bội Châu phải chấp nhận "...tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản, học thành rồi về nước tất phải gánh lấy những việc tuyên truyền chủ nghĩa Lao Nông..." thì chắc chắn Nguyễn Ái Quốc và những người Việt khác theo Đệ tam Quốc tế CS đều phải làm thế.

Điều đó có nghĩa là ngay khi đến Liên Xô cuối năm 1923, đầu năm 1924, HCM, lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, phải tuyên thệ thực hiện những điều nầy, mới được Liên Xô thu nhận. Điều đó còn có nghĩa là ngay từ đầu, HCM chịu làm tay sai cho Liên Xô, và chấp nhận thực hiện nhiệm vụ quốc tế cho Liên Xô, nghĩa là kiếm cách đánh phá những địch thủ của Liên Xôââ, và bành trướng thế lực CS.

33

Hồ Chí Minh và những người cộng sản che giấu rất kỹ điều nay khi vận động chống Pháp. Phải chăng do tâm lý ẩn ức vì cả cha lẫn con đều bị thất bại trên đường quan lại của Pháp, không xin được vào học trường Thuộc Địa Paris để ra làm quan cho Pháp, mà HCM cam tâm làm như thế, để đạt cho được tham vọng quyền lực mà ông hằng khao khát?

Sau khi làm việc trong phái bộ Borodin tại Trung Hoa, Nguyễn Ái Quốc không được Đệ tam quốc tế tín nhiệm vì nghi ngờ ông hoạt động nhị trùng trong thời gian ở tù tại Hương Cảng năm 1931. Nguyễn Ái Quốc bị giữ lại ở Liên Xô một thời gian, từ 1933 đến 1938. Trước khi thế chiến thứ hai bùng nổ (1939), Nhật Bản hoành hành mạnh tại Viễn đông, tranh giành quyền lợi của Liên Xô ở Mãn Châu và Triều Tiên, nhất là từ khi giới quân phiệt kiểm soát được chính quyền ở Nhật Bản, và thi hành chính sách bành trướng đế quốc. Đệ tam Quốc tế cộng sản liền sai Nguyễn Ái Quốc trở qua Trung Hoa vào đầu năm 1939 nhắm thực hiện những điệp vụ chống Nhật ở Á Châu. Để thấy rõ bản chất tay sai CS quốc tế của HCM và đảng CS, xin đọc đoạn sau đây của bộ sử do chính các tác giả CS Hà Nội viết:

"Sau một thời gian nắm tình hình cách mạng Việt Nam và Đông Dương, ngày 10-5-1941, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Hồ Chủ tịch triệu tập và chủ trì Hội nghị

Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương lần thứ 8 ở Pắc Bó. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, cùng một số đại biểu của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài đã tham gia Hội nghị.

"Hội nghị phân tích sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, vạch rõ triển vọng của cuộc chiến tranh thế giới và khẳng định: Nếu sau Chiến tranh thế giới lần thứ I, xuất hiện nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên là Liên Xô, thì cuộc chiến tranh đế quốc lần nầy sẽ làm cho cách mạng nhiều nước thành công, sẽ có thêm nhiều nước xã hội chủ nghĩa ra đời. Đảng nhấn mạnh phải xem cách mạng Việt Nam như một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, lúc nầy là một bộ phận của phong trào dân chủ chống phát xít, đặc biệt là phải tích cực ủng hộ Liên Xô và cách mạng Trung Quốc." (Nguyễn Khánh Toàn, sđd. tt. 320-321.)

34

Ủng hộ Liên Xô và Trung Quốc có nghĩa là đảng CSĐD do HCM lãnh đạo, thực hiện những nghĩa vụ quốc tế mà HCM đã cam kết, khi từ Pháp sang Liên Xô cuối năm 1923 và còn mang tên Nguyễn Ái Quốc, lúc tình nguyện gia nhập Đệ tam Quốc tế, để tranh đoạt thuộc địa với các nước tư bản Tây phương và xây dựng đế quốc thực dân kiểu mới, tức đế quốc CS.

Cũng trong thời gian mới về Pắc Bó, HCM đã dùng tên người nước ngoài để đặt tên cho sông núi Việt Nam. Tên người nước ngoài nầy chính là tên của những bậc thầy cộng sản của ông ta: "Đây suối Lê-nin, kia núi Mác" (BNCLSĐ, sđd. tr. 73). Trong lịch sử Việt Nam, chưa ai lấy tên người nước ngoài để đặt tên sông núi Việt Nam.

Trong sách Viết cho Mẹ & Quốc hội, Nguyễn Văn Trấn, một đảng viên cộng sản cao cấp, tiết lộ rằng tên đảng Lao Động do chính Stalin đặt,( Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ & Quốc hội, California: Nxb. Văn Nghệ [tái bản], 1995, tr. 150.) và cũng chính Stalin đã thúc đẩy HCM thực hiện cải cách ruộng đất ngay từ cuộc gặp gỡ năm 1950. (Thành Tín, Mặt thật, tr. 67.)

Sau đó Mao Trạch Đông huấn luyện cán bộ, và gởi chuyên viên sang tổ chức, theo dõi, thi hành Cuộc cải cách ruộng đất. (Nguyễn Văn Trấn, sđd. tt. 164-169. Nguyễn Văn Trấn được cử đi học khóa huấn luyện nầy ở Trung Cộng.)

Vì đã mật kết đi theo con đường CS Liên Xô, HCM dùng chiêu bài giải phóng đất nước và độc lập dân tộc để dẫn cuộc chiến tranh chống Pháp thành cuộc

chiến tranh giữa hai thế lực tư bản và cộng sản, lồng trong khung cảnh nội chiến giữa hai khuynh hướng quốc gia và cộng sản. Trong cuộc xâm lăng miền Nam từ năm 1960, Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng LĐ (đến năm 1976 là tổng bí thư đảng CSVN), đã từng nói: "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc..."(VTH, sđd. tr. 422)

Như vậy, trước sau như một, HCM và đảng CS (hay đảng LĐ) luôn luôn kiên định vai trò "lính đánh thuê" cho Liên Xô và Trung Quốc bằng xương máu của

35

dân tộc Việt Nam. Họ là "Những con người tiêu máu của dân/ Như tiêu giấy bạc giả!...” (thơ Phùng Quán).

Chính HCM và đảng CS đã dồn các thành phần quốc gia về phía phải kiếm cách liên kết với Pháp, và sau nầy với Hoa Kỳ, để chận đứng nạn CS trên đất nước chúng ta, và để khỏi bị CSVN tiêu diệt.

Với sự hỗ trợ tích cực của Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH), cuộc bành trướng của CS tại Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn: 1) Thiết lập các căn cứ tại Việt bắc từ đầu thập niên 40 và cướp chính

quyền năm 1945. 2) Dùng chiêu bài giải phóng và độc lập để kêu gọi dân chúng chống Pháp, và chiếm lĩnh một nửa đất nước, từ vĩ tuyến 17 trở ra bằng hiệp định Genève năm 1954. 3) HCM và đảng CS tiếp tục mở cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam từ năm 1960 cho đến năm 1975.

Khi chưa chiếm được miền Bắc, HCM và đảng CS đã tổ chức cuộc cải cách ruộng đất. Sau khi chiếm miền Bắc, cuộc cải cách nầy được tiếp tục năm 1954 cho đến năm 1956, gây kinh hoàng cho nhân dân miền Bắc, giết chết hàng trăm ngàn người, và nhất làm làm tê liệt mọi sức đối kháng của người dân. Cách thức đấu tố rùng rợn trong cuộc cải cách ruộng đất đã làm hỏng hết các giềng mối luân lý đạo đức gia đình, cấu trúc xã hội; con cái tố cha mẹ, vợ chồng, anh em tố nhau, bà con không dám nhìn mặt nhau. Một sĩ quan cấp tiểu đoàn trưởng quân đội CS Hà Nội tuyên bố: "Ông ấy [chỉ HCM] biến những con người lương thiện thành những con quỷ. Ông ấy là quỷ vương."(VTH, sđd. tr. 249)

Về phương diện văn hóa, HCM và đảng CS dẹp bỏ hết các tôn giáo, tịch thu heat sách vở cũ, chỉ cho nhà trường dạy về chủ nghĩa cộng sản, lịch sử cộng sản, những nhà văn nhà thơ cộng sản. Đề thi văn chương ở đại học và trung học chỉ quanh quẩn những bài thơ của HCM và Tố Hữu.

Từ năm 1956 đến năm 1958, các văn nghệ sĩ không ca tụng chế độ CS bị đem ra đấu tố và tù đày trong vụ án gọi là Nhân Văn Giai Phẩm. Sau đó, các văn nghệ

36

sĩ muốn sống còn phải im hơi lặng tiếng, viết theo chỉ thị của đảng. Cuộc đánh

phá các văn nghệ sĩ nầy còn nhắm mục đích lâu dài là chận trước các tiếng nói đối lập để họ khỏi cản trở công cuộc xâm lăng miền Nam.

Văn nghệ sĩ vốn là những người nhạy cảm trước nỗi đau khổ của đồng bào, nếu để họ tự do ngôn luận, thì khó có thể thi hành kế hoạch xâm lăng mà không bị họ phát hiện hoặc phản đối.

Về phương diện kinh tế, HCM và đảng CS gọi là giải phóng, nhưng đã loại bỏ nền kinh tế tự do, để trói buộc dân Việt vào chính sách kinh tế chỉ huy theo kiểu

Liên Xô và CHNDTH, tịch thu hết đất đai, dồn nông dân vào các hợp tác xã nhà nước, quốc hữu hóa các công ty xí nghiệp của tư nhân.

Vì người dân không được quyền sáng kiến làm ăn sinh sống, không được tự do kinh doanh, nên nền kinh tế Bắc Việt hoàn toàn suy sụp và kiệt quệ dưới chế độ CS của HCM. Hồ Chí Minh phải nhờ đến viện trợ của Liên Xô và CHNDTH. Người ta kể rằng một cây kim may cũng phải nhờ CHNDTH viện trợ. Càng nhờ vả thì càng bị ràng buộc, và phải trả nợ bằng nguyên vật liệu như than đá, quặng sắt... mà cho đến nay vẫn còn chưa trả hết.

Hồ Chí Minh và đảng LĐ tiếp tục áp dụng chiêu bài giải phóng dân tộc với miền Nam sau năm 1954. Năm 1972, người Hoa Kỳ bắt tay được với CHNDTH, thay đổi chiến lược chính trị ở Á Châu, tìm cách rút quân ra khỏi Việt Nam. Hiệp định Paris năm 1973 đã đưa Việt Nam Cộng Hòa vào tư thế lúng túng. Cộng sản Bắc Việt, với sự hậu thuẫn hùng hậu của Liên Xô và CHNDTH, tiến chiếm miền Nam năm 1975.

Những chính sách áp dụng ở miền Bắc năm 1954 lại được đem ra áp dụng ở miền Nam. Về tôn giáo, văn hóa, chính trị, CS buộc miền Nam đi vào quỹ đạo CS. Về kinh tế, lần nầy CS trúng vố bở vì từ năm 1954 đến năm 1975, miền Nam càng ngày càng phồn thịnh, dân chúng giàu có.

37

Cộng Sản lấy được 16 tấn vàng của kho bạc miền Nam, tịch biên tất cả những nhà tư sản mà Hà Nội gọi là "tư sản mại bản" (comprador), đổi tiền nhiều lần để kiểm soát tình hình lưu thông tiền tệ, quốc doanh tất cả công ty xí nghiệp... Miền Nam là vựa thóc của đất nước, nhưng dưới chính sách kinh tế chỉ huy của CS, dân chúng miền Nam đói rách nghèo khổ cùng cực hơn bao giờ cả. (Nguyên gốc chữ “Comprador” của Bồ Đào Nha để chỉ những người Trung Hoa cộng tác buôn bán với người Tây phương vào cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. (The New Encyclopaedia Britannica, Vol. 3, Chicago, 1997, tr. 505.) Ở Việt Nam, sau 1975, từ ngữ “tư sản mại bản” được CS dùng để chỉ những nhà đại tư bản giàu có dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bị ghép vào tội đã hợp tác buôn bán làm ăn với “Mỹ Ngụy”.)

Trong bản tuyên bố ngày 2-9-1945 mà CS gọi là bản tuyên ngôn độc lập, HCM viết: "Chúng [chỉ thực dân Pháp] lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân...Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta

nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất,

hầm mỏ nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ngóc đầu lên. Chúng

bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn..."(Những mẩu chuyện...tr.113)

Tuy tố cáo người Pháp như thế, nhưng khi cầm quyền, HCM và chế độ cộng sản đã thi hành chính sách còn ác độc hơn thực dân Pháp. Tất cả những người Việt Nam từ năm 1945 trở đi đều chứng kiến tận mắt việc CS thẳng tay giết hại những nhà yêu nước, tù đày hàng triệu người lên những vùng rừng thiêng nước độc, lập những trại tù (dưới mỹ danh là trại học tập cải tạo) nhiều hơn trường học, tắm các cuộc khởi nghĩa trong biển máu, cướp không ruộng đất, quốc hữu hóa các xí nghiệp, đánh sập giới tư sản, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân nghèo nước yếu.

38

Do những thay đổi ở CHNDTH khi Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền năm 1978 sau khi Mao Trạch Đông chết (1976), do chủ trương Glasnost (Cởi mở) và Perestroika (Tái cấu trúc) của Gorbachev khi ông lên làm tổng bí thư đảng CSLX năm 1985, do những biến động ở Đông Âu năm 1989, sự sụp đổ của đảng CSLX năm 1991, và nhất là do cuộc cách mạng thông tin liên lạc bằng hệ thống vi tính và liên mạng viễn thông quốc tế, đảng CSVN không còn bưng bít và gò ép được dân chúng nữa, nên bắt buộc đảng CS phải thay đổi về kinh tế, nhưng vẫn độc tôn về chính trị.

Sau chiến tranh, cầm quyền Hà Nội tha thiết mong mỏi Hoa Kỳ trở lại Việt Nam vào giữa thập niên 90, và trải thảm đỏ đón mừng tổng thống Hoa Kỳ, vào gần cuối năm 2000. Khẩu hiệu "Chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc" trước đây trong thời chiến tranh, nay trở thành khôi hài với dân chúng và mỉa mai đối với

những người đã chết trong cuộc chiến vì khẩu hiệu nầy.

Theo nghĩa tầm nguyên, giải phóng là cởi mở ra cho tự do, nghĩa là đưa một cái gì từ tình trạng bị giam hãm kềm kẹp đến tình trạng được thoát ly và tự do, tức từ chỗ xấu đến tốt hơn. Đàng nầy, với đảng CSVN, giải phóng dân tộc, giải phóng

đất nước có nghĩa là biến Việt Nam thành chư hầu của Liên Xô, CHNDTH, nô lệ hóa dân chúng Việt Nam theo tín điều cộng sản, đặt nhân dân Việt Nam dưới chế độ độc tài, độc đảng, bóc lột, phá hoại, đầy ải và bần cùng hóa nhân dân một cách có hệ thống, có bài bản của HCM và đảng CS.

Trong lịch sử Việt Nam, khác với những cuộc chiến tranh giải phóng trước đây, HCM và đảng CS là trường hợp đầu tiên và duy nhất đã lợi dụng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự do của nhân dân, đưa ra chiêu bài giải phóng đất nước, kêu gọi dân chúng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, "đế quốc" Mỹ, để áp đặt một chế độ độc tài bóc lột khắc nghiệt hơn cả ngoại bang thực dân. Người nước ngoài chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ và nước họ khi liên hệ với Việt Nam, và chẳng bao giờ yêu thương dân Việt Nam. Đó là điều hiển nhiên phải chấp nhận.

39

Đàng nầy, HCM, một người Việt Nam tự nhận là yêu nước, là cách mạng, mà lại lợi dụng khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam để tước đoạt tự do của người Việt Nam, sử dụng xương máu của giống nòi để phục vụ quyền lợi đảng phái riêng tư và quyền lợi của Quốc tế CS, là một tội lỗi lịch sử ngàn năm bia miệng.

Có một ý kiến đưa ra là liệu Nguyễn Ái Quốc, vì nhu cầu giải phóng dân tộc, có biết rằng khi áp dụng chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, thì sau nầy dân chúng Việt Nam sẽ trở nên nghèo đói hay không? Câu trả lời nằm ngay trong thời gian Nguyễn Ái Quốc sinh sống tại Liên Xô. Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô vào khoảng cuối năm 1923. Lúc đó nền kinh tế Liên Xô đã suy sụp, dân tình đói khổ. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc qua Trung Hoa. Khoảng cuối năm 1933 hoặc đầu năm 1934, Nguyễn Ái Quốc trở lui Liên Xô và sống tại đây cho đến tháng 10-1938, lại trở qua Trung Hoa lần nữa. Hai lần sống ở Liên Xô trong thời gian tổng cộng khoảng 5 năm, đủ cho Nguyễn Ái Quốc thấy rõ chính sách độc tài

với nền kinh tế chỉ huy triệt để bằng những kế hoạch ngũ niên của đảng CSLX, đã làm cho dân Nga đói kém cùng cực. Tại Liên Xô, nạn đói lần thứ nhất xảy ra vào các năn 1921-1922 giết mất 5 triệu người, nạn đói lần thứ nhì xảy ra vào các năm 1932-1933 làm cho 6 triệu người chết.(Stéphane Courtois và nhiều tác giả, Le livre noir du communisme: Crimes, terreur, répression [Sách đen về chủ nghĩa cộng sản: Tội ác, khủng bố, đàn áp], Paris: Nxb. Robert Laffont, 1997, Jonathan Murphy và Mark Kramer dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Anh, The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression [Sách đen về Chủ nghĩa Cộng sản: Tội ác, Khủng bố, Đàn áp], Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1999, tt. 123, 159.)

Chắc chắn Nguyễn Ái Quốc biết rõ điều nầy vì ông có mặt tại Liên Xô trong khoảng thời gian trên. Biết vậy, nhưngï Nguyễn Ái Quốc (HCM) vẫn cố tình làm tay sai cho Liên Xô, nhập cảng vào Việt Nam loại lý thuyết chỉ làm hại cho dân tộc, nhắm thỏa mãn tham vọng quyền lực cá nhân của ông ta mà thôi. Ngoài ra, sau năm 1954, HCM vẫn còn minh mẫn, đã thi hành Cải cách ruộng đất giết hại hàng trăm ngàn người, gây đau thương tang tóc trên toàn thể Bắc Việt, mà HCM vẫn tiếp tục con đường cộng sản của ông ta.

40

Lại có một câu hỏi nữa là vào năm 1945, khi HCM gởi thư yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ, nếu Hoa Kỳ chấp nhận, liệu HCM có theo CS không? Trước hết, cần phải chú ý là khi vừa mới qua Pháp năm 1911, thanh niên Nguyễn Tất Thành liền xin vào học trường Thuộc Địa Paris, nhưng bị từ chối.

Nếu người Pháp chấp thuận, thì chắc chắn HCM trở thành một viên quan thuộc địa Pháp. Điều đó có nghĩa là khi mới xuất ngoại, Nguyễn Tất Thành không phải "ra đi tìm đường cứu nước", mà ra đi để giải quyết sinh kế, tìm kiếm quyền lực và sẵn sàng thỏa hiệp với Pháp. Lúc đó, thanh niên Nguyễn Tất Thành thật tâm muốn cộng tác với Pháp.

Khi qua Liên Xô cuối năm 1923, đầu năm 1924, Nguyễn Tất Thành nay là Nguyễn Ái Quốc chắc chắn phải tuyên thệ trung thành với Liên Xô và nhập cảng chủ thuyết Mác xít vào Việt Nam mới được Liên Xô chấp thuận và huấn luyện thành cán bộ của Đệ tam Quốc tế. Hồ Chí Minh và đảng CS không hề nói đến việc nầy, nhưng trong hồi ký của Phan Bội Châu, ông cho biết vào năm 1920, vì đòi hỏi trên của Liên Xô mà Phan Bội Châu đã tránh mặt không nhờ Liên Xô giúp đỡ, nên mọi người mới biết được việc nầy.

Từ năm 1924 trở đi, Nguyễn Ái Quốc hoạt động hoàn toàn theo sự điều động của Đệ tam Quốc tế. Nguyễn Ái Quốc tức HCM và thuộc hạ đặt tham vọng quyền lực lên trên sinh mạng của dân chúng, đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi đất nước, nên họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì, dù tàn bạo đến đâu, tráo trở đến đâu, hợp tác với bất cứ ai, miễn sao làm lợi cho đảng CS, bành trướng quyền

lực, mà bất chấp luân thường, đạo lý, hay tình yêu nước. Tuy là một đảng name trong hệ thống Quốc tế cộng sản, nhưng tùy hoàn cảnh, họ sẵn sàng cộng tác với Quốc Dân Đảng Trung Hoa (1944), với tình báo Hoa Kỳ để được giúp đỡ võ khí, thuốc men, tiền bạc (1945).

Đã từng sống tại Âu Mỹ, HCM dư biết rằng tại các nước tự do dân chủ, nhà cầm quyền không thể tùy tiện muốn làm gì thì làm, mà phải hành động theo pháp luật, bị pháp luật chế tài, và rất dễ bị thay thế theo quyết định của dân chúng trong các cuộc đầu phiếu.

41

Kinh nghiệm trước mắt cho thấy: dầu W. Churchill dẫn dắt nước Anh đi đến chiến thắng trong thế chiến thứ hai, ông vẫn bị thay thế sau khi đảng Bảo Thủ thua trong kỳ bầu cử vào ngày 25-7-1945, khi chiến tranh mới chấm dứt ở phía Tây. Trong khi đó, đã từng được đào tạo tại Liên Xô, HCM cũng biết rằng các lãnh tụ tối cao một nước CS như Lenin hay Stalin, quyền uy độc tài, độc đoán vô biên, vô thượng, không thua gì vua chúa ngày xưa trong chế độ quân chủ chuyên chế.

So sánh quyền lực giữa những nhà lãnh đạo trong hai thể chế tự do và cộng sản, chắc chắn HCM không dại gì theo chế độ tự do (để tự trói tay) mà bỏ chế độ cộng sản (nắm toàn quyền độc tài), vì lúc đó, vào năm 1945, ông đang trên đường giành lấy quyền lực tối cao. Ngoài ra, các đảng viên cộng sản khác như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan... đang chờ đợi chia phần vừa quyền vừa lợi sau bao nhiêu năm hoạt động gian khổ; và nhất là Đệ tam Quốc tế luôn luôn theo dõi nhân viên của họ trên khắp thế giới. Chắc chắn những người nầy không chịu "tha" cho HCM nếu HCM từ bỏ đảng tịch cộng sản một cách dễ dàng.

Như thế giả thiết như Hoa Kỳ tiếp tục cộng tác và viện trợ cho HCM năm 1945, thì HCM vẫn chỉ liên kết giai đoạn, để tranh giành quyền lực, rồi trở lại căn nguyên của ông, một lãnh tụ CS đã được huấn luyện tại Liên Xô, với đầy đủ những tính chất của các bậc thầy của ông là Lenin và Stalin.

Vấn đề nầy làm nẩy sinh thêm một khía cạnh mới: đó là HCM đã biết trước rằng chủ nghĩa CS chỉ có thể giúp ông ta tranh đoạt chính quyền và thiết lập chính quyền độc tài độc đảng, nhưng ngược lại chính quyền nầy chắc chắn sẽ dẫn dân

tộc đi đến chỗ cùng khốn, vì ông ta đã từng chứng kiến tại Liên Xô. Thế mà HCM vẫn cương quyết lao theo chủ nghĩa nầy vì tham vọng cá nhân. Vậy ngay từ đầu HCM đã đặt tham vọng cá nhân lên trên quyền lợi dân tộc, đi ngược lại quyền lợi đất nước một cách có ý thức, có suy nghĩ tính toán, chứ không phải là những diễn biến chính trị đã xảy ra dồn dập ngoài tầm tiên liệu của ông, hoặc ngoài ý muốn và khả năng kiểm soát của ông.

42

Cuối cùng, do ý đồ lợi dụng khát vọng độc lập của dân tộc để giành lấy quyền lực và thiết lập chế độ CS, HCM cho thấy rằng ông ta không phải là người mở cuộc chiến tranh để giải phóng dân tộc, mà là người khai thác chiến tranh làm phương tiện thực hiện ý đồ chính trị của ông ta, và đặc biệt ông ta không ngần ngại tiêu phí xương máu của đồng bào trong chiến tranh.

Năm 1945, dù Nhật Bản có những tính toán riêng trong cuộc đảo chánh ngày 9-3, nhưng ít ra trên danh nghĩa, Nhật Bản đã chấm dứt chế độ thuộc địa của Pháp, trao trả độc lập lại cho Việt Nam. Vua Bảo Đại ra Tuyên ngôn độc lập ngày 11-3-1945 hủy bỏ tất cả những hiệp ước bất bình đẳng Việt Nam đã ký kết với Pháp trước đây. Không đầy sáu tháng sau, HCM và Mặt trận Việt Minh cướp chính quyền vào tháng 8-1945, mời cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn để tạo ra bộ mặt hợp pháp chính thống liên tục từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ.

Như vậy, lúc đó trên danh nghĩa, nước ta đã là một nước độc lập, không lệ thuộc Pháp, thì tại sao HCM lại ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, theo đó Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia dự do (état libre) tự trị trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp (điều 1); Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa giải giáp quân đội Nhật (điều 2). (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nxb. Xuân Thu, 1990, đăng nguyên văn hiệp định Sơ bộ bằng tiếng Pháp, tr. 597 và bản tiếng Việt tr. 573).

Lúc đó, HCM và Việt Minh đã bị nhiều người phản đối về việc nầy. Câu hỏi đặt ra là tại sao nước ta đã độc lập mà lại ký hiệp định chính thức mời kẻ cựu thù thực dân Pháp đem quân trở vào tái lập tổ chức cai trị? Câu trả lời là HCM muốn hòa hoãn với Pháp để rảnh tay tiêu diệt các đảng phái theo khuynh hướng quốc gia dân tộc đối lập với Việt Minh cộng sản như Việt Nam Quốc Dân Đảng hay Đại Việt, đồng thời HCM dùng sự hiện diện của lực lượng Pháp làm đòn bẩy hô hào dân chúng đoàn kết với Việt Minh để đối đầu với Pháp, nhưng thực chất để củng cố thế lực của Việt Minh.

Sau khi ký hiệp định hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Pháp, HCM lại chủ động mở cuộc tấn công Pháp ngày 19-12-1946, đưa đến chiến tranh Việt Pháp năm 1946-1954. Vào năm 1954, đất nước bị chia hai bằng hiệp định Genève.

43

Năm 1956 Liên Xô đề nghị hai nước Việt Nam cùng gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Hồ Chí Minh và đảng CS, lúc đó lấy tên là đảng Lao Động, quyết liệt bác bỏ,(William J. Duiker, New York: Ho Chi Minh, Hyperion, 2000, p. 500.) rồi sau đó mở ngay cuộc chiến xâm lăng miền Nam.

Khi bắt đầu chủ trương dùng võ lực đánh chiếm miền Nam vào cuối thập niên 50, HCM còn khỏe mạnh, minh mẫn và làm chủ tịch đảng LĐ, nên không thể tránh trách nhiệm đã gây ra cuộc chiến vừa qua. Do đó, có thể nói HCM không phải là người giải phóng dân tộc, mà là kẻ thường trực chủ trương chiến tranh từ năm 1945, giết hại cả hàng chục triệu dân Việt Nam.

 

Bìa đựng hồ sơ Nguyễn Tất Thành

xin ghi danh học trường Thuộc Địa Paris (1911).

(Nguồn: Cao Thế Dung, Chân tướng Hồ Chí Minh,

California: Hưng Việt, 1989, tr. 43.)

44

 

Chương 6

HUYỀN THOẠI “TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH”

 

VÌ ĐÂU XUẤT HIỆN “TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH” ? Nhóm từ “tư tưởng Hồ Chí Minh” chỉ mới xuất hiện vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90. Sự xuất hiện nầy bắt nguồn từ nhu cầu chính trị của đảng CSVN do đà suy sụp kinh tế dưới sự cai trị hà khắc của chế độ cộng sản Hà Nội sau năm 1975, và nhất là do những biến động ở Đông Âu làm sụp đổ khối cộng sản Liên Xô.

Cao điểm của sự suy sụp kinh tế ở Việt Nam là việc ông Đỗ Mười, uỷ viên Bộ chính trị đảng CSVN, chỉ huy cuộc cải tạo công thương nghiệp miền Nam, thực chất là đánh "tư sản" năm 1978, ngăn sông cách chợ, cấm cản tiểu thương, đày ải dân thành thị đến các vùng hoang địa, cưỡng bách lao động trong những công tác thủy lợi thiếu nghiên cứu, tung quân xâm lăng Campuchia, để làm giảm tiềm lực và tiêu hao sức mạnh của người dân miền Nam. Dân chúng đói khổ ta thán, tinh thần cán bộ đảng viên cũng sa sút theo.

Để kiếm cách tuyên truyền cổ võ dân chúng hưng phấn trở lại, nhà nước cộng sản Hà Nội đánh bóng hình tượng HCM, đã chết từ năm 1969 trước khi miền

Nam bị cưỡng chiếm. Họ tổ chức cuộc "rước đuốc bác Hồ" xuyên Việt, từ mộ HCM ở Hà Nội lên các tỉnh miền núi Bắc Việt, và quan trọng nhất là từ Hà Nội tiến xuống các tỉnh phía Nam vào khoảng tháng 10-1980, giống như kiểu rước đuốc của nhà độc tài Hitler năm 1933 ở Nuremberg (Đức).

Ánh đuốc bập bùng lung linh gây không khí huyền hoặc theo nghi lễ cổ xưa cũng không làm tan đi băng giá lạnh lùng trong tâm hồn dân chúng Việt Nam đã triền miên khổ đau vì nạn độc tài cộng sản. Dân chúng miền Bắc và miền Trung phải bỏ công ăn việc làm, cực khổ lo việc rước đuốc. Càng về Nam, dân chúng càng thờ ơ, nên sau chặng đường từ Tuy Hòa vào Nha Trang thì cuộc rước đuốc tan rã. Dân chúng cần cái ăn cái mặc, chứ không phải là những lời nói suông. Vì không xuống quá Nha Trang, nên ở Sài Gòn và trong Nam, dân chúng ít nghe biết chuyện rước đuốc nầy.

45

Năm 1989, Đông Âu bắt đầu biến động và thoát khỏi đế quốc Liên Xô. Sau đó đến lượt Liên Xô, chiếc nôi của Cộng Sản Quốc Tế, sụp đổ năm 1991. Khẩu hiệu chiến lược hàng đầu mà đảng CSVN thường sử dụng: "Chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng" không còn hiệu nghiệm.

Đảng CSVN lâm vào tình trạng lúng túng, không biết làm sao tiếp tục tuyên truyền với đảng viên và dân chúng, vì nói rằng chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng, nay sao lại sụp đổ tan tành chóng vánh ngay tại quê hương của Lenin? Đảng CSVN vội quay qua cầu cứu Hồ Chí Minh, đưa thêm "tư tưởng Hồ Chí Minh" tiếp theo sau chủ nghĩa Mác-Lê, nghĩa là từ nay, nền tảng của ý thức hệ CSVN là chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng HCM. Do đó mới xuất hiện chuyện "tư tưởng Hồ Chí Minh".

Để điều chỉnh căn bản ý thức hệ đang bị lung lay, CSVN cho sửa đổi hiến pháp, và chính thức hợp thực hóa một cách công khai "tư tưởng Hồ Chí Minh” bằng điều 4 Hiến pháp năm 1992, nguyên văn như sau: "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật." (Ủy Ban Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài, Những văn bản pháp quy của Nhà nước Việt Nam liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài (đến ngày 31-5-1995), Sài Gòn 1995, tr. 13.)

"TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH" THEO ĐẢNG CSVN: Chữ “tư tưởng” có hai ý nghĩa thông thường: 1) Nghĩa hẹp, tư tưởng là sự suy nghĩ hay ý kiến của một người về các vấn đề trong cuộc sống. Sự suy nghĩ nầy sẽ hướng dẫn người đó hành động hay thực hiện các ý định của họ. 2) Nghĩa rộng, tư tưởng là hệ thống suy tư hay tư duy của các cá nhân hay tổ chức về một số vấn đề trọng đại, có tính cách thuần lý, để giúp đỡ, hướng dẫn, giáo dục con người theo một đường lối nào đó. Trong ý nghĩa thứ hai nầy, “tư tưởng” đồng nghĩa với “triết lý”; ví dụ “tư tưởng Phật giáo”, “tư tưởng Lão Trang”, nhà tư tưởng René Descartes (1596-1650)...

46

Khi vinh danh “tư tưởng Hồ Chí Minh”, đảng CSVN sắp hạng tư tưởng HCM theo nghĩa thứ hai, tức nghĩa rộng trên đây, nhưng không thấy đảng CSVN trình bày một cách có hệ thống tư tưởng HCM là gì?

Ngược lại, ngay từ Đại hội 2 của đảng CS vào tháng 2 năm 1951 tại Tuyên Quang để đưa đảng CS ra hoạt động công khai trở lại với danh xưng mới là đảng

Lao Động, HCM phát biểu: "Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin...lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam." Khi đó, đại biểu miền Nam là Nguyễn Văn Trấn đã trình bày với HCM rằng: " Có đồng chí còn nói: hay là ta viết "tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh". Hồ Chí Minh trả lời: "Không, tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác- Lê nin." (Nguyễn Văn Trấn, sđd. tt. 150-152.)

Cũng trong Đại hội nầy, HCM nhiều lần tuyên bố: “Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được.”(Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản qúốc tế, Nxb. Tuổi Xanh, không đề nơi xuất bản, 2001, tr. 63.) Một lần khác, có người đã hỏi HCM vì sao ông không viết sách về lý thuyết cộng sản, thì ông trả lời ông không cần viết, vì đã có Mao Trạch Đông viết rồi.(Oliver Todd, bđd., sđd. tr. 277.) Xin mời đọc lại bài tường thuật lại Đại hội Tuyên Quang nầy, trong báo Học Tập, nội san đảng bộ CS Liên khu Bốn, số 35, tháng 4-1951:

Lời Hồ Chủ tịch trong Đại hội toàn Đảng

Vừa nghe báo cáo của đồng chí Giáp, các đồng chí thấy – và trước khi nghe cũng đã thấy – Quân đội ta từ chỗ yếu tiến đến chỗ mạnh, từ chỗ nhỏ tiến đến chỗ to, từ không thắng tiến đến thắng, từ thắng ít đến thắng nhiều, rồi từ thắng nhiều đến thắng lợi hoàn toàn (Đại hội vỗ tay).

Đó là vì đâu? Là vì trong chính trị, cũng như trong mọi mặt công tác khác, Đảng ta có một chủ nghĩa cách mạng nhất, sáng suốt nhất, đó là chủ nghĩa của ba ông kia kìa:

47

(Hồ Chủ-tịch vươn tay chỉ và hướng về phía chân dung 3 vị lãnh tụ: Marx, Engels, Lénine) (Đại hội vỗ tay vang dậy)

Đó là nhờ chúng ta, toàn giai cấp lao động thế giới, toàn quân đội nhân dân thế giới có một ông Tổng tư lệnh là ông kia kìa. (Hồ Chủ tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung đồng chí: Staline) (Đại hội vỗ tay dậy vang và cùng đứng dậy hô lớn) (Đồng chí Staline muôn năm!)

Chắc ít người biết mà có lẽ cũng không ai ngờ. Ông ở xa đây mấy muôn dặm, mà ông theo rõi cuộc kháng chiến của ta, của Triều Tiên, của Mã Lai và cuộc đấu tranh của các nước Động nam Á. Ông cảm động khi nghe kể lại những cử chỉ chiến đấu anh dũng của một chiến sĩ Thổ khi giết giặc lập công như thế nào. Vì vậy có thể nói tuy ông ở xa nhưng tinh thần của ông và hiểu biết của ông ở với chúng ta. (Đại hội vỗ tay)

Chúng ta nhờ có ông này: (Hồ Chủ tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung đồng chí: Mao Trạch Đông) – (Đại hội vỗ tay vang dậy – và đứng dậy hô lớn Đồng chí Mao Trạch Đông muôn năm!)

Ông Mao cách đây mấy nghìm dặm. Còn ông Staline thì xa những muôn dặm... Ông theo rõi từng bước cuộc chiến đấu cách mạng của chúng ta. Như lúc quân đội và nhân dân ta giải phóng biên giới, như lúc chúng ta mở chiến dịch Trung du, có thể đêm ông không ngủ mà chờ tin tức... (Đại hội có tiến tấm tắc)

... Có ông thầy, ông anh như thế nên quân đội ta, quân đội Việt-Miên-Lào, từ chỗ nhỏ đến chỗ lớn, từ chỗ yếu đến chỗ mạnh, từ không thắng đến thắng hoàn toàn...”

Bài tường thuật trên đây của nội san CS thời đó cho thấy rõ HCM chẳng có tư tưởng gì cả. (Nguồn: Vũ Tường [sưu tầm], “Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng 1951- “Đó là chủ nghĩa của ba ông kia kìa”, đăng trên Talawas blog ngày 28-9-2010).

48

Trở lại với vấn đề “tư tưởng” HCM, đảng CSVN ca ngợi HCM là nhà “giải phóng dân tộc.” Thật ra HCM chống Pháp vì Pháp không cho ông vào học Trường Thuộc Địa Paris là trường chuyên đào tạo các quan chức thuộc địa, để ra làm quan cho Pháp, nên ông thù Pháp và chống Pháp. Giả thiết như HCM được vào học Trường Thuộc Địa Paris và được ra làm quan cho Pháp thì HCM đâu có chống Pháp. Giả thiết HCM là “nhà giải phóng dân tộc”, thì tư tưởng giải phóng dân tộc không phải là một hệ thống triết học, và tư tưởng giải phóng dân tộc cũng không do HCM khởi xướng, mà đã tiềm ẩn trong trí óc của người Việt từ thuở Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm 40, cách đây gần hai ngàn năm, truyền từ đời nầy qua đời khác; nhờ vậy người Việt và nước Việt mới tồn tại cho đến ngày nay trước bao nhiêu cuộc ngoại xâm từ phương Bắc.

Đảng CSVN còn cho HCM đã có sáng kiến kết hợp công cuộc giải phóng dân tộc với đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa xã hội, thì thật ra người đưa ra sự kếât hợp nầy

49

là Lenin, nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng CS năm 1917 ở Nga. Liên minh công nông chống thực dân phong kiến cũng không phải do HCM nghĩ ra, mà ai cũng biết đó là tư tưởng của Mao Trạch Đông, lấy nông thôn bao vây thành thị, khi Mao Trạch Đông muốn ứng dụng chủ nghĩa Mác-Lê vào Trung Hoa, một nước nông nghiệp lạc hậu. Josip Broz Tito (Yugoslavia) là người chủ trương đảng và chế độ CS Quốc gia độc lập chứ không nằm trong hệ thống Đệ tam Quốc tế CS từ năm 1948. Hồ Chí Minh chưa hề có tư tưởng như Tito. Nói cho cùng, HCM không có một hệ thống suy tư nào để trở thành nhà tư tưởng như đảng CSVN phong tặng.

Vì HCM không có tư tưởng gì, nên những kẻ thừa kế tha hồ vẽ vời sáng tác mọi chính sách rồi gắn cho nhãn hiệu HCM. Họ chắp nối một số diễn văn, lời nói của HCM để hình thành “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Họ giải thích tùy hứng những những điều mà họ nói là “tư tưởng Hồ Chí Minh”, không khác gì lối diễn giải tùy thích những sấm truyền bí hiểm của các nhà tiên tri như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo dõi những bài diễn văn, những khẩu hiệu do HCM đưa ra, mọi người đều nhận biết rõ ràng tất cả đều do HCM cóp nhặt từ các nhà tư tưởng, văn hóa và chính trị đông tây.

Ví dụ bài diễn văn khai sinh chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do HCM đọc ngày 2-9-1945, thường được đảng CS gọi là bản "Tuyên ngôn độc lập", hoàn toàn vay mượn của các văn bản Pháp và Mỹ. Mọi người sẽ không lấy làm lạ nếu biết rằng người giúp HCM viết bản văn nầy là một thiếu tá người Hoa Kỳ, Archimedes L. A. Patti.(Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam?, California: University of California Press, 1980, p. 223. Trong bài diễn văn đọc tại Đại học Hà Nội ngày 17-11-2000, trong cuộc viếng thăm Việt Nam ba ngày kể từ 16-11, tổng thống Hoa Kỳ là Bill Clinton (nhiệm kỳ 1993-1997, 1997-2001) đã nhắc lại việc nầy: "... In 1945, at the moment of your country's birth, the words of Thomas Jefferson were chosen to be echoed in your own Declaration of Independence: "All men are created equal. The Creator has given us certain inviolable rights - the right to life, the right to be free, the right to achieve happiness..." [Tài liệu Internet. November 17, 2000, Immediate Release, 3:50 PM (L)]. Xin tạm dịch: "... Vào năm 1945, khi đất nước của các bạn [Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa] được

50

khai sinh, những lời nói của Thomas Jefferson đã được chọn lựa vang lại trong bản Tuyên ngôn Độc lập của chính các bạn: "Mọi người được tạo ra bình đẳng. Đấng Tạo hóa đã ban cho chúng ta một số quyền bất khả xâm phạm - quyền được sống, quyền được tự do, quyền vươn tới hạnh phúc..."

Trong bài nói chuyện tại lớp học tập chính trị gồm giáo viên cấp 2 và cấp 3 miền Bắc (dạy từ lớp 6 đến lớp 12 trung học), do bộ Giáo Dục tổ chức tại Hà Nội ngày 13-9-1958, HCM viết: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người ". (Báo Nhân Dân Hà Nội ngày 14-9-1958.) Câu khẩu hiệu nầy được treo ở tất cả các trường đại học và trung tiểu học dưới chế độ CS và được sách vở CS xem là tư tưởng vĩ đại của HCM về kế hoạch đào tạo nhân tài cho đất nước, thật ra là câu nói của Quản Trọng (Quản Tử) thời Xuân Thu, cách đây hơn hai ngàn năm.

Một trong những khẩu hiệu hàng đầu được xem là tư tưởng HCM để huấn luyện và giáo dục cán bộ CS là "Chí công vô tư, cần kiệm liêm chính", được rút từ lời dạy của Nho giáo cũng đã trên 2,000 năm. Với các phạm trù nầy, Nho giáo đã đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ quan lại thanh liêm trước đây phục vụ quần chúng. Ngược lại, lời sao chép của HCM chỉ là cái vỏ bọc che đậy một hệ thống cầm quyền tham ô nhũng lạm từ trên xuống dưới, mà bất cứ người nào ở trong cũng như ngoài nước, kể cả người ngoại quốc đều biết.

Còn việc HCM bảo rằng "Không có gì quý hơn độc lập tự do", thì "các giáo sư ở học viện Hồ Chí Minh giải thích rằng, tự do đây không phải là tự do cá nhân. Ông Hồ chỉ nói đến tự do cho Dân tộc là Độc lập mà thôi. Còn tự do cá nhân là tự do tư sản".(Báo Con Ong, Massachussetts, ngày 7-11-2000.)

Nói cho đúng, chính nhờ lợi dụng tinh thần độc lập dân tộc và lòng yêu quý tự do của dân chúng mà HCM và đảng CSVN đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào vòng thống trị của chế độ CS.

Nêu lên vài ví dụ trên đây để thấy rằng những điều gọi là tư tưởng HCM (hiểu theo nghĩa rộng là một hệ thống suy tư) chỉ là sự cóp nhặt danh ngôn của

51

những vĩ nhân thế giới, rồi đề tên HCM vào. Sở dĩ HCM và các thuộc hạ của ông mạnh dạn mượn tư tưởng của người khác làm của riêng HCM, vì từ năm 1954 đến 1975, Bắc Việt sống hoàn toàn bưng bít, không có bất cứ một sách vở xưa cũ, hay một phương tiện truyền thông nào đến với dân chúng, ngoài sách đảng, báo đảng, và đài phát thanh đảng. Trong hoàn cảnh đó, HCM muốn cóp nhặt của ai thì tha hồ mà cóp nhặt, không ai biết gì để có thể so sánh. Rủi ro có ai phát hiện, người đó cũng không dám lên tiếng dưới chế độ độc tài của ông.

Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Sinh Cung. Ông mượn tên Nguyễn Ái Quốc của nhóm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền;( Daniel Hemery, sđd. tt. 44-45), và ông cũng mượn tên "Hồ Chí Minh", của Hồ Học Lãm. Chẳng những lấy tên "Hồ Chí Minh" của Hồ Học Lãm, năm 1940, ông Hồ còn chiếm dụng luôn danh xưng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, do Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần lập ra ở Nam Kinh (Trung Hoa) năm 1936.(Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tt. 168-169.) Hồ Chí Minh nhắm đánh lừa những người Việt yêu nước và cả Trung Hoa Quốc Dân Đảng, để được giúp đỡ.

Theo đảng CSVN, Le procès de la colonisation française [Bản án chế độ thực dân Pháp] xuất bản ở Pháp năm 1925 do chính Nguyễn Ái Quốc khởi viết từ 1921. (BNCLSĐ, sđd. 29) Có tài liệu cho rằng Nguyễn Ái Quốc không viết được sách nầy, vì lúc đó ông ta không đủ trình độ Pháp văn để viết sách, và ông ta đã cóp nội dung bài "Đông Dương chính trị luận" của Phan Châu Trinh, đã được Jules Roux, bạn của Phan Châu Trinh, dịch qua tiếng Pháp để gởi cho chính phủ Pháp và Albert Sarraut sắp qua làm toàn quyền Đông Dương (lần thứ nhất 1911-1914 và lần thứ nhì 1917-1919). "Bài nầy Quốc chỉ sửa chút ít, viết lại đề tựa khác "Bản án chế độ thực dân Pháp", nhờ luật sư Phan Văn Trường sửa chữa, viết lại nhiều trang, viết lời tựa trước khi in và phổ biến."(Hứa Hoành, Những phú hộ lừng danh, Houston: Nxb. Văn Hóa, TX, 1999, tt. 224-226.)

Chẳng những HCM "mượn" tư tưởng vĩ nhân thế giới làm tư tưởng của mình, cóp sách của người khác rồi sửa chửa làm sách của mình, ông ta còn mượn luôn thơ của người khác để làm thơ mình. Tác phẩm được coi là nổi tiếng của HCM là

52

Ngục trung nhật ký [Nhật ký trong tù]. Nhà nghiên cứu Lê Hữu Mục đã phân tách tỉ mỉ tác phẩm nầy và đi đến kết luận như sau: "Phần phân tích ở trên chứng thực già Lý là chủ nhân của những bài thơ xây dựng theo kĩ thuật thơ Đường; những bài thơ nầy chiếm hết ba phần tư tác phẩm. Phần còn lại có thể coi là của Hồ Chí Minh. Tôi chỉ nói là có thể vì tôi không khẳng định được rõ ràng bài thơ nào đích thực là của Hồ Chí Minh, bài thơ nào thuộc về các tác giả khác."(Lê Hữu Mục, Hồ Chí Minh không phải là tác giả "Ngục trung nhật ký", Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Canada, 1990, tr. 94.)

Ngoài những phát hiện của giáo sư Lê Hữu Mục, tác giả Daniel Hémery, trong sách De l’Indochine au Vietnam, đã in lại hình bìa nguyên bản bằng chữ Nho sách Nhật ký trong tù. Trên hình bìa nầy, có ghi rõ ngày tháng sáng tác là: 29.8.1932 – 10.9.1933. (DH, sđd. tr. 85) Trong khi đó, “Lời nói đầu” trong bản in lần thứ nhất quyển Nhật ký trong tù năm 1960 của Nxb. Văn Học cho biết: “Đó là cuốn sổ tay của Hồ Chủ tịch gồm những bài thơ mà Người đã viết trong cảnh lao tù từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943.” Sách nầy sử dụng lại hình bìa của bản chữ Nho, nhưng xóa bỏ ngày tháng trên hình vẽ.(Nguyễn Khánh Toàn, Lữ Huy Nguyên, Tổng tập văn học Việt Nam, quyển 36 [số đặc biệt về Hồ Chí Minh, 924 trang], Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1980, p. 607. Sách nầy in lại lời nói đầu và hình bià của lần xuất bản thứ nhất sách Nhật ký trong tù.)

Những yếu tố nầy đủ chứng tỏ rằng HCM không phải là tác giả của Ngục trung nhật ký.

Ở đây nên thêm một chi tiết cần thiết: trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập, không có bài nào HCM đả động đến quyển Ngục trung nhật ký. Khi nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội ấn hành sách nầy năm 1960, HCM còn sáng suốt, nhưng ông không lên tiếng gì về tác phẩm nầy. Nghĩa là một mặt ông vẫn mặc nhiên công nhận ông là tác giả sách đó, một mặt khác, ông phòng xa tính rộng, rủi sau nầy có ai phát hiện gian ý ăn cắp văn chương của người khác, như tác giả Lê Hữu Mục đã chứng minh, thì ông vẫn nhẹ tội vì ông chưa hề lên tiếng công nhận sách đó là do ông viết ra, mà đây là do nhóm thuộc cấp thực hiện mà thôi. Hồ Chí Minh lắt léo trong từng chi tiết của cuộc đời ông.

53

Việc đảng LĐ cho nhà xuất bản Văn Học ấn hành Ngục trung tùy bút vào năm 1960 nhắm dụng ý duy nhất là đánh bóng HCM là một tác giả, đã từng vào tù ra khám vì tranh đấu giành độc lập cho xứ sở, lại có khả năng làm thơ bằng chữ Hoa (ngoại ngữ), để tranh thủ cảm tình của giới văn nghệ sĩ và trí thức trên thế giới, nhất là Trung cộng, nhắm dễ xin viện trợ và lôi kéo họ vào mặt trận truyền thông trong công việc tiến hành chiến tranh chống Việt Nam Cộng Hòa.

 

 

 

 

Nguyên bản hình bià Ngục trung nhật ký,

bằng chữ Nho, đề ngày 29.8.1932 – 10.9.1933.

(trích: Daniel Hémery, De l’Indochine au

Vietnam, Paris: Gallimard, 1990, tr. 85)

 

Hình bìa Ngục trung nhật ký do Nxb. Văn

Học, Hà Nội, ấn hành năm 1960, xóa bỏ

ngày tháng trên hình vẽ. (Hình trích:

Nguyễn Khánh Toàn, Lữ Huy Nguyên,

Tổng tập văn học Việt Nam, quyển 36 [đặc biệt về Hồ Chí Minh, 924 trang], Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1980, tr.607.)

 

Không biết HCM đã tự cóp nhặt hoặc đạo văn, hay những thuộc hạ của ông muốn tâng bốc HCM, đã cóp nhặt và đạo văn giúp cho ông Hồ? Nếu như thế thì họ đã hại hình tượng HCM của họ. Tai hại một cách công khai nhất là Bộ chính trị đảng CSVN đã thêm phần "tư tưởng Hồ Chí Minh" sau chủ nghĩa Mác-Lê. Hồ Chí Minh không bao giờ là một nhà tư tưởng, cũng không phải là một lý thuyết gia chính trị.

54

Trong sách Ho Chi Minh, Jean Lacouture, sử gia Pháp, đã ít nhất hai lần nói rằng HCM không phải là một lý thuyết gia, dù lúc viết sách nầy, Lacouture là một ký giả còn thiên tả.(Jean Lacouture sđd. tt. 58, 153: (1) tr. 58: "He devoted little time to doctrinal wranglings. He was first and foremost a militant, an organizer." (Ông ta ít dành thời giờ để bàn cãi chủ thuyết. Trước hết và trên hết ông là một người tranh đấu, một nhà tổ chức.) (2) tr. 153: "Ho ... has never been a theorist like Truong Chinh." (Hồ ... chưa bao giờ là lý thuyết gia như Trường Chinh.)

Mọi người đều đã từng nghe nói đến Marxism (Mác-xít), Leninism (Lênin-nít), Stalinism (Xìtalin-nít), Titoism (Titô-ít), Maoism (Mao-ít), nhưng không bao giờ nghe nói đến "Hoism" (Hồ-ít).(Charles Fenn, sđd. tr. 47.

Hồ Chí Minh thật sự chỉ là một nhà hoạt động chính trị giỏi thực hành, một chiến thuật gia (tactician), ứng biến mau lẹ, có tài đóng kịch (Bernard Fall sđd. tr. 102, VTH sđd. tr. 459), đặc biệt rất sắt máu và tàn ác dị thường.(Oliver Todd, bđd., sđd. tr. 276, 295.)

Việc bộ chính trị đảng CSVN đề cao tư tưởng HCM, công khai đưa vào hiến pháp, làm cho người ta càng thêm chú ý, và càng phơi bày trước mặt mọi người rằng HCM chẳng có tư tưởng nào đặc sắc.

THỰC CHẤT “TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH”: Hồ Chí Minh là một con người bình thường như mọi người, nên HCM vẫn có những suy nghĩ hay “tư tưởng” (hiểu theo nghĩa hẹp) như mọi người khác. Vậy thực chất “tư tưởng Hồ Chí Minh” là gì? Không kể lúc còn vị thành niên, khi đã quá 18 tuổi, thanh niên Nguyễn Tất Thành tự thấy mình ít học, chẳng có bằng cấp gì nên khó tiến thân trong xã hội Việt Nam thời đó, một xã hội rất trọng văn học. Ông nghĩ đến việc mưu sinh bằng cách làm công cho Pháp, và xin làm nhân viên trên tàu Latouche-Tréville và theo tàu nay rời Sài Gòn đi Pháp ngày 5-6-1911. (Nếu tính theo ngày sinh trên giấy tờ của HCM là 19-5-1890, thì lúc đó ông ta đã 21 tuổi.)

Nguyễn Tất Thành đến Marseille, hải cảng miền nam nước Pháp ngày 6-7-1911. Tư tưởng hợp tác với Pháp phát triển mạnh mẽ nên vào tháng 9, thanh niên

55

Nguyễn Tất Thành làm đơn xin đặc cách vào học Trường Thuộc Địa Paris, là trường đào tạo các quan chức cai trị thuộc địa của Pháp, với “ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp”ø (dịch lời Nguyễn Tất Thành tức HCM trong đơn gởi tổng thống và bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp.)

Làm một lá đơn sợ bị từ chối, Nguyễn Tất Thành làm hai lá đơn cùng một lúc, một gởi cho tổng thống Pháp, một gởi cho bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp, với hy vọng nếu người nầy từ chối thì có thể ông kia cứu xét gia ân. Điều nầy cho thấy ông tha thiết với việc xin hợp tác với Pháp, làm quan cho Pháp.

Chẳng may hai lá đơn nầy đều bị từ chối. Hồ Chí Minh vỡ mộng làm quan, tiếp tục các chuyến hải hành trên biển để mưu sinh. Đến New York (Hoa Kỳ), thanh niên Nguyễn Tất Thành, lúc đó lấy tên Tây là “Paul”, viết một lá thư ngày 15-12-1912 gởi cho khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ tha thiết xin hai việc: thứ nhất là xin một việc làm cho cha ông ta là Nguyễn Sinh Huy, lúc đó đang lưu lạc ở Nam Kỳ, để ông nầy có điều kiện sinh sống, thứ hai là xin viên khâm sứ Pháp làm đầu mối chuyển ngân để ông Thành gởi tiền về nuôi cha.

Trước đó sáu năm, ngày 15-8-1906, Phan Châu Trinh viết “Đầu Pháp chính phủ thư” gởi cho toàn quyền Đông Dương và khâm sứ Pháp tại Huế, trình bày hoàn cảnh bi đát của dân chúng Việt Nam, chỉ trích nhà cầm quyền bảo hộ Pháp, và yêu cầu Pháp lắng nghe lời ông để mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng Việt Nam.

Đàng nầy Paul Tất Thành đã hai lần viết ba lá thư, cũng là một hình thức “Đầu Pháp chính phủ thư”, gởi cho các cấp cao hơn viên toàn quyền Đông Dương, và gởi cho khâm sứ Pháp tại Huế, chỉ để mưu cầu hạnh phúc cá nhân ông, gia đình ông. Hơn nữa thanh niên Nguyễn Tất Thành rất tin tưởng ở người Pháp nên mới mượn địa chỉ của khâm sứ Pháp để liên lạc và chuyển tiền cho phụ thân.

Càng tha thiết bao nhiêu thì càng cay đắng bấy nhiêu nếu thất bại. Quá cay đắng vì bị Pháp từ chối các nguyện vọng tha thiết hợp tác với Pháp, kiếm đường làm quan, thanh niên Nguyễn Tất Thành quay qua “tư tưởng thù Pháp”. Trong một số bài báo viết tại Paris, HCM lấy bút danh là Nguyễn Ố Pháp, tức “người họ Nguyễn ghét Pháp”.(Tưởng Vĩnh Kính, sđd. tr. 63.)

56

Từ đó ông ta tham gia những hoạt động chống đối chính phủ Pháp, rồi gia nhập đảng CS Pháp, và đầu quân cho Đệ tam Quốc tế.

Việc chống Pháp phù hợp với nguyện vọng của dân tộc, nhưng lợi dụng khát vọng tự do độc lập của dân tộc để du nhập lý thuyết CS, chủ trương đấu tranh giai cấp, gây chia rẽ dân tộc, xây dựng chế độ độc tài, chỉ biết quyền lợi của Đệ tam Quốc tế và của tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN, là đi ngược lại quyền lợi dân tộc, nếu không muốn nói đó là tư tưởng phản dân hại nước.

Sau khi lợi dụng tinh thần bất khuất của dân tộc, tranh đấu chống Pháp thành công, nắm được quyền hành, HCM bắt đầu tư tưởng hưởng nhàn. Ông phó mặc cho các thủ hạ như Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp thao túng chính trị, để ông bám lấy địa vị chủ tịch nước, sống an nhàn, bề ngoài có vẻ đạm bạc, nhưng thực chất bên trong rất xa hoa, lãng phí (xem phần trên).

Chẳng những hưởng nhàn, HCM còn có tư tưởng hưởng lạc. Chuyện HCM hưởng lạc cũng bình thường của đời người, nhưng hưởng lạc xong rồi ông lại cho giết người đã sinh cho ông ta một người con trai thì chẳng bình thường, mà là ác độc.

Ngày xưa, trước khi qua đời, Đức Trần Hưng Đạo yêu cầu gia đình hỏa táng, chôn sao cho mau mục và san đất trồng cây để khỏi có ai biết.(Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch quyển 2, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1998, tr. 81.) Ngài muốn thân xác của Ngài mau hòa đồng với thiên nhiên, với non nước mà Ngài đã tận tụy phục vụ, và không muốn bất cứ ai phải tốn công thờ phượng Ngài. Đó là tư tưởng phóng khoáng của thánh nhân. Trong khi đó, trước khi chết, HCM để di chúc lại yêu cầu hỏa táng:

"Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi." (xin xem thêm chuong kế tiếp.)

57

Như thế, đến khi gần chết, HCM vẫn còn “tư tưởng hiếu danh” và “tư tưởng sùng bái cá nhân”.

Trong dịp Tết Tân Tỵ (2001), báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), số Xuân, trang 34 đăng kết quả cuộc trưng cầu ý kiến giới trẻ về hình ảnh thần tượng của họ. Dầu bộ máy tuyên truyền của đảng CSVN ra rả hằng ngày, HCM chỉ được 17/200 người được hỏi ý kiến chọn ông ta làm thần tượng (tức 8.5%); trong khi nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ, Bill Gates, mà người Việt Nam trong nước chỉ biết rất ít qua báo chí, được 23/200 người lựa chọn làm thần tượng (tức 11,5%). Điều nầy cho thấy, ngoài số cán bộ đảng viên đảng CSVN, dân chúng hiện nay chẳng quan tâm gì đến HCM, dù đang sống dưới một chế độ luôn luôn đề cao và tự hào về "tư tưởng HCM".

Ngày nay, tại Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lê và hình tượng HCM chỉ còn là chiếc phao để đảng CS duy trì quyền lực độc đảng độc tài dựa trên bạo lực mà thôi. Trong khi đó, dư luận trong nước cũng như trên thế giới đều lên tiếng hô hào loại bỏ điều 4 hiến pháp 1992 của Hà Nội, nghĩa là chẳng những loại bỏ đặc quyền tối thượng của đảng CSVN, mà còn loại bỏ luôn chủ thuyết Mác-Lê và cái gọi là "tư tưởng HCM".

Điều 4 hiến pháp Việt Nam năm 1992 bắt chước theo điều 6 của hiến pháp Liên Xô năm 1980. Khi những đảng viên cấp tiến cộng sản Liên Xô muốn loại điều 6 hiến pháp của họ, thì gặp phản ứng mạnh mẽ của giới bảo thủ. "...Điều đó đã xảy ra khi điều 6 hiến pháp Liên Xô, về "vai trò lãnh đạo và hướng dẫn" của đảng Cộng Sản trong đời sống quốc gia sắp sửa bị tiêu hủy. Việc tu chính hiến pháp tức thì bị phản đối. Những nhóm sợ mất quyền lực toàn năng một thời của họ đã tập họp lại..."(Eduart Shevardnadze, The Future Belongs to Freedom [Tương lai thuộc về tự do], do Catherine A. Fitzpatrick dịch từ nguyên bản bằng tiếng Nga sang Anh ngữ, London: Nxb. Sinclair Stevenson LTD, 1991, phần Dẫn nhập, tr. xii. Nguyên văn bản Anh ngữ: "...That occurred when article 6 of the Soviet Constitution, on the "leading and guiding role" of the Communist Party in the life of state, was about to be repealed. The amendment immediately faced resistance. Groups that feared the lost of their one-time omnipotence rallied together...")

58

Tuy vậy, cuối cùng dân chúng Liên Xô cũng đã đứng lên năm 1991 chẳng những loại bỏ điều 6 hiến pháp mà loại luôn toàn bộ hiến pháp năm 1980 và cả chế độ CS.

Trước sau gì nhân dân Việt Nam cũng sẽ làm như thế, dù đảng CSVN cố duy trì điều 4 hiến pháp 1992 để bảo vệ quyền lực của họ.

 

Chương 7

HUYỀN THOẠI LĂNG HỒ CHÍ MINH

 

Hồ Chí Minh chết ngày 2-9-1969. Ngày 2-9 là quốc khánh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) nên Bộ chính trị đảng LĐ sợ xui xẻo, đã cho đổi ngày chết của HCM là 3-9-1969. Di chúc của HCM bị Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng LĐ, ra lệnh "cắt bỏ, sửa chửa vài chỗ" rồi mới cho công bố, đề ngày 10-5-1969.(1)

Bản di chúc của HCM do Bộ chính trị đảng LĐ sửa đổi và công bố năm 1969, hoàn toàn không đề cập đến việc chôn cất HCM. Trong bản di chúc đầu tiên do HCM đánh máy và ký tên ngày 15-5-1965, có chữ ký "chứng kiến"[nv] của Lê Duẩn, bí thư thứ nhất ban Ban chấp hành trung ương đảng LĐ, HCM viết: "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" dần dần sẽ được phổ biến...Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi...”(66) Hồ Chí Minh đã sửa đổi đôi chút về việc chôn tro cốt trong bản di chúc viết năm 1968, theo đó "...Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”... Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi."(Hồ Chí Minh, Toàn văn di chúc chủ tịch Hồ Chí Minh, TpHCM: Nxb. Thanh Niên, 2000, tt. 13-16, 26-29.)

59

Giữa hai thời điểm HCM viết di chúc (1965-1968), vào giữa tháng 8-1967, Viện lăng Lenin được thông báo cho biết tình hình sức khỏe HCM càng ngày càng suy yếu, và nhận được chỉ thị đặc biệt từ Bộ chính trị Liên Xô ra lệnh chuẩn bị ướp xác HCM.

Ngày 14-9-1967, một phái bộ đặc biệt gồm ba bác sĩ Việt Nam đến Moscow. Đó là các ông Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẩu Quân y viện 108; Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai; Lê Điều, Chủ nhiệm

Khoa Ngoại bệnh viện Việt Xô. Các bác sĩ nầy ở lại Moscow 7 tháng để học tập cách ướp và bảo vệ xác trong giai đoạn đầu từ 15 đến 20 ngày.

Giai đoạn kế tiếp là phần việc sẽ do các chuyên gia Liên Xô đảm trách. Tổ ướp xác Việt Nam chính thức được thành lập vào tháng 6-1968 do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền đứng đầu. (Tuần báo Phụ Nữ, Hà Nội, 6-1-2000. (Báo Á Châu, Paris, số 43, tháng 3-2000, tt. 9-10, trích thuật lại) Như thế, việc ướp xác HCM đã được Bộ chính trị đảng LĐVN đặt ra ngay khi HCM còn sống vào năm 1967. Khi đó HCM còn sáng suốt. Xin đừng quên rằng HCM đã ra lệnh tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) bằng một bài thơ của ông ta qua làn sóng đài phát thanh Hà Nội. Chắc chắn HCM phải biết quyết định ướp xác ông của Bộ chính trị đảng LĐ, nhưng ông không tỏ một dấu hiệu nào ngăn cản. Ông làm thinh có nghĩa là ông đồng lõa với quyết định với Bộ chính trị. Hồ Chí Minh hành xử rất khôn khéo trong hoàn cảnh của ông, vì không lẽ ông tự nói ra rằng hãy ướp xác ông sau khi ông chết. Ông để cho các thuộc hạ cứ tiến hành quyết định của họ, nhưng rất hạp với ý thích sùng bái cá nhân của ôngï.

Thế mà trong di chúc năm 1968, HCM lại viết rằng: “...Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”... Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam...” Sự việc nầy một lần nữa cho thấy suốt đời, cho đến khi gần chết, HCM luôn luôn tỏ ra thiếu thành thật, không thẳng thắn trong lời nói và việc làm của ông, nếu không muốn nói là ông luôn luôn đạo đức giả.

60

Gần ba tháng sau khi HCM qua đời, trong cuộc họp ngày 29-11-1969, Bộ chính trị ra quyết định ướp xác HCM và xây dựng một lăng mộ phản ảnh những nét hiện đại, nhưng vẫn giữ đuợc đặc tính dân tộc cổ truyền.(William J. Duiker, sđd. tr. 565, và phần chú thích số 3 tr. 669.) Thật sự ra, nếu để đến ba tháng mới ướp xác thì cái xác HCM đã bị ung thối, nên chắc chắn việc ướp xác đã được Bộ chính trị cho thi hành ngay sau khi HCM chết.

Theo tiết lộ từ các chuyên viên Viện lăng Lenin, ngày 28-8-1969, đoàn chuyên viên y khoa Liên Xô gồm 5 thành viên của Viện lăng Lenin là các giáo sư Debov (trưởng đoàn), Polukhin. Michaelov, Kharascov và Saterov đến Hà Nội.

Ngày 2-9, lúc 11 giờ các giáo sư nầy đến Quân y viện 108 khám nghiệm xác HCM vừa được đưa đến đặt ở đây, với sự có mặt của Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài. Hai bác sĩ Polukhin và Mikhaelov bắt đầu mổ xác HCM với sự phụ tá của hai bác sĩ Việt Nam. Sau ba ngày theo dõi, người ta di chuyển xác HCM đến Hội trường Ba Đình tối 5-9-1969.(Tuần báo Phụ Nữ, Hà Nội, 6-1-2000.)

Lúc đầu, các chuyên gia Liên Xô muốn đưa xác HCM về Moscow ướp vì theo họ việc nầy không thể thực hiện được ở Hà Nội do điều kiện kỹ thuật ở đây không đầy đủ. Giáo sư trưởng đoàn Debov đã báo cho Lê Duẩn biết ý kiến nầy, nhưng có lẽ Lê Duẩn sợ Liên Xô đem xác HCM về Liên Xô làm con tin, nên phản đối.

Lúc đó, thủ tướng Liên Xô là Alexei Kosygin, đang qua Hà Nội viếng tang HCM, yêu cầu toán chuyên gia tìm cách ướp xác tại Hà Nội, và chính phủ Liên Xô sẽ cung cấp đầy đủ tiện nghi để làm việc.(4) Chiến tranh càng ngày càng ác liệt. Hà Nội bị máy bay Hoa Kỳ oanh tạc, nên xác HCM cũng như toán chuyên gia Liên Xô phải sơ tán lên một hang động rộng rãi bên bờ sông Đà.

Cuối cùng, sau 8 tháng ướp xác với những điều kiện khí hậu nhiệt đới và phải di chuyển vì sơ tán, các chuyên gia Liên Xô tin rằng xác HCM có thể duy trì được trong thời gian dài. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, Hoa Kỳ ngưng hẳn cuộc oanh tạc Bắc Việt, xác của HCM mới được đưa về Hà Nội năm 1975.(Tuần báo Phụ Nữ, Hà Nội, 6-1-2000.)

61

Khi Bộ chính trị đảng LĐ lúc đó quyết định xây lăng và ướp xác HCM, có hai câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng họ làm thế vì kính trọng HCM? Và tại sao CS duy vật lại xây lăng như kiểu các vua chúa ngày xưa?

Thứ nhất, HCM là lãnh tụ tối cao của đảng LĐ. Bề ngoài ông luôn luôn được các thuộc hạ tôn kính, nhưng thực tế bên trong đảng, các thuộc hạ của ông nhiều lần chứng tỏ thiếu kính trọng ông ta trong những năm cuối đời.

Ví dụ cụ thể là vụ bà Xuân, vợ HCM bị Trần Quốc Hoàn hiếp dâm. Theo một tài liệu mới tiết lộ, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn lại còn âm mưu sát hại HCM vào năm 1967. Tài liệu nầy cho biết người phi công tên là Thắng, lái chuyến bay đưa HCM từ Bắc Kinh trở về đến Hà Nội ngày 23-12-1967, khi đáp xuống phi trường thì “... thấy đèn hiệu đường băng chệch 150 không hạ cánh được, đã điện hỏi nhiều lần nhưng không trả lời. Anh bèn hạ cánh theo trí nhớ. May mà an toàn.”(VietBao Online, California, số 2359.)

Sau đó, khi HCM chết năm 1969, các thuộc hạ của ông chẳng kính trọng di chúc của ông và làm trái với những điều ông đã dặn.

Thứ hai, CS chủ trương duy vật vô thần, chống lại các tín ngưỡng, tiêu diệt các tôn giáo, triệt hạ các đền đài, chùa chiền và nhà thờ, tại sao lại đi ngược di chúc HCM, xây lăng, ướp xác HCM để mọi người chiêm bái?

Trước khi chết, HCM viết trong di chúc: "...Vì vậy tôi để sẵn mấy lời nầy, fòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Cac Mac, cụ Lênin và các vị c. m. đàn anh khác..." (Nguyên văn bản chụp di chúc HCM, BNCLSĐ, sđd. tr.171). Điều nầy có nghĩa là trước khi chết, HCM tin rằng linh hồn con người còn hiện hữu sau khi qua đời, và cũng có nghĩa là HCM đã phản bác lại chủ nghĩa duy vật, quay về với tín ngưỡng linh hồn cổ xưa của con người và của dân tộc.

Về phía Bộ chính trị, chắc chắn không phải vì tin vào sự hiện hữu của linh hồn, mà Bộ chính trị đảng LĐ đã xây lăng cho HCM. Để bào chữa cho việc sửa đổi di chúc HCM của ban lãnh đạo đảng LĐ năm 1969, không hỏa táng mà lại ướp

62

xác ông Hồ, thông báo của ban lãnh đạo đảng CSVN năm 1989 (20 năm sau) viết như sau:

"Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau nầy đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác lời Bác dặn."(Hồ Chí Minh, Toàn văn di chúc..., sđd. tr. 8.)

Hồ Chí Minh đã chết thì làm sao còn xin phép được nữa? Đó chỉ là cách ngụy biện để che đậy những ý đồ riêng tư của đảng LĐ có thể phỏng đoán như sau:

VINH DANH SỰ THỪA KẾ: Tại các nước tự do dân chủ, các định chế chính trị cụ thể minh định rõ ràng việc chuyển giao quyền hành. Một người muốn lên cầm quyền, hoặc muốn được kế thừa chính thống, đều phải qua thủ tục phổ thông đầu phiếu tự do, và quyền quyết định thuộc về cử tri tức dân chúng. Có khi dân chúng trực tiếp bầu người lãnh đạo, có khi bầu quốc hội và quốc hội bầu nhà lãnh đạo. Do đó không có việc thừa kế mặc nhiên theo cách cha truyền con nối trong chế độ quân chủ, hoặc theo hệ thống đảng trị của các chế độ độc tài như chế độ CS. Chính vì sự mặc nhiên nầy nẩy sinh ra nhu cầu vinh danh sự thừa kế để tạo uy thế cho những nhà cầm quyền mới.

Ngày trước, các hoàng đế sáng tổ các vương triều thường truy phong cha mẹ tước vị vua chúa, và làm lăng để thờ phượng. Các hoàng thái tử khi lên thừa kế vương nghiệp, việc làm đầu tiên là đặt miếu hiệu để tôn kính vua cha. Ngoài lòng hiếu thảo đối với bề trên, việc nầy còn nhắm chứng tỏ sự thừa kế chính thống của vị vua mới, trước triều đình và dân chúng.

Một ví dụ rõ nét nhất về vấn đề nầy là khi chính cung hoàng hậu của vua Gia Long (trị vì 1802-1819) từ trần (1814), các quan trong triều đề nghị để cho cháu nội ruột của bà là Mỹ Đường, con của hoàng tử Cảnh (đã từ trần năm 1801),

63

đứng chủ tế, nhưng vua Gia Long không đồng ý. Nhà vua đặt hoàng tử Đảm, con của ông với bà vợ thứ hai làm chủ tế. (Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1995, tt. 219, 239.) Nhà vua hành động như vậy nhắm đề cao hoàng tử Đảm, và sau đó vua Gia Long đưa hoàng tử Đảm lên ngôi vị Đông cung (1815), chuẩn bị để kế vị ngai vàng khi Gia Long từ trần năm 1819.

Sau khi Lenin từ trần ngày 21-1-1924, Stalin đã chủ động làm tang lễ thật vĩ đại, ướp xác, xây lăng cho Lenin để khẳng định ưu thế thừa kế lãnh đạo đảng CSLX của ông đối với địch thủ trong nội bộ đảng CSLX là Trotsky. (Ronald Hingley, Joseph Stalin: Man and Legend [Joseph Stalin: Con người và Huyền thoại], New York: Nxb. Konecky and Konecky, 1974, tr. 155.)

Vào thời điểm khi HCM chết, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ trong Bộ chính trị đảng LĐ vừa mới đưa vào tù một số uỷ viên Trung ương đảng và một số tướng lãnh, kiếm cách giải quyết dứt điểm vụ án mà nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ gọi là "Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài" (từ giữa 1967 trở đi).

Đồng thời đảng LĐ tổ chức tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở miền Nam nhiều đợt trong năm 1968, nhưng bị quân lực Việt Nam Cộng Hòa bẻ gãy chiến dịch nầy, gây thiệt hại nặng nề cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, tay sai của Hà Nội. Vì vậy, uy tín của Bộ chính trị đảng LĐ lúc đó bị sút giảm rõ rệt ở trong nước, trong nội bộ đảng và cả trên thế giới.

Trước tình hình nầy, do nhu cầu khẳng định sự kế thừa của nhóm Lê Duẩn để vượt qua những khó khăn chính trị, năm 1969 Bộ chính trị đảng LĐ tổ chức tang lễ HCM thật rầm rộ, và xây dựng lăng mộ HCM thật đồ sộ cao ráo giữa thành phố Hà Nội để thần thánh hóa HCM. Thần thánh hóa HCM, vinh danh một cách long trọng sự nghiệp HCM, có nghĩa là để chính thức vinh danh đảng CSVN do HCM sáng lập và lãnh đạo, từ đó vinh danh và chính thức hóa những kẻ kế thừa sự nghiệp và quyền bính của HCM, hay nói cách khác vinh danh luôn nhóm người đang lãnh đạo đảng LĐ và nhà nước cộng sản Bắc Việt lúc đó.

64

Kế thừa uy tín, quyền bính và sự nghiệp của HCM, đảng LĐ hy vọng quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ Bắc Việt sau vụ tổng công kích Tết Mậu Thân (1968) thất bại, và nhất là cần đến uy tín của HCM để đoàn kết nội bộ đảng LĐ, lúc đó đang có nguy cơ xảy ra cuộc tranh quyền giữa các nhóm trong Bộ chính trị.

SÙNG BÁI CÁ NHÂN: Nạn sùng bái cá nhân phát triển mạnh dưới thời Stalin cầm quyền ở Liên Xô (1924-1953). Để chuẩn bị sùng bái chính mình, Stalin đã mở chiến dịch sùng bái Lenin một cách lố lăng. Khi Lenin từ trần ngày 21-1-1924, "Những kẻ kế thừa Lenin còn xưng tụng hơn nữa khi Lenin mất bằng cách đổi tên thành phố lớn Petrograd thành Leningrad. Đây là một hành vi sùng bái mà chắc chắn khi còn sống Lenin không cho phép. Cũng vậy, ắt hẳn ông ta không thể chấp thuận những khía cạnh khác của việc sùng bái Lenin được dùng như màn giáo đầu cho việc sùng bái Stalin sau nầy còn ngông cuồng hơn nữa.”(9)

Xây lăng cho Lenin, Stalin cũng nhắm xây sinh phần cho chính ông ta. Sau nầy, khi từ trần ngày 5-3-1953, lúc đầu Stalin cũng được hưởng những nghi thức vinh quang như Lenin, và như ông ta đã nghĩ trước, ông ta được đặt nằm bên cạnh Lenin trong lăng tại Công trường Đỏ.(Ronald Hingley, sđd. tt. 155-156, 424.)

Ba năm sau, Stalin bị Khrushchev hạ bệ trong trong Đại hội lần thứ 20 đảng CSLX năm 1956. Sau đó, trong Đại hội lần thứ 22 đảng CSLX năm 1961, Khrushchev quyết định đưa di hài của Stalin ra khỏi Công trường Đỏ. Việc nầy được thi hành ngày 30-10-1961. (Roy Medvedev, Khrushchev, Brian Pearce dịch sang tiếng Anh, New York: Nxb. Anchor Press/ Doubleday, 1983, tt. 83, 208.)

Năm 1969, đảng LĐVN cũng đi vào vết xe sùng bái cá nhân, ướp xác và xây lăng cho HCM. Bệnh sùng bái lãnh tụ ở Việt Nam tuy không nổi cộm như Liên Xô thời Stalin, nhưng ngấm ngầm hết sức rộng rãi. Việc nầy do chính HCM khuyến khích. Bằng chứng là khi Khrushchev đả kích tệ nạn sùng bái cá nhân của Stalin trong bài diễn văn đưa ra ngày 25-2-1956 về đề tài"Về sự sùng bái cá nhân và hậu quả" (On the Cult of Personality and its Consequences) tại Đại hội 20 đảng CSLX, tất cả các nước CS trên thế giới, kể cả Trung Cộng, đều mở chiến dịch học tập chống việc sùng bái cá nhân, trừ Bắc Việt.

65

Trước sau, cho đến nay và có lẽ đến ngày chế độ CSVN sụp đổ, CS Hà Nội hoàn toàn không phổ biến công khai trước dân chúng bài diễn văn của Khrushchev hạ bệ Stalin. Đảng LĐ cũng không đả động gì đến việc chống sùng bái cá nhân. Cho đến khi bị vặn hỏi trong hội nghị cán bộ cao cấp và trung cấp tại Câu lạc bộ quân nhân ở Hà Nội từ 28-4 đến 3-5-1956, tổng bí thư đảng LĐ, Trường Chinh, mới đành thú nhận "cũng đã có hiện tượng sùng bái cá nhân nhưng chưa đến mức trầm trọng".(Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr. 90-91.

Trường Chinh nói thế cho qua chuyện chứ căn bệnh sùng bái cá nhân đã ăn sâu nặng nề và HCM cũng như Bộ chính trị đảng LĐ cũng không muốn sửa chửa hay thay đổi. Suy tôn HCM để rồi suy tôn luôn cả Bộ chính trị. Cần lưu ý là trong thời gian nầy, HCM còn rất khỏe mạnh và minh mẫn.

Cộng sản Việt Nam cũng học theo cách sùng bái lãnh tụ kiểu Stalin. Hồ Chí Minh chỉ hoạt động ở Bắc Việt, không dính dáng gì đến miền Nam, nhưng để áp đảo dân chúng, năm 1975 cộng sản đã đổi tên thành phố Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh, một việc làm chưa từng có trong lịch sử Việt Nam và cả lịch sử Á châu. Người châu Á nói chung không bao giờ dùng tên nhân vật lịch sử để đặt tên thành phố. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các thành phố Leningrad, Stalingrad đều được đổi lại tên cũ là Petrograd (St Petersburg) và Volgograd.

Cho đến nay, tuy chế độ cộng sản Việt Nam chưa sụp đổ, nhưng dân chúng và du khách không ai gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ gọi tên Sài Gòn, ngoại trừ giấy tờ công văn hành chánh. Chắc chắn trong một ngày không xa Sài Gòn sẽ chính thức lấy lại tên cũ.

DUY TRÌ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI: Trong dân chúng, mục đích của việc xây mộ là để kỷ niệm người quá cố, và đồng thời là một hình thức để người quá cố sống với thân nhân còn sống, hay nói cách khác, kéo dài cuộc đời, sự nghiệp của người quá cố bên cạnh những người còn sống. Trong trường hợp các chế độ độc tài như chế độ CS, xây lăng và ướp xác các lãnh tụ, tuy nói là để kỷ niệm các lãnh tụ đó, nhưng kỳ thật còn để duy trì sự sùng bái lãnh tụ, từ đó duy trì luôn

66

nền độc tài mà các lãnh tụ đã lập ra, bóp nghẹt những sinh hoạt tự do dân chủ của dân chúng, nhất là giới trí thức.

Hồ Chí Minh là người đã cho thi hành Cuộc cải cách ruộng đất giết hại khoảng dưới 200,000 người. Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh ngày 15-12-1956 bắt buộc báo chí phải phục vụ nền chuyên chính vô sản, không được chống chế độ, chống chính phủ, không được xúi giục nhân dân và bộ đội làm loạn... và sẽ phạt tù từ 5 năm đến chung thân khổ sai, tịch thu tài sản nếu ai phạm vào những điều cấm. (Hoàng Văn Chí, sđd. tr. 31.)

Hồ Chí Minh đã để cho Lê Duẩn, Lê Đức Thọ tiêu diệt những người bất đồng chính kiến trong đảng LĐ chỉ vì những người nầy theo chủ trương chung sống hòa bình của Nikita Khrushchev (Liên Xô), và không đồng ý việc tiến hành chiến tranh chống miền Nam.

Đảng LĐ muốn lợi dụng huyền thoại và nấm mồ bề thế của HCM để uy hiếp tinh thần và tâm lý dân chúng, vì dân chúng Việt Nam, từ ngàn xưa vốn tin tưởng rằng linh hồn con người vẫn tồn tại sau khi chết, huống gì là cái xác của HCM chưa được chôn cất hay hủy hoại, và vẫn nằm đó bên cạnh người sống.

Một công thức chung trong các bài điếu văn của các lãnh tụ cộng sản kế thừa ở Liên Xô, Việt Nam, hay Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, khi tổ chức tang lễ cho những lãnh tụ quá cố, đại khái là "Biến đau thương thành hành động cách mạng, tiến lên hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà [Lenin, hay HCM, hay Mao Trạch Đông] đã đề ra...v.v." Điều nầy chứng tỏ là cái chết của các lãnh tụ cũng là cơ hội tốt cho các kẻ kế thừa kêu gọi kéo dài hay duy trì chế độ độc tài CS.

BẤT TỬ HÓA ĐẢNG LAO ĐỘNG: Từ năm 1945, do chính sách tiêu diệt tín ngưỡng, các chốn thờ phượng, chùa chiền, nhà thờ đều bị các lực lượng CS kiếm cách đập phá hay làm nhà ở, kho tàng mà không bảo trì hoặc sửa sang. Các cung điện ở Huế, các thành trì ở các tỉnh trên toàn quốc xây doing thời nhà Nguyễn cũng bị triệt hạ, nên những công trình kiến trúc lớn trong nước hầu như đều hư hỏng. Trước tình trạng chung đó của cả Bắc Việt, lăng HCM nổi lên thành công

67

trình xây cất đồ sộ, kiên cố, vững bền, trang trí đẹp đẽ, lộng lẫy nổi bật giữa thành phố Hà Nội và cả toàn thể Bắc Việt.

Lăng HCM là công trình xây dựng duy nhất ở Hà Nội từ 1954 đến 1975. Mục đích của CS là để cho dân chúng có một ấn tượng sâu sắc về lăng HCM, chỉ còn biết, và nhớ đến lăng HCM, tức là chỉ còn biết và nhớ đến đảng LĐ sau cải danh thành đảng CSVN. Đảng LĐ chủ trương đưa HCM lên hàng anh hùng số 1 của Việt Nam, tên tuổi HCM bất diệt thì những người thừa kế cũng được bất diệt theo, và lăng HCM còn, có nghĩa là tên tuổi đảng LĐ tức đảng CSVN còn.

Tất cả những lý do trên đây khiến Bộ chính trị đảng LĐVN xây lăng đồ sộ cho HCM. Xây lăng đồ sộ cho những lãnh tụ là căn bệnh chung của các nước CS độc tài. Năm 1976, khi Mao Trạch Đông chết, CHNDTH cũng làm y như thế. Đặng Tiểu Bình (Deng Yingchao/Teng Ying-ch’ao) , một lãnh tụ CHNDTH, đã phát biểu: "Trong thập niên 50, Chủ tịch Mao nói rằng khi qua đời, tất cả những đồng chí lãnh tụ Trung Quốc nên được thiêu và chỉ giữ lại tro cốt mà thôi. Không có mộ, không có lăng cho giới lãnh đạo. Sở dĩ có đề nghị nầy là do bài học học được sau cái chết của Stalin, và được cụ thể hóa dưới hình thức một văn kiện. Chủ tịch Mao là người đầu tiên ký vào văn kiện nầy, và nhiều viên chức cao cấp cũng đã ký vào, kể cả tôi. Quả thật, Chu Ân Lai đã được hỏa thiêu cho thấy rằng tài liệu đó vẫn còn tồn tại."(James L. Watson và Evelyn S. Rawski chủ biên, Death Ritual in Late Imperial and Modern China [Tang nghi ở Trung Hoa từ cuối thời quân chủ đến thời hiện đại], California: Nxb. University of California Press, 1988, tr. 256.

Tuy nhiên, tám tháng sau khi Chu Ân Lai (Zhou Enlai / Chou En-lai) từ trần, Mao Trạch Đông (Mao Zedong/Mao Tse-tung) qua đời ngày 9-9-1976, người kế nhiệm họ Mao là Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng/Hua Kuo-feng) và Bộ chính trị đảng CSTH lúc đó, lại không hỏa thiêu họ Mao, mà xây dựng một "Kỷ niệm đường" ở Thiên An Môn (Bắc Kinh) để đặt xác ướp của họ Mao, theo y thuật Trung Hoa chứ không nhờ Liên Xô. (James L. Watson và Evelyn S. Rawski chủ biên, sđd. tr. 278.)

68

Việc CHNDTH gọi ngôi mộ của Mao Trạch Đông là "kỷ niệm đường" xem ra khiêm nhượng hơn chữ "lăng" để chỉ ngôi mộ HCM. Nền văn hóa Trung Hoa trước đây ảnh hưởng lớn đến nước ta, nên Trung Hoa có những từ ngữ gần gũi với Việt Nam hơn các nước Tây Âu.

"Kỷ niệm đường" có tính cách bình dân, phổ quát. Ngược lại "lăng" là biểu hiện của vua chúa phong kiến, xa cách quần chúng. Thiên An Môn ở Bắc Kinh cũng giống Ba Đình ở Hà Nội, nằm ngay tại trung tâm của thủ đô, tức trung tâm đầu não lãnh đạo của đảng CS.

Lúc đó, Hoa Quốc Phong đang rất cần đến uy tín của Mao để duy trì quyền lực, và để đoàn kết tất cả những thành phần chống đối nhau trong trong đảng CSTQ, từ nhóm Tứ nhân bang gồm có vợ của Mao Trạch Đông là Giang Thanh (Jiang Qing/Chiang Ch’ing), Vương Hồng Văn (Wang Hongwen/Wang Hung-wen), Diêu Văn Nguyên (Yao Wenyuan/Yao Wen-yuan), Trương Xuân Kiều (Zhang Chunqiao/Ch’iang Ch’un-ch’iao), đến phe phái của Đặng Tiểu Bình.

Trong khi đó, tại các nước dân chủ tự do, các lãnh tụ qua đời có thể được đưa vào chôn hoặc thờ ở các nghĩa trang quốc gia, tức là nghĩa trang chung của những anh hùng dân tộc, như nghĩa trang Arlington ở Washington D.C. của Hoa Kỳ, hay điện Panthéon (văn giới như Victor Hugo) và điện Invalides (võ giới như Napoléon Bonaparte) ở Paris của Pháp.

Trong tang lễ của các lãnh tụ thế giới tự do, gia đình người quá cố chủ động việc chôn cất với sự phối hợp của chính quyền. Ngược lại, đám tang của các lãnh tụ CS hoàn toàn do nhà cầm quyền cộng sản quyết định, và danh sách các nhân vật trong ban tổ chức tang lễ phản ảnh thứ tự chính trị của họ trong đảng CS và trong chính quyền, cũng giống như tang lễ của các vua chúa. Ngoài ra, cấp bậc của các nhân vật trong ban tổ chức tang lễ CS luôn luôn tương xứng với cấp bậc của người CS quá cố.

Trở lại vấn đề xây dựng lăng HCM, kiến trúc sư Hoàng Như Tiệp, tổng thư ký Hội kiến trúc sư CSVN, đã viết bài gợi ý cho những nhà vẽ mô hình lăng HCM

69

phải đạt những tiêu chuẩn như sau: "Khi chúng ta vào lăng Bác Hồ, chúng ta sẽ

có cảm giác như Người còn sống, và chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ bình an, lặng lẽ và tôn kính giấc ngủ của Bác Hồ..."

Theo ông Tiệp, làn sóng người vào thăm lăng phải tượng trưng cho "sức sống vô tận của Bác Hồ trong trái tim mỗi người và trong dấu ấn bền vững mà Bác đã để lại cho tổ quốc." Tiệp còn cho rằng lăng HCM không nên tạo ra cảm giác buồn tẻ của các tu viện tôn giáo, cũng không nên là nơi hội họp ồn ào của đám đông. Lăng phải vừa trang nghiêm, vừa sinh động. "Khi hoàn thành, lăng Hồ Chủ tịch sẽ là một công trình kỷ niệm lịch sử quan trọng đặc biệt đối với nhân dân ta và bạn bè khắp thế giới, một công trình kỷ niệm phù hợp với sự nghiệp cao cả của Hồ Chủ tịch và thời đại Hồ Chí Minh, thời đại sáng chói nhất trong lịch sử quang vinh của nhân dân ta."(Robert Templer, Shadows and the Wind: A View of Modern VietNam [Bóng và gió: một thoáng nhìn nước Việt Nam mới],New York: Nxb. Penguin Books, 1999, tt. 41, 42. Người viết dịch lại theo văn bản tiếng Anh.)

Uỷ ban xây dựng lăng HCM gồm đại diện Bộ Xây dựng và Bộ Quốc phòng được thành lập do Đỗ Mười, lúc đó là Uỷ viên Trung ương đảng, làm chủ tịch.(Thông tấn xã Việt Nam, Việt Nam tạp chí, bản Anh ngữ, Hà Nội, số 204/1975, tt. 14-17.

Uỷ ban nầy đã nghiên cứu nhiều kiểu mẫu kiến trúc lưu niệm như Kim tự tháp Ai cập, Đền Victor Emmanuel ở Rome, Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington D.C. và lăng Lenin ở Moscow. Những dự án kiến trúc đề nghị được Bộ chính trị đưa ra trưng bày trên toàn quốc để hỏi ý kiến công chúng.

Tại sao những vấn đề chính trị quan trọng không hỏi ý kiến dân chúng mà chỉ hỏi mẩu lăng HCM? Tháng 12-1971, Bộ chính trị quyết định lần chót đồ án xây cất, và công cuộc xây lăng bắt đầu một thời gian ngắn sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973). (William J. Duiker, sđd. tt. 565-566.)

Lăng HCM được xây dựng tại khu vực Quảng trường Ba Đình, gần vườn Bách thảo, phía trước Phủ Chủ tịch (nước VNDCCH). Phủ Chủ tịch vốn là dinh Toàn

70

quyền Đông Dương thời Pháp thuộc, được xây dựng vào năm 1906. Phía trước Phủ Toàn quyền là bãi Cột cờ Pháp thường được gọi là Rond-point Puginier, nơi người Pháp tổ chức những lễ lớn hằng năm, và tổ chức duyệt binh trên con đường

trước Phủ Toàn quyền. Vào tháng 8-1945, dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, Rond-point Puginier được đổi tên là quảng trường Ba Đình.(Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A, sđd. tr. 256.) Chính tại quảng trường bãi Cột cờ nầy, vào ngày 2-9-1945, khi cướp được chính quyền, HCM đã làm lễ đọc tuyên bố mà CS gọi là bản Tuyên ngôn độc lập.

Đồ án lăng HCM được Bộ chính trị đảng LĐ chọn lựa do người Liên Xô vẽ kiểu, đứng cao lên giữa Hà Nội, được giải thích là hình ảnh một đóa hoa sen nhô cao lên mặt nước, theo kiểu dáng một ngôi chùa gần đó, chùa Một Cột, được xây dựng vào thế kỷ 11. Thật ra, ai cũng thấy lăng HCM hoàn toàn giống như lăng Lenin ở Công trường Đỏ tại Moscow. Liên Xô cử người sang làm tổng công trình sư, điều khiển tiến trình thiết kế thi công, và chỉ để cho phía Bắc Việt cung cấp nhân công và vật liệu mà thôi.

Công trình xây cất kéo dài hơn 2 năm, tập trung tất cả những vật liệu quý hiếm khắp nơi trong nước, như gỗ quý từ lâm viên Quốc gia Cúc Phương, những vật tư quý hiếm ở các tỉnh miền Nam đang có chiến tranh, như đá cẩm thạch Non Nước, Đà Nẵng,(William J. Duiker, sđd. tr. 566) và đặc biệt sử dụng cả những khối đá lớn chở qua từ Crimée, phía tây nam Liên Xô.

Lăng HCM được khánh thành ngày 29-8-1975,(19) mở đầu tuần lễ mừng chiến thắng miền Nam sau khi cộng sản Bắc Việt tràn quân cưỡng chiếm miền Nam tháng 4-1975, mừng quốc khánh của cộng sản (2-9) và kỷ niệm ngày chết của HCM theo chủ trương ban đầu là 3-9.

Lúc đó, đây là tòa nhà công cộng duy nhất ở Bắc Việt được điều hòa không khí. Cần chú ý thêm là lăng Lenin nằm bên cạnh điện Kremlin, kỷ niệm đường Mao Trạch Đông nằm ở Thiên An Môn, tức là cả hai đều nằm trong một quần thể kiến trúc của khu vực (điện Kremlin và Thiên An Môn) và trong tổng thể kiến trúc của hai thành phố lớn (Moscow và Bắc Kinh), nên không nổi bật như lăng

71

HCM, đứng sừng sững đơn độc cao ngất trước và trên Phủ chủ tịch, ngự trị một cách oai vệ vùng trung tâm thành phố Hà Nội.

Trước năm 1954, tại Hà Nội có các dinh cơ lớn là Phủ Toàn quyền Đông Dương,

Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Đông Dương ngân hàng, Tòa án Hà Nội, Nhà Hát lớn Hà Nội, và Đông Dương Đại học xá. Lăng HCM là công trình xây cất mới duy nhất ở Hà Nội trong suốt 20 năm cầm quyền của đảng LĐ ở Bắc Việt. Từ năm 1954 đến 1975, toàn bộ thành phố, đường sá, nhà cửa, kể cả nhà cửa tư nhân ở Hà Nội đều vẫn như cũ. Không xây nhà cho dân chúng hoặc công trình tiện ích xã hội, mà đảng LĐ lại tập trung tài vật toàn quốc xây một nhà mồ ướp xác như các hoàng đế Ai Cập cổ xưa xây Kim tự tháp. Điều nầy cho thấy quan niệm của CS chỉ là "Trung với đảng, hiếu với lãnh tụ".

Trước khi lăng HCM ra mắt công chúng, đảng LĐ ra lệnh cho toàn thể các tỉnh khắp nước gởi về các loại cây cối, bông hoa quý hiếm trồng chung quanh lăng để tạo phong cảnh thiên nhiên Việt Nam.

Lăng HCM, ngay khi mới khánh thành, đã bị nhiều người ở Bắc Việt lúc đó phê bình về nhiều điểm:

* Trước hết, người ta nói rằng đảng LĐ, đổi tên thành đảng CS năm 1976, đã vi phạm di chúc của HCM. Hồ Chí Minh muốn thiêu xác sau khi chết, chứ không phải ướp xác trưng bày trong lăng.

* Mô hình lăng có tính cách ngoại lai theo kiểu vua chúa ở Âu châu chứ không mang những đặc tính Việt Nam. Điều nầy không lấy gì làm lạ vì người Liên Xô vẽ kiểu theo mẫu lăng Lenin ở Công trường Đỏ tại Moscow, Liên Xô. Đương nhiên, người Liên Xô muốn chứng tỏ ưu thế chính trị và văn hóa của họ ở Bắc Việt nên đã xây lăng HCM theo mô thức lăng Lenin ở Moscow.

Trong di chúc, HCM dự định sau khi chết, ông sẽ đi gặp Karl Marx, Lenin chứ không nghĩ đến chuyện đi gặp tổ tiên tộc họ nhà ông, hoặc gặp Quốc tổ Hùng Vương.

72

Nay Bộ chính trị lại xây lăng HCM theo mô hình lăng Lenin, chứ không mang đặc tính kiến trúc dân tộc. Cả hai điều nầy cho thấy HCM và lãnh đạo đảng LĐ chỉ trung thành với các lãnh tụ của CS quốc tế. Đây là bằng chứng không thể chối cãi, cho đến khi chết, HCM và cả các đệ tử của ông chỉ là những người CS quốc tế chứ không phải là những người theo chủ nghĩa dân tộc.

* Ngay từ đầu, đảng LĐ gọi ngôi mộ của HCM là lăng. Trong tiếng Việt, "lăng”, hay “lăng miếu, lăng mộ, lăng tẩm" là những từ ngữ để gọi các ngôi mộ của vua chúa hay các đại quan thời quân chủ (ví dụ lăng Gia Long, lăng Ông tức lăng Lê Văn Duyệt...)ï, trong khi chế độ CS luôn luôn tự cho là dân chủ, hô hào chống lại nền quân chủ phong kiến, lại gọi mộ HCM là lăng.

Đảng LĐ xây lăng HCM quá đồ sộ trong lúc dân tình đói khổ, nhà cửa cũ kỹ xơ xác, nghèo khổ. Sự tương phản lớn lao nầy ngay tại thủ đô Hà Nội tạo ra một hình ảnh xã hội cách biệt sâu rộng giữa người cầm quyền và dân chúng dưới chế độ CS. Nhà cầm quyền CS lại còn bắt dân chúng cung phụng những gì quý hiếm ở các địa phương, đưa về trang trí lăng HCM, không khác gì các vua chúa ngày xưa đòi các địa phương phải đem phẩm vật tiến triều.

Năm 1989, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết một truyện ngắn tựa đề là "Vàng lửa", hư cấu một vài sinh hoạt cũng như đặc tính của vua Gia Long (trị vì 1802-1819), và ông kết luận: "Triều Nguyễn của vua Gia Long lập ra là một triều đại tệ hại. Chỉ xin lưu ý bạn đọc đây là triều đại để lại nhiều lăng."(Nguyễn Huy Thiệp, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn), Hà Nội: Nxb. Văn Hóa, 1989, truyện ngắn "Vàng lửa", tt. 169-178.)

Ngoài những lời lẽ trong truyện ngắn nầy làm cho người đọc liên tưởng đến HCM, tuy chê triều Nguyễn là “một triều đại tệ hại”, tại sao Nguyễn Huy Thiệp không lưu ý việc gì, mà lại chỉ xin lưu ý chuyện để lại nhiều lăng? Phải chăng câu văn cuối cùng của truyện ngắn trên là một ẩn dụ hết sức kín đáo của nhà văn, để mai mỉa đảng LĐ và HCM cũng xây lăng giống như vua Gia Long thời quân chủ mà CS đã hết lời đả kích triều đại nầy?

73

Trước đây, có câu ca dao lịch sử mà cộng sản thường truyền bá để chê bai việc xây lăng của vua Tự Đức (trị vì 1847-1883):

"Vạn Niên là Vạn Niên nào,

Thành xây xương lính, hào đào máu dân."

Nay dân chúng ngoài Bắc thêm vào hai câu để chỉ lăng HCM:

"Ba Đình còn gấp chục lần,

Dân đen gãy cổ, mát thân cụ Hồ.”

Sau năm 1975, khi cán bộ cộng sản Đà Nẵng kể công rằng đá cẩm thạch lấy từ núi Non Nước gần Đà Nẵng đã được tải ra Bắc trong thời gian chiến tranh để xây lăng "Bác", thì người viết được nghe dân chúng truyền miệng hai câu nầy, nói là xuất phát từ Hà Nội.

Đề cập đến lăng triều Nguyễn, có lẽ chúng ta cần chú ý: theo quan niệm quân chủ Đông phương, vua là con Trời (Thiên tử), chẳng những nắm thế quyền, mà nhà vua nắm luôn cả thần quyền, có thể phong tước cho thần linh. Vua tượng trưng cho Trời đất và cả dân chúng, cho nên lăng mộ nhà vua phải tương xứng với chức năng thay Trời trị nước của nhà vua. Lăng của các vua triều Nguyễn đẹp phần lớn nhờ nằm trong vùng đồi núi hùng vĩ hơn là nhờ công trình xây cất nhân tạo. Lăng Gia Long, người khai sáng triều đại nhà Nguyễn, rất đơn sơ; còn lăng của các vua khác cũng chẳng xa hoa so với lăng tẩm vua chúa Trung Hoa, hoặc so sánh ngay với lăng HCM.

Lăng của các vua nhà Nguyễn là nơi để yên nghỉ tĩnh lặng, kín đáo, hòa đồng với thiên nhiên, chứ không phải là nơi để triển lãm xác chết như lăng HCM. Trong ngôi mộ ở Ba Đình, xác của HCM được đặt nằm trong một cái hòm trong suốt bằng kính, trong phòng điều hòa không khí, để người ta đến thăm viếng.

Một khi lăng các vua được xây xong, tang lễ hoàn tất, chỉ có các bà vợ vua vào đó ẩn cư, sống cuộc đời khổ hạnh, thủ tiết thờ chồng và không phiền lụy đến dân gian.

74

Ngược lại, việc tổ chức và duy trì lực lượng quân sự để bảo vệ lăng HCM hao tốn một ngân quỹ nhà nước hết sức lớn lao hằng năm, từ 1969 cho đến nay. Báo chí hải ngoại ước tính trung bình mỗi năm việc bảo trì xác ướp và bảo vệ lăng HCM tốn kém trên một trăm ngàn Mỹ kim.(Viet Báo Online, Orange County, California, ngày 22-5-2001.)

Tuy nhiên theo một đảng viên trong nước tiết lộ thì số tốn phí mỗi năm cao hơn, lên đến khoảng bảy triệu Mỹ kim mỗi năm,(Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, “Thư ngỏ gởi Đ/c Tổng bí thư Nông Đức Mạnh”, TpHCM ngày 7-5-2001. (Tài liệu Internet, http://www.conong.com tháng 6-2001.) Điều nầy thể do tính chung cả việc bảo trì xác ướp và bảo vệ lăng.

Tư lệnh quân đội bảo vệ lăng là một sĩ quan cấp tướng, với ít nhất hai tiểu đoàn chính quy, và không biết bao nhiêu cảnh sát vừa nổi vừa chìm đứng gác.

Sinh hoạt của lăng nầy tiêu thụ một lượng điện và nước tiêu dùng bằng một quận lớn ở thành phố, trong khi dân chúng thiếu thốn điện nước trong sinh hoạt hằng ngày. Dân chúng phải đóng thuế để đài thọ số tiền tốn kém lớn lao nầy, và càng đóng thuế nhiều thì càng oán thán nhiều.

Để quảng cáo cho lăng HCM, nhà nước CS ra lệnh các trường học và các địa phương phải tổ chức những cuộc đi thăm lăng "bác". Có khi ít người thăm viếng lăng nầy, ban Bảo vệ lăng có sáng kiến tặng quà cho những ai chịu khó sắp hàng vào thăm lăng.

Tưởng cũng nên thêm ở đây, khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, ở Hà Nội việc duy trì xác ướp HCM gặp khó khăn cả về kỹ thuật lẫn tài chánh. Người ta đã nghĩ đến việc thiêu xác ông ta. Để mở đầu thăm dò dư luận, báo Tuổi Trẻ Thành phố HCM (tức Sài Gòn) được cho đăng lá thư bằng chữ Nho của HCM gởi cho vợ là bà Tăng Tuyết Minh. Tuy nhiên, ngay sau đó, do nhu cầu chính trị cần nêu cao "tư tưởng Hồ Chí Minh" để bổ túc vào hệ tư tưởng Mác-Lê đang bế tắc vì sự sụp đổ của Liên Xô, nên HCM vẫn còn được nằm trong ngôi mộ đồ sộ ở Hà Nội, với sự cố vấn của các chuyên gia Nga.

75

Hiện nay, tại Hà Nội, dư luận đồn rằng việc bảo trì không được tốt, nên xác ông Hồ đã bị hư thối, và dư luận cũng cho rằng cái xác trong lồng kính hiện đặt ở Ba Đình chỉ là hình nộm bằng sáp hóa học mà thôi.(Robert Templer, sđd. tr. 43.)

Nhắm mục đích vinh danh sự thừa kế, sùng bái cá nhân và duy trì chế độ độc tài đảng trị, Bộ chính trị đảng LĐ đã phản lại di chúc HCM, quyết định xây lăng cho ông ta và xem lăng nầy là một quốc bảo. Việc tổ chức mời các khách quý nước ngoài đến thăm lăng khi họ có dịp đến Việt Nam trở thành thông lệ ngoại giao. Hai quốc gia có nhiều liên hệ văn hóa, lịch sử, chính trị với Việt Nam trong giai đoạn cận và hiện đại là Pháp và Hoa Kỳ, nhưng tổng thống hai nước nầy khi đến Hà Nội đều không vào thăm lăng HCM.

Cả Pháp lẫn Hoa Kỳ đều có những viện nghiên cứu về Việt Nam, những học giả, những chuyên gia uyên thâm về Việt Nam, thông biết rất đầy đủ lịch sử, văn chương, chính trị, kinh tế Việt Nam.

Chắc chắn các chuyên viên của hai nước nầy đã có những đánh giá riêng như thế nào về HCM, và lăng HCM, nên tổng thống Pháp, François Mitterand, đến Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 27-6-1993, và tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton, đến Việt Nam từ 16 đến 18-11-2000, đều không vào lăng viếng HCM, tức không theo thông lệ ngoại giao cho các quốc khách nước ngoài đến thăm viếng Hà Nội.

Trong khi đó, cả hai ông đều vào thăm Văn Miếu Hà Nội, nơi tụ khí anh linh văn hóa cổ truyền dân tộc Việt Nam do vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072) lập ra năm 1070 (canh tuất).

VĂN MIẾU HÀ NỘI

Tổng thống Pháp, François Mitterand, đến Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 27-6-1993, và tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton, đến Việt Nam từ 16 đến 18-11-2000, đều không vào lăng HCM. Cả hai ông đều vào thăm Văn Miếu Hà Nội, nơi tụ khí anh linh văn hóa cổ truyền dân tộc Việt Nam do vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072) lập ra năm 1070 (canh tuất).

76

 

           VĂN MIẾU HÀ NỘI

 

Tổng thống Pháp, François Mitterand, đến Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 27-6-1993, và tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton, đến Việt Nam từ 16 đến 18-11-2000, đều không vào lăng HCM. Cả hai ông đều vào thăm Văn Miếu Hà Nội, nơi tụ khí anh linh văn hóa cổ truyền dân tộc Việt Nam do vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072) lập ra năm 1070 (canh tuất).

 

 

 

 

Chương 8

HUYỀN THOẠI DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI

 

Như trên đã viết, đảngCSVN đã sáng tạo huyền thoại “tư tưởng Hồ Chí Minh” để bổ túc cho hệ tư tưởng Mác-Lê đã bị loại bỏ từ sau sự sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô vào đầu thập niên 90. Muốn cho “tư tưởng Hồ Chí Minh” tăng phần giá trị, CSVN tuyên truyền rằng HCM được UNESCO vinh danh là một “danh nhân văn hóa thế giới”.(Phan Văn và Nguyễn Huy Chương, Nhập môn Khoa học Thư viện Thông tin, Hà Nội: Trung tâm Thông tin Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tr. 21.)

Trong bản tin bằng Anh ngữ ngày 12-5-2005, báo điện tử VietNam News của CSVN đã loan báo rằng tại Hà Nội vào ngày thứ Hai, 9-5-2005, diễn ra cuộc hội thảo về “tư tưởng Hồ Chí Minh” nhân lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 115 của HCM, do trường Đại học Văn khoa và Bộ Văn hóa và Thông tin tổ chức. Theo báo nầy, những người tham dự là những giáo sư, những nhà nghiên cứu, đều “ca tụng Hồ Chí Minh, người được UNESCO thừa nhận là một nhà văn hóa thế giới...”(VietNam News (12-05-2005), “Seminar focuses on Ho Chi Minh’s Ideas”. (http://vienamnews.vnnet.vn/showarticle.php?num=05SOC120505).

Sự thật, HCM chưa bao giờ được UNESCO thừa nhận là một “danh nhân văn hóa thế giới”. Xin hãy trở lại từ đầu câu chuyện nầy, bắt đầu từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization, viết tắt là UNESCO).

Tổ chức UNESCO, trụ sở đặt tại Paris, hằng năm có thông lệ nhắc nhở sinh nhật thứ 100 của các vĩ nhân các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Vào năm 1987, phái đoàn Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), nhân được luân phiên tham gia vào ban Chấp hành Tiểu ban Văn hóa UNESCO, đã đề cử

HCM, lãnh tụ sáng lập đảng CSVN, vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới”, nhân dịp 100 năm sinh niên của HCM (1990).(Nghiêm Văn Thạch, tài liệu đưa lên Internet ngày 4-1-2005, và tài liệu Phan Văn Song đưa lên Internet vào cuối tháng 5-2005.

77

Theo Bùi Tín, bài đưa lên Internet và các báo đăng lại vào tháng 8-2005, thì thư đề nghị do bộ trưởng cộng sản Võ Đông Giang, chủ tịch UNESCO của Việt Nam, ký ngày 14-7-1987.)

Theo sách Records of the General Conference [Tổng kết Đại hội đồng] của Hội nghị khóa 24 của UNESCO diễn ra tại Paris từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987, tập 1 (bằng Anh ngữ, 215 trang), chủ đề “Resolutions” [Quyết nghị], phần B là “General programme activities” [Chương trình hoạt động tổng quát], mục 18 là “External relations and public information” [Quan hệ ngoại vi và thông tin cộng cộng], tiểu mục 18.65 ghi nhận việc đề cử vinh danh HCM vào năm 1990 (trang 134-135), kết thúc như sau:

Yêu cầu ông Tổng giám đốc UNESCO thực hiện những giai đoạn thích hợp để kỷ niệm một trăm năm sinh niên chủ tịch Hồ Chí Minh, và yểm trợ những hoạt động tưởng niệm trong dịp nầy, đặc biệt những hoạt động tại Việt Nam.”(Nguyên văn Anh ngữ:“Requests the Director-General of UNESCO to take appropriate steps to celebrate the centenary of the birth of President Ho Chi Minh and to lend his support to commemorative activities organized on that occasion, in particular those taking place in Viet Nam.” (Để truy tìm các quyết nghị của UNESO, xin vào: http://unesdoc.unesco.org/ulis/cfgdoc_25c.html, tại khung “Simple search”, điền chữ “Resolutions”, gõ vào “Go”, ra kết quả. Muốn xem riêng quyết nghị năm 1987, xin kéo xuống “UNESCO. General Conference; 24th; 1987.”)

Ngoài HCM, trong danh sách được đề nghị vinh danh năm 1990 còn có các nhân vật: Phya Anuaman Rajadhon (Thái Lan), Thomas Munzer (Đức), Anton Semionovitch Makarenko (Liên Xô), Jawaharlal Nerhu (Ấn Độ) và Sinan (Thổ Nhĩ Kỳ). (UNESCO, sđd., phần “Mục lục”, tr. VII.) Lời tuyên dương tất cả các nhân vật được đề cử, kể cả HCM, do nhà cầm quyền các nước liên hệ soạn trình. Sau khi được Tiểu ban Văn hóa chấp thuận, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua đề nghị trên mà không thảo luận. Lúc đó, Tổng giám đốc UNESCO là Amadou-Mahtar M’Bow, người nước Senegal (Tây Phi Châu). Ông M’Bow giữ chức vụ nầy hai nhiệm kỳ liên tiếp từ 1974 đến 1987, nhờ sự hậu thuẫn của Liên Xô, các nước CS và các nước Á Phi chống đối Hoa Kỳ.

78

Quyết định đề cử HCM vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới” bị cộng đồng người Việt hải ngoại phản đối khắp nơi trên thế giới. Tại Paris, nơi đặt trụ sở của UNESCO, Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh được thành lập, do ông Nguyễn Văn Trần làm Tổng thư ký. Uỷ ban nầy đã hoạt động tích cực như sau:

1) Vận động người Việt và báo chí Việt ngữ ở hải ngoại (Bắc Mỹ, Úc Châu, Âu Châu, Nhật Bản) viết thư cho UNESCO vạch trần tội ác của HCM và chế độ CS trong nước, đồng thời phản đối việc đề cử HCM vào danh sách danh nhân văn hóa thế giới.

Ý kiến phản đối lên đến khoảng 20,000 thư, đều được Giám đốc phụ trách vùng Đông Nam Á của UNESCO chuyển cho Đại diện của Hà Nội tại UNESCO. Ngoài ra, có người còn viết sách tố cáo HCM đã ăn cắp thơ của người khác làm thơ của mình trong tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). (Lê Hữu Mục, Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký”, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Canada, 1990.)

2) Liên lạc và kêu gọi Uỷ Ban Tương Trợ Việt-Miên-Lào và Hội Người Pháp Đông Dương (ANAI: Association Nationale des Anciens D’Indochine) gồm gia đình Pháp kiều, cựu quân nhân Pháp phục vụ tại ba nước Đông Dương, lên tiếng tố cáo HCM và đảng CSVN đã vi phạm nhân quyền đối với tù binh Pháp sau chiến tranh Đông Dương. Lúc đó, một học giả Pháp nổi tiếng là Jean-François Revel, tác giả các sách: Ni Marx ni Jesus (1970), La tentation totalitaire (1976), Comment les démocraties finissent (1983), khi nghe tin UNESCO dự tính vinh danh HCM đã viết một bài báo vào đầu năm 1990, nói rõ HCM đã lợi dụng ước mơ tự do để nô lệ hóa dân chúng, và cho rằng “đây là một trường hợp phạm tội gia trọng, một vụ ăn cắp, một vụ lừa bịp không hơn kém...”(Bản dịch đăng trên nguyệt san Thế Kỷ 21, Garden Grove, California, số 120, tháng 4-1999, tt. 31-32.)

3) Liên hệ với Thị xã Paris và một số dân biểu, nghị sĩ Pháp để đề nghị họ đưa vấn đề ra trước Quốc hội Pháp, nhắm yêu cầu chính phủ Pháp có ý kiến với UNESCO về đề nghị vinh danh HCM, vì trụ sở của tổ chức nầy đặt tại Paris.

79

Trong khi cuộc vận động đang diễn tiến, thì vào cuối thập niên 80, có ba sự kiện quan trọng xảy ra:

1) Trong nội bộ UNESCO, tổng giám đốc Amadou-Mahtar M’Bow thôi giữ chức tổng giám đốc, và Frederico Mayor Zaragoza, nhân sĩ Tây Ban Nha, đắc cử chức tổng giám đốc. (Frederico Mayor Zaragoza làm tổng giám đốc từ 1987 đến 1999). Ông không ủng hộ nhóm thiên tả, và không ủng hộ việc đề cử HCM vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới”. Ông Mayor tuyên bố không thể hủy bỏ quyết nghị năm 1987 vì chỉ có Đại hội đồng của UNESCO mới có quyền nầy, nhưng ông cũng cho biết UNESCO sẽ không tổ chức lễ vinh danh HCM. Thực tế là ngân khoản năm 1990 do tổng giám đốc Mayor soạn thảo không có ngân khoản cho công việc nầy. Hồ sơ lưu trữ về những hoạt động trong hai năm 1990, 1991 của UNESCO hoàn toàn không đề cập gì đến việc vinh danh HCM. (Đại hội đồng UNESCO được triệu tập hai năm một lần, nên hai năm mới có một bản tổng kết sinh hoạt UNESCO. (1986-1987, 1988-1989, 1990-1991).

Tại Việt Nam, số người vượt biên càng ngày càng cao. Từ năm 1975 đến năm 1989 (trước thời điểm Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ ra lệnh khóa sổ các trại tỵ nạn, không nhận người vượt biên), số người vượt biên đến được nơi tạm dung lên đến khoảng 900,000 người, không kể số người tử nạn trên đường vượt biên.(Theo thống kê do Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đưa ra năm 2000, nhật báo Người Việt Online, ngày 1-4-2005.)

3) Các nước CS Đông Âu bắt đầu lung lay và sụp đổ từ cuối năm 1989 đầu năm 1990.

Cuộc vận động của Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh, phản ứng của Cộng đồng người Việt khắp thế giới, và ba sự kiện quan trọng trên đây, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến UNESCO và cuối cùng UNESCO quyết định không thi hành việc đề cử HCM vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới”. UNESCO cũng thông báo cho nhà cầm quyền Hà Nội biết, đại để như sau:

- UNESCO không tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh niên của HCM tại Paris, cũng thư tại Hà Nội.

 

80

 

- Thuận cho Tòa Đại sứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở Paris thuê một phòng tại trụ sở UNESCO để tự tổ chức, nhưng UNESCO không cử đại diện tham dự lễ.

 

- Trong buổi lễ, ban Tổ chức không được tuyên truyền rằng UNESCO đã đề cao HCM là danh nhân văn hóa thế giới, không được treo ảnh HCM trong hội trường.

 

- Thiệp mời chỉ được ghi là “tham dự buổi văn nghệ”.

 

Tuy UNESCO quy định như vậy, nhưng tòa Đại sứ CHXHCNVN vẫn lén lút làm giấy mời có nội dung vinh danh HCM để gởi cho người Việt, còn in 100 giấy mời chính thức đề là “tham dự buổi văn nghệ” để gởi người ngoại quốc, nhắm tránh bị UNESCO khiển trách.

Sau khi UNESCO quyết định như trên, tòa Đại sứ CHXHCNVN tại Paris thuê một phòng tại trụ sở UNESCO ở Paris để tổ chức buổi trình diễn văn nghệ vào trưa ngày 12-5-1989, đúng một tuần lễ trước sinh nhật của HCM.(Bác sĩ Nguyễn Ngọc Qùy, một nhà hoạt động chính trị kỳ cựu tại Paris, nói chuyện trước Cộng đồng Việt Nam tại Montréal, vào ngày Chủ nhật 25-4-2004.)

Buổi trình diễn văn nghệ nầy, quy tụ khoảng 70 người hiện diện, bao gồm cả ban tổ chức và nhóm “Việt kiều Yêu nước” là tổ chức do CSVN lập ra. UNESCO và Pháp không cử đại diện đến dự. Chỉ có các nước CS gởi người đến tham dự là Cuba, Bắc Hàn, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Lào và Cambodia. Trong buổi trình diễn văn nghệ nầy, Đại sứ CHXHCNVN tại Pháp là Phạm Bình không đọc diễn văn, mà chỉ có Nguyễn Kinh Tài, đại diện CHXHCNVN tại UNESCO đọc bài viết ngắn về ý nghĩa buổi lễ, ca tụng sự nghiệp của HCM, nhưng theo đúng tinh thần quyết định sau cùng của UNESCO, là không đề cập gì đến vấn đề danh nhân văn hóa thế giới.

Tòa Đại sứ CSVN lập kế hoạch tổ chức trình diễn văn nghệ kỷ niệm lãnh tụ của họ vào buổi trưa ngày 12-9, đúng một tuần lễ trước ngày sinh của HCM, nhắm

81

tạo bất ngờ để tránh bị biểu tình phản đối, nhưng Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá (mới được thành lập nên không là thành viên của Uỷ ban Tố cáo Tội ác Hồ Chí Minh), đã kịp thời tổ chức một cuộc biểu tình phản kháng gồm khoảng trên 100 người Việt, tại công trường Fontenoy, gần trụ sở UNESCO.

Đại diện của đoàn biểu tình là các ông Trần Văn Tòng, Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá, cùng với học giả Oliver Todd, thành viên sáng lập UBQTTVB và bà Anne Marie Goussard, Tổng thư ký Hội Quốc tế Nhân quyền, đến gặp ban Giám đốc UNESCO để hỏi rõ mục đích và ý nghĩa của buổi sinh hoạt văn nghệ do CSVN tổ chức tại một phòng họp của UNESCO. Ban Giám đốc UNESCO xác nhận với phái đoàn Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá rằng, đây là buổi văn nghệ do Tòa Đại sứ CHXHCNVN tại Pháp tổ chức, chứ không phải là lễ vinh danh HCM của UNESCO.

Sau khi ban Giám đốc UNESCO xác nhận như trên, trong cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá tại trung tâm Maubert Mutualité (Paris 5ème) vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày 12-5-1989, học giả Oliver Todd đã lên diễn đàn tường trình lại cuộc tiếp xúc với Ban Giám đốc UNESCO.

Trong khi tường trình, ít nhất Oliver Todd đã hai lần nói rõ rằng Ban Giám đốc UNESCO xác nhận rằng UNESCO không tổ chức vinh danh HCM, và cũng cho biết buổi trình diễn văn nghệ nhân kỷ niệm một trăm năm sinh niên HCM vào chiều hôm đó, là do sáng kiến của Tòa Đại sứ CHXHCNVN mà thôi.

Cũng cần ghi nhận thêm, Bùi Tín, lúc còn là đại tá Bộ đội CSVN, đã có mặt trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của HCM, do CSVN tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 19-5-1990, cho biết không có đại diện của UNESCO đến dự (Bùi Tín, bài báo đã dẫn), nghĩa là UNESCO cũng chẳng yểm trợ cho CSVN tổ chức lễ kỷ niệm HCM ngay tại Việt Nam.

Sự kiện UNESCO không tổ chức lễ vinh danh HCM là danh nhân văn hóa thế giới, là thành quả của những vận động của cộng đồng Việt Nam hải ngoại và nhất là Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh tại Paris.

82

Điều nầy cho thấy cộng đồng người Việt hải ngoại là một đối lực chính trị quan trọng đối với chế độ cộng sản hiện nay ở trong nước. Chỉ tiếc là sau khi thành công trong việc vận động UNESCO không thi hành việc vinh danh HCM, cộng đồng người Việt hải ngoại và Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh không trình thuật toàn bộ nội vụ và kết quả, thật rõ ràng và thật rộng rãi trên khắp thế giới, để tránh việc tuyên truyền mờ ám và đánh lận con đen của CSVN.

Như thế, tổ chức UNESCO chưa bao giờ vinh danh HCM là danh nhân văn hóa thế giới. Đó là sự thật của câu chuyện được các người tham dự tại chỗ kể lại và được các tài liệu của UNESCO ghi nhận. Nếu ai chưa tin, thì có thể liên lạc thẳng với những người trong cuộc, đã từng chứng kiến tại chỗ việc nầy, hiện còn sống ở Paris để hỏi cho rõ.

Ngoài ra, hồ sơ của UNESCO vẫn còn đó, rộng mở cho tất cả những nhà nghiên cứu, kể cả những nhà nghiên cứu CHXHCNVN. Thời đại nầy là thời đại khoa học thông tin tiến bộ, mọi dữ kiện đều được ghi nhận cụ thể, nên mọi người có thể sưu tra dễ dàng trong các văn khố, nhất là những nguồn tin không thuộc loại bí mật quốc gia như việc vinh danh một nhà hoạt động chính trị, chẳng cần gì phải để thời hạn lâu ngày mới công bố.

Nói thêm cho rõ: Nếu UNESCO quả thật có vinh danh ông HCM, thì phải có văn bản vinh danh cụ thể, chứ không phải bằng lời nói suông.

Trong trường hợp đó, chắc chắn nhà nước CHXHCNVN sẽ tổ chức lễ tiếp nhận văn bản vinh danh rất long trọng, chứ không im tiếng như lâu nay, và chắc chắn

nhà cầm quyền CHXHCNVN sẽ làm ảnh sao (photocopy) văn bản nầy, công bố lên khắp mạng lưới thông tin toàn cầu để thu phục lòng người khắp trên thế giới. Hơn nữa, ảnh sao nầy sẽ được treo khắp hang cùng ngõ hẻm tại Việt Nam, kể cả bắt treo kèm với hình HCM tại nhà của mỗi người dân. Người Việt Nam còn nhớ rõ, mỗi khi một di tích ở Việt Nam được UNESCO thừa nhận là di sản văn hóa thế giới như Mỹ Sơn (Quảng Nam), cổ thành Huế, Vịnh Hạ Long..., nhà nước CHXHCNVN đã làm lễ đón nhận sắc bằng của UNESCO ồn ào cờ trống suốt cả tháng trời, quảng cáo khắp thế giới, huống gì là chuyện HCM.

83

 

Chương 9

PHẢI CHĂNG NGUYỄN ÁI QUỐC MUỐN LÀM RỂ

HÙM THIÊNG YÊN THẾ HOÀNG HOA THÁM?

 

Ngày 30-7-1909, Pháp cử Lê Hoan, tổng đốc Hải Dương, làm Khâm sai, cầm quân Việt cùng quân Pháp tấn công căn cứ của Đề Thám tức Hùm Thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Yên Thế nằm ở tây-bắc tỉnh Bắc Giang ngày nay. Lê Hoan ngăn chận những nguồn tiếp liệu của Đề Thám, trừng phạt thật nặng những làng nào tình nghi chứa chấp hay yểm trợ cho Đề Thám, nên dần dần dân chúng giảm việc giúp đỡ Đề Thám.

Đề Thám rút lên gần Tam Đảo giữa Vĩnh Yên và Thái Nguyên. Một trận đụng độ lớn xảy ra ngày 5-10-1909 tại núi Lang, gần Tam Đảo. Quân Pháp chết 7 người, bị thương 21 người. Quân Lê Hoan thiệt mạng 9 người, bị thương 10 người. Đề Thám chỉ còn khoảng 20 quân. Cả Rinh và Đội Sơn, hai thủ hạ thân cận của Đề Thám đầu hàng Lê Hoan.

Ngày 30-11-1909, bà Ba Nhu, tức bà vợ thứ ba của Đề Thám, cùng con gái là Hoàng Thị Thế, bị bắt. Trước đây, các tài liệu đều ghi rằng bà tên là Đặng Thị Nhu, vợ thứ ba của Hoàng Hoa Thám và là một tướng lãnh giỏi của nghĩa quân Yên Thế, giúp chồng rất đắc lực.

Quân Pháp tiếp tục đeo bám Đề Thám hết sức gắt gao, nhưng vẫn không bắt được Hùm Thiêng Yên Thế. Ông ẩn hiện khắp nơi vùng Yên Thế thượng và Yên Thế hạ, giữa Thái Nguyên, Nhã Nam và Phủ Lạng Thương. Pháp không biết cách nào bắt cho được Đề Thám, liền nhờ đến Lương Tam Kỳ.

Lương Tam Kỳ là một dư dảng của Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Hoa, tràn sang nước ta làm thổ phỉ. Sau hòa ước Thiên Tân lần thứ hai ngày 9-6-1885 giữa Pháp và Trung Hoa về vấn đề Việt Nam, quân Trung Hoa rút về nước, Lương Tam Kỳ ở lại hoạt động vùng Chợ Chu (bắc Thái Nguyên), xuống tới Tam Đảo (giữa Thái Nguyên và Phúc Yên).

84

Năm 1889, Pháp đem quân tấn công. Lương Tam Kỳ xin hàng với điều kiện được chia đất cai trị và được trả lương. Phủ toàn quyền Pháp đồng ý, giao cho Lương Tam Kỳ cai quản 4 tổng gần Chợ Chu và 42,000 đồng Đông Dương một năm. Lương Tam Kỳ ở yên trong 4 tổng đó và quân Pháp cũng không được vào 4 tổng đó. Lương Tam Kỳ giữ đúng lời hứa cho đến khi chết già.

Được Pháp thuyết phục, Lương Tam Kỳ gởi ba “khách trú” (chỉ người Trung Hoa), giả làm người của tướng Liên bên Quảng Tây (Trung Hoa), đến liên lạc với Đề Thám ở Yên Thế thượng vào ngày 10-1-1913. Tuy đang cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng Đề Thám cũng rất cẩn thận đề phòng, nên mãi đến một tháng sau, ngày 9-2-1913, ba người nầy mới ra tay, hạ thủ được Đề Thám trong lúc ông đang ngủ. (Chack, Hoang-Tham Pirate, Paris: Les Éditions de France, 1933, tt. 261-263.) Lúc đó, Đề Thám 52 tuổi (tuổi ta). Thế là Hùm Thiêng Yên Thế bị sa cơ, chấm dứt một cuộc đời oanh liệt, và chấm dứt luôn cuộc kháng chiến chống Pháp dai dẳng nhất từ khi Pháp chiếm nước ta năm 1884.

Về phần bà Ba Nhu, theo tài liệu của một ký giả đã lên Yên Thế, và gặp cháu của Hoàng Hoa Thám là bà Hoàng Thị Hải, con của ông Cả Phồn, thì bà Ba Nhu có tên là Nguyễn Thị Nho, còn được gọi là bà Ba Cẩn. (Lê Xuân Sơn, “Con gái ông Đề Thám”, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số 50-94, TpHCM: ngày 18-12-1994.) Năm 1913, bà Ba Nhu bị Pháp đưa lên tàu thủy, đày đi Guyanne thuộc Pháp ở Trung Mỹ. Trên đường đi, bà nhảy xuống biển tự tử.

Con gái của bà Ba Nhu với Hoàng Hoa Thám là bà Hoàng Thị Thế, được người Pháp gởi qua Pháp nuôi ăn học. Bà Thế trở về Việt Nam năm 1923, và qua Pháp trở lại vào đầu năm 1927. (Charles P. Keith, “The Curious Case of Hoàng Thị Thế”, đăng trên tập san Journal of the Vietnamese Studies, số 8, hè 2013, University of California, Berkeley, tr. 91.)

Theo bài báo nầy, bà Thế đến định cư ở thành phố Anglet, gần thành phố Bayonne, ở tây-nam nước Pháp, gần biên giới với nước Tây Ban Nha (Spain). Cũng theo tài liệu nầy, vào đầu năm 1929, khi làm giấy tờ xin trở về Việt Nam, bà Thế khai với nhân viên phụ trách rằng vào tháng 3-1928, Nguyễn Ái Quốc gởi

85

một phái viên đến gặp bà ta và thuyết phục bà ta thành hôn với Nguyễn Ái Quốc. Lúc đó, bà Thế cũng cho biết rằng Nguyễn Ái Quốc đã cưới một phụ nữ Nga và Quốc đã đến thành phố Lille trong hai năm 1927 và 1928. Từ đó Quốc thường đến Lille bằng một bí danh.(Charles P. Keith, báo đã dẫn, tr. 99.)

Lille là một thành phố kỹ nghệ nằm ở phía bắc nước Pháp, gần biên giới với nước Bỉ (Belgium). Bà Thế còn cho biết rằng đây không phải là lần đầu tiên bà là mục tiêu bị Nguyễn Ái Quốc theo dõi. Bà nói rằng khi còn ở Đông Dương, năm 1927 “bốn người bản xứ đến tìm bà ở Sài Gòn để ép bà đừng lên thuyền. Họ sẽ đưa bà qua Xiêm La [Thái Lan] bằng xe hơi và kết hôn với Nguyễn Ái Quốc...” (Charles P. Keith, báo đã dẫn, tr. 100.)

Trong thời gian nầy, Nguyễn Ái Quốc, ủy viên Đông phương bộ của Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS), qua Trung Hoa tháng 10-1924, hoạt động tình báo cho Liên Xô với bí danh mới là Lý Thụy. Tại Quảng Châu, Lý Thụy hợp tác với Lâm Đức Thụ bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu khi Phan Bội Châu từ Hàng Châu đến ga Thượng Hải ngày 1-7-1925. Lý Thụy nhắm mục đích vừa để lãnh thưởng, vừa để loại bỏ nhà lãnh đạo cách mạng dân tộc uy tín nhất ở hải ngoại và giành lấy tổ chức của ông. (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản (From colonianism to communism), nguyên bản bằng tiếng Anh, Mạc Địch dịch, Paris, 1962, tr. 38. Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Đài Bắc: Nxb. Truyện Ký Văn Học, 1972, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, California: Nxb. Văn Nghệ, 1999, tt. 84-85.)

Sau vụ nầy, Lý Thụy tức Nguyễn Ái Quốc kết hôn với một nữ đảng viên cộng sản Trung Hoa là Tăng Tuyết Minh (1905-1991) vào tháng 10-1926. Lễ kết hôn diễn ra tại nhà hàng Thái Bình, thành phố Quảng Châu, có mặt các bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ Châu Ân Lai), Bào La Đình, Thái Sướng. Hai người chia tay khi chiến tranh Quốc Cộng Trung Hoa bùng nổ ngày 12-4-1927. (Hoàng Tranh (Huang Zheng), “Hồ Chí Minh với bà vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, tạp chí Đông Nam Á Tung Hoành tháng 11-2001. Báo Diễn Đàn, Paris, số 121, tháng 9-2002 dịch đăng lại, tt. 17-20.)

86

Lúc đó, Tưởng Giới Thạch (Quốc Dân Đảng Trung Hoa) chẳng những tấn công đảng Cộng Sản Trung Hoa, mà cả những nhóm cộng sản các nước khác. Lý Thụy bỏ trốn đi Vũ Hán, đến Thượng Hải, theo đường biển lên Vladivostok, qua Moscow khoảng giữa tháng 6 năm 1927. (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại 1892-1924, tập 2: 1825-1945, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1993, tr. 85.)

Tháng 11-1927, Nguyễn Ái Quốc được ĐTQTCS gởi từ Moscow qua Pháp. Tháng sau, ông qua Bỉ, tham dự Hội nghị Quốc tế Liên đoàn chống đế quốc, rồi qua Đức chờ quyết định của ĐTQTCS. Cuối tháng 5-1928, ông đến Ý, và xuống tàu ở hải cảng Naples, qua Xiêm La (Thái Lan). Ông đến Xiêm La tháng 8-1928, lập tỉnh uỷ U-đon, thống nhất việc lãnh đạo Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên Hội ở Xiêm La. (Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, Portland, OR, U.S.A.: Nhóm Tìm Hiểu Lịch Sử, 1991, tr. 43.)

So sánh lời khai của bà Hoàng Thị Thế với lịch sinh hoạt của Nguyễn Ái Quốc hay Lý Thụy trong thời gian nầy, hai bên có nhiều điểm gần nhau tuy không trùng hợp khít khao.

Lúc đó, nhân viên C.A.I. (Contrat d’Acceuil et d’Intégration) không mấy tin vào lời khai nầy, mà cả tiến sĩ Charles P. Keith, giáo sư Sử học tại Michigan State University trích dẫn nguồn tin trên đây cũng cho rằng lời khai của bà Thế không xác thực. Lời khai của bà Thế với nhà chức trách Pháp được lưu trữ theo hồ sơ C.A.I về Hoàng Thị Thế, do L’Office français de l'immigration et de l’intégration (OFII) đảm trách, về những di dân mới đến đất Pháp cần được hướng dẫn về đời sống tại Pháp.

Dầu nhà chức trách Pháp lúc đó và cả giáo sư Charles P. Keith đều nghi ngờ mức xác tín của lời khai của bà Hoàng Thị Thế, nhưng có vài câu hỏi cần được đặt ra la: 1) Tại sao bà Thế ít nhiều biết được, dầu không chính xác, hành trình sinh hoạt của Nguyễn Ái Quốc. Ví dụ Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc còn ở Á Châu, đã cưới vợ được vài tháng, rồi qua hướng Âu Châu vào năm 1928, đến hoạt động ở Lille tuy thuộc nước Pháp, nhưng gần sát nước Bỉ là nơi ông tham dự Hội nghị Quốc tế Liên đoàn chống đế quốc?

87

2) Tại sao bà Thế không khai cho người khác mà lại khai cho Nguyễn Ái Quốc, đang là đối tượng truy nả của mật thám Pháp trong khi bà muốn xin về Việt Nam? Lúc đó, tình hình Việt Nam sôi động ở ngoài Bắc với Việt Nam Quốc Dân Đảng và ở trong Nam với các đảng phái mới thành lập.

Vậy phải chăng giữa Hoàng Thị Thế và Nguyễn Ái Quốc, tên cuối đời là Hồ Chí Minh, có mối liên hệ gì chăng? Đó là câu hỏi xin đặt ra để những nhà nghiên cứu lưu tâm tìm hiểu thêm.

Ở trong nước cũng có báo đề cập đến mối liên lạc giữa bà Hoàng Thị Thế và Nguyễn Ái Quốc, nhưng cũng có nhiều điều cần phải xét lại. Ví dụ bài “Gặp con gái cụ Đề Thám ở Hà Nội” của Phạm Quang Đẩu đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân, đưa lên Internet ngày Thứ Bảy 26-01-2013. Theo bài báo nầy, khi nhà báo đặt câu hỏi là bà Thế đã gặp gỡ Nguyễn Ái Quốc lần nào chưa, thì bà Thế trả lời như sau: “Có một lần đến giờ bà vẫn chưa quên- bà Thế nói. Đó là vào mùa xuân năm 1920. Bà lúc đó chưa đến hai mươi, vừa đóng được một bộ phim ở Pháp, vai phụ thôi...”

Bài báo không nói gì đến liên hệ tình cảm giữa bà Hoàng Thị Thế và Nguyễn Ái Quốc, đồng thời có một điểm sai căn bản. Đó là bà Thế đóng phim lần đầu vào năm 1930 là phim La lettre chứ không phải năm 1920. Tài liệu về phim nầy hiện còn ở Pháp và niên đại ghi rõ ràng là 1930. Vậy có thể xảy ra hai trường hợp: 1) Hoặc bà Thế nhớ lầm từ 1930 thành 1920. 2) Hoặc chính cán bộ Phạm Quang Đẩu cố tình đổi từ 1930 thành 1920 cho phù hợp với tuyên truyền của cộng sản về việc Nguyễn Ái Quốc lúc đó là tên chung của Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành. (Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ' Indochine au Vietnam, Paris: Nxb. Gallimard, 1990, tt. 44-45.)

Cả bốn ông (Trinh, Trường, Truyền, Thành) cùng dùng một bút hiệu chung là Nguyễn Ái Quốc, đồng ký bản “Revendications du peuple annamite” [Thỉnh nguyện thư của dân tộc Việt], bằng Pháp văn, do Phan Văn Trường viết, (Trần Dân Tiên [tức Hồ Chí Minh], Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1976, tr. 32) gởi cho các cường quốc trên thế giới, đang họp Hội nghị Versailles sau thế chiến thứ nhất, bắt đầu từ 18-1-1919.

88

Thỉnh nguyện thư của các ông xuất hiện lần đầu trên báo L’Humanité [Nhân Đạo] ngày 18-6-1919. Về sau, Nguyễn Tất Thành chiếm dụng danh xưng Nguyễn Ái Quốc làm tên riêng của Nguyễn Tất Thành.

Riêng bà Hoàng Thị Thế, tại Pháp, bà trở thành diễn viên điện ảnh và có mặt trong ba phim là La lettre (1930), La donna Bianca (1931) và Le secret de l’éméraude (1935). Vào đầu thập niên 30 thế kỷ trước, nền điện ảnh Pháp bắt đầu chuyển từ phim câm qua phim có tiếng nói, và lúc đó người Pháp có khuynh hướng thích xem phim quay cảnh các nước thuộc địa Pháp. Phim La lettre do Mercanton thực hiện, phỏng theo phim The Letter của Hoa Kỳ dựa trên câu chuyện của Somerset Maugham (1874-1965) viết về một đồn điền cao su ở Mã Lai Á.

Bà Hoàng Thị Thế về Hà Nội năm 1974 vì bà muốn sinh sống ở Yên Thế, vùng đất hoạt động đầy kỷ niệm lẫy lừng của phụ thân bà là Hùm Thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Cuối cùng bà từ trần ngày 9-12-1988, an táng tại Yên Thế, Bắc Giang.

(Toronto, 1-2-2014)

 

Hoàng Thị Thế (phải)

Trong phim La lettre.

89

 

TỔNG KẾT

 

Tóm lại, những huyền thoại về HCM do ông tự tạo ra, hay do các thuộc hạ của ông dựng nên, đều là những phấn son giả tạo tô điểm hình tượng HCM. Những huyền thoại nầy một thời đã đánh lừa được một số người Việt Nam và thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối năm 1999, sử gia Jean Louis Margolin, giáo sư tại Université de Provence (Pháp), một trong các tác giả viết bài trong sách Le livre noir du communisme [Sách đen về chủ nghĩa cộng sản], đã nói: "Thành thật mà nói, vào những năm 60, tôi đã từng xuống đường biểu tình ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tôi đã từng reo mừng với những cuộc chiến thắng tại Cam-bốt cũng như tại Việt Nam. Tôi từng nghe nói đến những vụ tàn sát Tết Mậu Thân 68, nhưng tôi tin và nghĩ rằng đó chỉ là sự tuyên truyền của Mỹ. Không phải chỉ một mình tôi, mà tôi tin rằng rất nhiều người cùng thời với tôi đã bị sai lầm vì những tuyên truyền sai lạc của cộng sản.”(Tập san Việt Nam Dân Chủ, số 40, California, tháng 1-2000)

Ở trong nước, HCM và đảng CSVN dùng những huyền thoại nầy để phỉnh gạt lòng tin của thanh niên và dân chúng, lôi kéo họ xung trận, sẵn sàng hy sinh cho chủ thuyết và tham vọng của HCM cũng như của đảng CS, để rồi sau khi thành công, đảng CS phản bội lại dân chúng và phản bội lại cả chính những người đã hy sinh cho CS.

Dần dần, dòng sông thời gian rửa sạch lớp phấn son giả tạo, làm bay đi những huyền thoại, để lộ ra khuôn mặt thật của HCM. Trước kia, những huyền thoại đã vinh danh HCM chừng nào, thì nay chính những huyền thoại đó đã chôn vùi HCM chừng đó.

Hồ Chí Minh ra nước ngoài để kiếm sống, xin vào học trường Thuộc Địa ra làm quan, hay HCM có nhiều vợ, đều là chuyện bình thường, chẳng có gì đáng nói, nhưng tự quảng cáo rằng mình ra đi tìm đường cứu nước, sống độc thân vì đại nghĩa dân tộc, là một người đạo đức giả nếu không muốn nói là một tên lừa bịp láo khoét. Hồ Chí Minh chẳng có tư tưởng gì, lại được đảng CS thậm xưng là

90

nhà tư tưởng, càng khiến cho người đời mỉa mai. Hồ Chí Minh chẳng bao giờ được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới mà trong nước vẫn tuyên truyền ngược lại mà không biết xấu hổ.

Những chuyện đơn giản như vậy mà còn gian dối thì có điều gì là thật nữa. Do đó, có thể nói hình ảnh của HCM trong lịch sử bị hủy hoại một phần vì những huyền thoại do ông tự tạo hay do đảng CSVN tạo ra cho ông.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng HCM là một nhân vật lớn của lịch sử hiện đại Việt Nam. Ông đã lập nhiều thành tích đáng kể và đáng nể. Những thành tích nầy tốt hay xấu, có lợi hay có hại cho nhân dân Việt Nam, đó là sự phán xét của nhân dân. Lột trần những huyền thoại HCM là việc làm cần thiết để trả lại cho Nguyễn Sinh Cung những gì thật sự của Nguyễn Sinh Cung.

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, Canada)

 

BÀI ĐỌC THÊM

 

THỜI BÁO BA LAN "XẾP HẠNG" HỒ CHÍ MINH

 

Tờ Polska Times tức Thời báo Ba Lan hôm 5/3/2013 vừa đưa ra một bảng xếp hạng 13 nhà độc tài đẫm máu nhất thế kỉ 20, trong đó có Hồ Chí Minh. Theo đó, Hồ Chí Minh qua 24 năm cầm quyền của mình đã gây ra cái chết của 1,7 triệu người Việt qua cuộc chiến tranh đẫm máu.

Cũng như nhiều sự bình chọn trước đó của các trang mạng khác, các nhà độc tài thuộc 3 thể chế chính trị: Phát xít, Cộng sản và Quân phiệt.

NHỮNG NHÂNVẬT CỦA POLSKA TIME NHƯ SAU:

* 1 - Ismail Enver, Thổ Nhĩ Kỳ, cầm quyền 1913-1918, chịu trách nhiệm về cái chết của 1,1 đến 2,5 triệu người; tội ác lớn nhất: diệt chủng người Armenia.

91

* 2 - Kim Nhật Thành, Bắc Triều Tiên, cầm quyền 1948-1994, chịu trách nhiệm về cái chết của 1,6 triệu người; tội ác lớn nhất: chiến tranh Triều Tiên.

* 3 - Hồ Chí Minh, Việt Nam, cầm quyền 1945-1969, chịu trách nhiệm về cái chết của 1,7 triệu người; tội ác lớn nhất: chiến tranh Việt Nam

*4 - Pol Pot, Campuchia, cầm quyền 1975-1979, chịu trách nhiệm về cái chết của 1,7 - 2,4 triệu người; tội ác lớn nhất: diệt chủng ở Campuchia

* 5 - Saddam Hussein, Irak, cầm quyền 1969-2003, chịu trách nhiệm về cái chết của 2 triệu người; tội ác lớn nhất: diệt chủng người Kurd

*6 - Yahya Khan, Pakistan, cầm quyền 1969-1971, chịu trách nhiệm về cái chết của 2 đến 12 triệu người; tội ác lớn nhất: diệt chủng ở Bangladesh

*7 - Hideki Tojo, Nhật Bản, cầm quyền 1941-1944, chịu trách nhiệm về cái chết của 4 triệu người; tội ác lớn nhất: hành quyết thường dân trong chiến tranh thế giới thứ II.

* 8 - Vladimir Lenin, Nga, cầm quyền 1917-1924, chịu trách nhiệm về cái chết của 4 triệu người; tội ác lớn nhất: nội chiến ở Nga

* 9 - Hoàng đế Hirohito Nhật Bản, cầm quyền 1926-1989, chịu trách nhiệm về cái chết của 6 triệu người; tội ác lớn nhất: thảm sát ở Nam Kinh

* 10 - Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc, cầm quyền 1928-1949, chịu trách nhiệm về cái chết của 10 triệu người; tội ác lớn nhất: thảm sát tại Đài Loan vào năm 1947

* 11 - Adolf Hitler, Đức, cầm quyền 1933-1945, chịu trách nhiệm về cái chết của 17-20 triệu người; tội ác lớn nhất: Holocaust

* 12- Joseph Stalin, Nga, cầm quyền 1924-1953, chịu trách nhiệm về cái chết của 40-62 triệu người; tội ác lớn nhất: Trại tập trung Gulag

* 13 - Mao Trạch Đông, Trung Quốc, cầm quyền 1943-1976, chịu trách nhiệm về cái chết của 45-75 triệu người; tội ác lớn nhất: nạn đói lớn và Cách Mạng Văn Hóa.

Cũng cần nói thêm, Polska Times là tờ báo có số lượng truy cập khá lớn. Theo Alexa Ranking, lượng người đọc của tờ này đứng hạng thứ 30.000 trong số hàng chục triệu trang mạng trên toàn thế giới.

© Đàn Chim Việt

(Trích nguyên văn ngày 20-3-2013)

92

PHỤ ĐÍNH

 

KẺ TRỘM THƠ

 

Hồ Chí Minh (HCM) được chế độ cộng sản (CS) xem là một nhà thơ lớn. Các giáo sư, các nhà nghiên cứu văn học CS thi nhau bốc thơm. Trong các kỳ thi trung học dưới mái trường CS, thơ HCM thường được đưa ra làm đề tài cho các em học sinh bình giải.

Theo viện Văn học Hà Nội, thi phẩm vĩ đại nhất của HCM là quyển Ngục trung nhật ký viết bằng chữ Hán (tức chữ Tàu), xuất bản tại Hà Nội năm 1960, gồm 132 bài thơ, đại đa số là thất ngôn tứ tuyệt (thơ 4 câu 7 chữ). Viện nầy cho biết HCM "đã viết trong cảnh lao tù từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943". (Lê Hữu Mục trích dẫn, Hồ Chí Minh không phải là tác giả "Ngục trung nhật ký", Toronto: Văn Bút Hải Ngoại, 1990, tt. 12-13.) Ngục trung nhật ký đã được phiên âm và dịch qua chữ Việt, phát hành hàng trăm ngàn bản ở trong nước và cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở hải ngoại.

Nhà nghiên cứu Lê Hữu Mục, nguyên là giáo sư văn chương Việt Nam tại Đại học Văn khoa Huế và Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau năm 1975 định cư tại Montreal, Canada, đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng tập thơ nầy và chứng minh rằng đa số các bài thơ trong Ngục trung nhật ký do một người Trung Hoa tên là "Già Lý" sáng tác, và chỉ có khoảng trên dưới 10 bài tứ tuyệt là của HCM. (Lê Hữu Mục, sđd. tr. 112.) "Ông già họ Lý" là người bị giam chung với HCM vào đầu thập niên 30 tại khám lớn Victoria ở Hồng Kông.

Giáo sư Lê Hữu Mục đã phân tách tỉ mỉ tác phẩm nầy và đưa ra nhận xét như sau: "Phần phân tích ở trên chứng thực già Lý là chủ nhân của những bài thơ xây dựng theo kĩ thuật thơ Đường; những bài thơ nầy chiếm hết ba phần tư tác phẩm. Phần còn lại có thể coi là của Hồ Chí Minh. Tôi chỉ nói là có thể vì tôi không khẳng định được rõ ràng bài thơ nào đích thực là của Hồ Chí Minh, bài thơ nào thuộc về các tác giả khác." (Lê Hữu Mục, sđd. tr. 94.)

93

Chỉ cần nhìn sơ qua hình bìa nguyên bản sách Ngục trung nhật ký cũng đã thấy sự mâu thuẫn của tập thơ nầy ngay từ đầu. Tấm bìa nguyên thủy của sách nầy ghi rõ ngày, tháng và năm sáng tác là 29-8-1932 / 10-9-1933, trong khi Viện Văn học cho rằng HCM sáng tác tập thơ nầy trong hai năm 1942 và 1943.

 

 

Lúc đó, HCM bị chính quyền Quốc Dân Đảng Trung Hoa bắt ở trần Thiên Bảo (Quảng Tây) từ ngày 29-8-1942 đến ngày 10-9-1943 và trải qua nhiều nhà tù khác nhau.

Ngoài những nghiên cứu của giáo sư Lê Hữu Mục, còn có những phát hiện khá thú vị khác về tài cóp thơ hoặc là trộm thơ người khác của HCM. Ví dụ trong tuyển tập Quốc Học, trường tôi do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tại Huế năm 1996, có đăng bài thơ "Tầm hữu vị ngộ" được cho là của HCM. Tuyển tập nầy chú giải rằng bài thơ "Tầm hữu vị ngộ" là của HCM gởi cho Võ Nguyên Giáp năm 1954, và "mới được phát hiện".

Giáo sư Tuệ Quang Tôn Thất Tuệ (định cư tại Montreal), trong bài "Ai là tác giả bài Tầm hữu vị ngộ?", tạp chí Hương Văn, California, số 5, tháng 2-1999, tt. 91-96, cho rằng nếu bài thơ nầy của một lãnh tụ (HCM) tặng cho một viên tướng

94

(Võ Nguyên Giáp), được sáng tác năm 1954, cả hai đang cầm quyền và cầm quân, mà sao đến năm 1990 mới được phát hiện? Hai người nầy đều là những nhân vật quan trọng đầu não của chế độ CS, mà sao bài thơ có thể thất lạc một thời gian dài (1954-1990)? Giáo sư Tuệ Quang đi sâu vào chi tiết bài thơ và nhận xét: "Tóm lại, bài thơ "Tầm hữu vị ngộ", xét về hình thức lẫn nội dung, không phù hợp với thi cách và khuynh hướng của ông Hồ".

Hai câu chuyện trên đây còn đang được tranh cãi, nhưng qua đến câu chuyện bài thơ dưới đây thì có lẽ khó cãi. Số là trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội in lần thứ hai, năm 2000, trang 101, đăng bản phiên âm bài thơ bằng chữ Hán của HCM gởi cho trung tướng Trần Canh (sau lên đại tướng). Bài thơ nầy còn được in trong sách Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, Hà Nội: Nxb. Văn Học, 1990, tt. 39-40. Nguyên văn bản phiên âm bài thơ như sau:

 

TẶNG TRẦN CANH ĐỒNG CHÍ

Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.

 

Bản dịch nghĩa của sách nầy:

TẶNG ĐỒNG CHÍ TRẦN CANH

Rượu ngọt "sâm banh" trong chén ngọc dạ quang

Sắp uống, tỳ bà trên ngựa đã giục giã

Say sưa nằm lăn nơi sa trường, anh đừng cười nhé!

Chớ để một tên địch nào trở về.

(Theo đúng nguyên văn trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 tr. 101.)

95

Trần Canh (Chen Geng) lúc đó là một viên trung tướng thân cận của Mao Trạch Đông, đang là ủy viên dự khuyết ban Chấp hành Trung ương đảng CSTQ, tư lệnh quân khu Vân Nam kiêm chính ủy binh đoàn số 4, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vân Nam. Hồ Chí Minh trực tiếp xin Mao Trạch Đông gởi Trần Canh qua làm cố vấn quân sự cho Việt Minh (VM).

Theo lệnh Mao Trạch Đông, Trần Canh đến Thái Nguyên gặp HCM vào cuối tháng 7-1950. Trong chiến dịch biên giới, Võ Nguyên Giáp dự tính tấn công Cao Bằng, nhưng Trần Canh chủ trương đánh Đông Khê.

Theo Trần Canh, địa thế Cao Bằng hiểm trở, công sự phòng thủ kiên cố và quân Pháp ở đây đông, nên khó tấn công. Trong khi đó, Đông Khê tuy nhỏ, nhưng giữ một vị trí chiến lược quan trọng trên trục phòng tuyến giữa Cao Bằng và Lạng Sơn; quân Pháp ở đây ít, dễ tấn công hơn. Cuối cùng, VM vâng theo ý kiến của Trần Canh, quyết định tấn công Đông Khê.

 

96

Ngày 16-9-1950, VM dùng chiến thuật biển người theo kiểu TC, tung khoảng 10,000 quân tấn công Đông Khê, một cứ điểm nhỏ do 260 quân Pháp trấn giữ. Đông Khê ở phía đông nam Cao Bằng, phía bắc Thất Khê. (Thất Khê ở phía tây bắc Lạng Sơn). Việt Minh chiếm được Đông Khê sau ba đêm và hai ngày kịch chiến (16 đến 18-9-1950).

Trận Đông Khê là trận thắng đầu tiên của VM, cô lập Cao Bằng và cắt đứt tỉnh lộ số 4, nối Cao Bằng với Lạng Sơn. Sau trận nầy, Trần Canh còn cố vấn cho Võ Nguyên Giáp thi hành kế hoạch "công đồn đả viện", chận đánh riêng biệt hai cánh quân do hai trung tá Pháp chỉ huy.

Trung tá Marcel Lepage rời Thất Khê tiến lên Đông Khê, bị VM phục kích ở Cốc Xá (nam Đông Khê) ngày 8-10-1950. Trung tá Pierre Charton rút khỏi Cao Bằng ngày 3-10-1950, cũng bị VM phục kích ngày 10-10-1950 tại đồi 477, tây nam Đông Khê.

Trong hai trận nầy, số quân Pháp vừa tử trận, vừa bị bắt làm tù binh lên đến 4,000 binh sĩ, 354 hạ sĩ quan và 98 sĩ quan, trong đó có hai sĩ quan cấp trung tá. Đây là trận thất bại nặng nề đầu tiên của Pháp kể từ khi chiến tranh bắt đầu năm 1946.

Ngược lại, hai cuộc phục kích nầy là chiến thắng lớn lao nhứt của VM từ năm 1946, khai thông khu vực biên giới giữa Trung Hoa và chiến khu Việt bắc của VM, hoàn toàn do quyết định của tướng TC. Điều nầy giúp bảo vệ an ninh biên giới phiá nam TC.

Theo ghi chú dưới bài thơ HCM tặng Trần Canh trong sách Hồ Chí Minh toàn tập tập 6, tr. 101, thì HCM gởi bài thơ nầy cho Trần Canh trước ngày 9-10-1950, nghĩa là HCM chúc mừng Trần Canh sau trận thắng Đông Khê ngày 18-9-1950, nhưng trước hai trận VM phục kích ở phía nam Đông Khê tháng 10-1950.

Đọc bài thơ nầy, ai cũng cảm thấy phảng phát âm hưởng bài thơ rất nổi tiếng của Vương Hàn (Wang Han) đời Đường bên Trung Hoa là bài "Lương Châu từ", được phiên âm như sau:

97

 

LƯƠNG CHÂU TỪ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

 

Trần Trọng San dịch:

BÀI HÁT LƯƠNG CHÂU

Rượu bồ đào, chén dạ quang

Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi

Sa trường say ngủ ai cười

Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu?

 

So sánh hai bài thơ tứ tuyệt "Tặng đồng chí Trần Canh" của HCM và "Bài hát Lương Châu" của Vương Hàn, cách nhau cả hơn một ngàn năm, mỗi bài thơ chỉ có 28 chữ, mà hai bài thơ chỉ khác nhau có 7 chữ. Đó là hai chữ đầu bài thơ ("bồ đào" thay bằng "hương tân" tức rượu champagne; và năm chữ cuối câu kết). Còn hai câu giữa hoàn toàn giống nhau, nghĩa là hết ba phần tư (3/4) bài thơ nguyên là của bài "Lương Châu từ" của Vương Hàn.

Câu kết bài thơ HCM tặng Trần Canh trong tổng thể cả bốn câu của bài thơ, thật là vô duyên và lạc đề, vì ý nghĩa câu nầy chẳng ăn nhập gì đến ý nghĩa ba câu trên của bài thơ. Ba câu trên nói chuyện đang uống rượu trong một cái chén dạ quang sang trọng, thì tiếng nhạc xuất quân nổi lên. Vì vậy trên đường ra chiến trường vẫn còn say, xin mọi người đừng cười...

Bài thơ đang đến hồi sảng khoái, hào hùng thì HCM lại kết luận trật chìa một cách vô duyên, chẳng có hồn thơ, làm mất hứng thơ: "Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi". (Chớ để một tên địch nào trở về). Đang nói chuyện xin đừng cười kẻ lỡ say ngoài chiến trường, sao mà quay qua "chớ để một tên địch nào trở về", thì thật là lãng nhách.

98

Trong khi đó, câu kết của Vương Hàn "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" (Từ xưa chinh chiến mấy người về), vừa hào hùng phù hợp với ý tưởng ba câu thơ trên, vừa là tâm trạng của những chiến binh xông pha trận mạc, biết rằng chiến tranh có những rủi ro không sao đoán trước được, nên từ xưa đến nay, những người ra đi xông pha chiến trận, thì mấy người trở về? Vì vậy có kẻ lỡ say trên đường ra trận thì xin đừng cười. Lời thơ trong câu kết của Vương Hàn vang lên như là một tiếng kèn thu quân vừa hùng tráng và cũng vừa bi ai. (Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.)

Trừ trường hợp Trần Canh là người dốt nát, không biết đọc chữ, thì Trần Canh mới không phát hiện được HCM chép lại thơ Vương Hàn. Tuy nhiên, Trần Canh là người đã từng đủ điều kiện để theo học khóa 1 trường võ bị Hoàng Phố (Quảng Châu) tháng 5-1924, nổi tiếng học giỏi và được mệnh danh là một trong ba nhân tài của Hoàng Phố (Hoàng Phố tam kiệt), đã từng là hiệu trưởng trường

Lục quân Bành Dương, đã lên tới cấp trung tướng, đang giữ chức tư lệnh quân khu Vân Nam kiêm chính ủy binh đoàn số 4, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vân Nam.

Chắc chắn Trần Canh có một trình độ học vấn căn bản và vốn là một quân nhân, Trần Canh phải biết bài thơ trứ danh về chiến tranh của Vương Hàn, nhất là hai câu chót: "Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi", hầu như là hai câu nằm lòng của giới nhà binh. Nay HCM lại "múa rìu qua mắt thợ", lấy nguyên văn hai câu thơ của Vương Hàn làm quà tặng cho đồng hương con cháu của Vương Hàn. Trần Canh nghĩ sao về việc nầy?

Phải chăng đây là thơ "tập cổ" theo lối người xưa? Nếu tập cổ thì mượn một câu chứ không mượn 3/4 bài, và ít nhất khi in lại cũng ghi là thơ tập cổ từ thơ của ai? Hay đây là lối đánh lận con đen trí trá cố hữu của HCM? Nếu ai biết thì chối là thơ tập cổ, nếu ai không biết thì khoe là thơ của HCM và đăng vào sách, lưu truyền về sau. Ngày nay, chỉ cần chép nguyên văn một câu của người khác mà không ghi xuất xứ, thì bị ghép vào tội đạo văn, ăn cắp thơ. Trong bài thơ nầy, HCM ăn cắp những ba phần tư (3/4) bài thơ của Vương Hàn.

99

Đúng là HCM, chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tức nhà nước cộng sản Bắc Việt Nam, xứng đáng là chủ tịch trộm thơ liều lĩnh. Thế mà đảng CSVN luôn luôn kêu gọi học tập đạo đức HCM tức là học luôn cách trộm thơ hay trộm công trình sáng tác của người khác.

Có thể do nhờ học tập đạo đức kiểu đó nên viên hiệu phó Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã đạo văn luận án tiến sĩ của người khác. Chỉ khác một điều là vào đầu năm nay (2014) có người tố cáo viên hiệu phó ăn cắp sở hữu trí tuệ của người khác, mà chẳng ai chịu tố cáo HCM đã trộm thơ của người khác. Nếu viên hiệu phó Đại Học Bách Khoa Hà Nội công khai thừa nhận đã trộm luận văn của người khác vì đã học theo gương đạo đức HCM, thì hy vọng có thể khỏi bị truy tố.

Chẳng những trộm thơ, mà HCM còn trộm tư tưởng của người khác. Ví dụ rõ nét nhất còn được các trường học ở Việt Nam hiện nay truyền tụng như là tư tưởng vĩ đại của HCM, là câu mà HCM đã phát biểu trong cuộc học tập chính trị khoảng hơn 3,000 giáo viên ngày 13-9-1958 tại Hà Nội: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người." (Báo Nhân Dân ngày 14-9-1958.) Câu nầy, HCM ăn cắp nguyên ý của Quản Trọng, tể tướng nước Tề thời Xuân Thu (722-479 trước CN). Quản Trọng nói: "Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; thập niên chi kế mạc như thụ mộc; chung thân chi kế mạc như thụ nhân." (Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa; kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây; kế hoạch trọn đời [trăm năm] không gì bằng trồng người. [Quản Tử, chương "Quyền tu"])

Nếu kể chuyện HCM đạo văn thì còn nhiều chuyện nữa, kể cả bản Tuyên ngôn ngày 2-9-1945 của HCM ...

Lãnh tụ số một của CSVN còn như thế, thì trách chi hiệu phó Đại Học Bách Khoa Hà Nội trộm luận án, và trách chi nền văn hóa giáo dục CSVN suy sụp và xuống cấp.

(TORONTO, 26-11-2014)

 

PHỤ ĐÍNH

 

CHUYỆN NGÀY SINH HỒ CHÍ MINH

 

Hiện nay, theo đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), ngày sinh chính thức của Hồ Chí Minh (HCM) là ngày 19-5-1890. Tuy nhiên, có nhiều tài liệu cho biết HCM có nhiều ngày sinh khác nhau.

 

TÀI LIỆU THỨ NHỨT

Theo tài liệu ông Lê Thanh Cảnh, một người cùng học lớp với HCM ở trường Quốc Học (Huế), thì HCM lúc đó có tên là Nguyễn Sanh (Sinh) Côn (Cung) đậu Tiểu học năm 1907, và nhập học lớp nhứt niên trường Quốc Học vào đầu niên khóa năm nầy, vào giữa tháng 9-1907. Nhứt niên là năm thứ nhứt bậc trung học tức lớp 6 ngày nay. Cũng theo tài liệu nầy, tháng 4-1908, tại Huế xảy ra những cuộc biểu tình xin giảm xâu hạ thuế mà dân chúng thường gọi là Trung Kỳ dân biến. Nguyễn Sanh Côn tham gia cuộc biểu tình nầy và bị truy nã, phải bỏ học, bỏ trốn khỏi Huế. Lúc đó Nguyễn Sanh Côn (Nguyễn Sinh Cung) khoảng 18 tuổi. (Lê Thanh Cảnh,tạp chí Hoài niệm Quốc Học, Huế: 1956, tt. 37-39.)

Vào đầu thế kỷ 20, người Việt còn dùng âm lịch để tính tuổi. Tuổi âm lịch gọi là tuổi ta. Tuổi dương lịch gọi là tuổi tây. Tuổi ta hay tuổi âm lịch lớn lơn tuổi tây hay tuổi dương lịch một tuổi. Tác giả Lê Thanh Cảnh không cho biết tuổi Nguyễn Sinh Cung lúc đó là tuổi âm lịch hay tuổi dương lịch. Vì vậy không biết Nguyễn Sinh Cung, sau có tên là HCM sinh năm 1890 hay 1891?

Sau biến cố ở Huế, Nguyễn Sinh Cung vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến Bình Thuận. Tại Bình Thuận, Nguyễn Sinh Cung dùng tên mới là Nguyễn Tất Thành xin vào dạy Quốc ngữ ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) khoảng tháng 9-1910. (Hồ Tá Khanh, Thông sử công ty Liên Thành, Paris: 1983, tr. 34.)

101

 

TÀI LIỆU THỨ HAI

Sau Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, lấy tên là Ba, xin làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville và theo tàu nầy đi Pháp, rời Sài Gòn ngày 5-

6-1911. Ông đặt chân đến Marseille, hải cảng miền nam nước Pháp ngày 6-7-1911. (Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh (1872-1926) qua những tài liệu mới, quyển 2, tập 1, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr. 210.)

Chỉ hơn hai tháng sau, ngày 15-9-1911, tại Marseille, Nguyễn Tất Thành viết tay hai lá đơn bằng tiếng Pháp, cùng nội dung, chỉ khác tên người nhận; một gởi cho tổng thống Pháp và một gởi cho bộ trưởng bộ Thuộc địa Pháp, xin đặc ân để được vào học Trường Thuộc Địa Paris (École Coloniale de Paris). Sau đây là bản dịch lá đơn của Nguyễn Tất Thành:

Marseille, ngày 15 tháng Chín năm 1911

Kính gởi Tổng thống Cộng Hòa,

Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của Ngài ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú Trường Thuộc Địa.

Tôi hiện đang làm công nhân trong công ty Chargeurs Réunis (tàu Amiral Latouche-Tréville) để sinh sống.

Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được những ích lợi của nền học vấn.

Tôi người gốc tỉnh Nghệ An, xứ An Nam.

Trong khi chờ đợi câu trả lời mà tôi hy vọng là thuận lợi của Tổng Thống, xin Ngài nhận trước nơi đây lòng biết ơn của tôi.

Nguyễn Tất Thành, sinh tại Vinh năm 1892,

con của ông Nguyễn Sinh Huy (Phó bảng).

Học sinh Pháp văn, Quốc ngữ và chữ Hán.

102

Ở đây, không bàn đến chuyện nội dung lá đơn, mà chỉ xin lưu ý là vào cuối đơn, Nguyễn Tất Thành tức HCM tự ghi là ông ta sinh năm 1892. Đây là tài liệu thứ hai về năm sinh của HCM.

 

TÀI LIỆU THỨ BA

Trong bài báo nhan đề "Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie coloniale", tạp chí Revue française D'Histoire d'Outre-mer, tam cá nguyệt 3, 1998, Paris: Société Française d'Histoire d'Outre-mer, tr. 105, Jacques Dalloz viết: "Au début de 1922, il s'est présenté l'initiation de la loge la Fédération universelle (Paris GODF), recommandé par le graveur Boulanger. Sa fiche indique: "Nguyen Ai Quấc, né le 15-2-1895 (Annam), retoucheur en photo, dessinateur." Xin tạm dịch: "Vào đầu năm 1922, do sự giới thiệu của một nhà chạm trỗ tên là Boulanger, ông ta dự lễ gia nhập của tổ Fédération universlle (Paris GODF). Phiếu của ông ta ghi là: "Nguyễn Ái Quấc, sinh ngày 15-2-1895 (An Nam), thợ tô sửa hình, thợ vẽ." [Chữ An Nam vào thời đó chỉ Trung Kỳ.]

Sau bài báo kể trên, Jacques Dalloz còn xuất bản sách Francs-maçons d'Indochine, Paris: Éditions Maçonniques de France, 2002. Sách nầy trình bày đầy đủ những nhân vật Tam Điểm ở Việt Nam, trong đó có Nguyễn Ái Quấc tức HCM cũng với ngày tháng năm sinh vừa kể.

 

103

Trong đơn xin vào học Trường Thuộc Địa Paris, Nguyễn Tất Thành tức HCM, tự ghi là sinh năm 1892. Nay trong hồ sơ gia nhập hội Tam Điểm ở Paris, Nguyễn Ái Quấc (Quốc) tức là HCM, tự ghi là sinh năm 1895. Hai năm sinh trên đây do chính HCM tự tay ghi, nhưng lại khác nhau. Rồi HCM sẽ còn chọn thêm một ngày sinh khác nữa như sau.

 

TÀI LIỆU THỨ TƯ

Tại Hà Nội, ngày 6-3-1946, tại số 38 đường Lý Thái Tổ, với tư cách chủ tịch chính phủ Liên hiệp kháng chiến, HCM ký thỏa ước Sơ bộ với Pháp, gồm 2 điều chính: 1) Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), có chính phủ riêng, nghị viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương (LBĐD) và trong Liên Hiệp Pháp (LHP). 2) Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa để giải giáp quân đội Nhật.

Dầu đã thề chống Pháp đến cùng trong ngày thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (2-9-1945), HCM vẫn ký thỏa ước theo đó điều 1 ghi rằng Việt Nam nằm trong LBĐD và trong LHP. Như thế, về hành chánh, Việt Nam dưới quyền của cao uỷ Pháp, người đứng đầu LBĐD.

Ngày 18-5-1946, đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu, cao ủy Pháp tại Đông Dương, đến kinh lý Hà Nội. Trên danh nghĩa, D’Argenlieu là cao uỷ, đại diện chính phủ Pháp tại Đông Dương, đứng đầu LBĐD. Theo thỏa ước Sơ bộ ngày 6-3-1946, Việt Nam là một quốc gia trong LHP và trong LBĐD. Trong nghi thức hành chánh và giao tế, khi đón tiếp cao uỷ đại diện chính phủ Pháp, đứng đầu LBĐD, chính phủ Việt Nam phải treo cờ chào mừng D’Argenlieu.

Tuy nhiên, nếu treo cờ chào mừng quan Tây đến Hà Nội, thì hoặc bị dân chúng chê cười, hoặc bị dân chúng phản đối vì lúc đó dân chúng rất căm thù Pháp và nhất là dân chúng chưa quên việc HCM thề cương quyết chống Pháp đến cùng ngày 2-9-1945.

Nhà nước Việt Minh CS liền tuyên truyền rằng treo cờ trong ba ngày từ 19 đến 21-5-1946 là để mừng sinh nhựt chủ tịch HCM là ngày 19-5. Mừng sinh nhựt thì

104

treo cờ một ngày mà thôi, chứ treo chi tới ba ngày là thời gian D’Argenlieu có mặt ở Hà Nội? Hơn nữa, trước đây, trên đường hoạt động chính trị, HCM không bao giờ nói chuyện sinh nhựt của mình, thì tại sao nhân cuộc thăm viếng của D’Argenlieu lại có chuyện sinh nhựt HCM?

Vì các lẽ đó, dân chúng cho rằng HCM ngụy tạo sinh nhựt để có lý do treo cờ nhằm đón tiếp D’Argenlieu vì D’Argenlieu đứng đầu LBĐD, mà Việt Nam nằm trong LBĐD, có nghĩa là D’Argenlieu là lãnh đạo của HCM nên HCM phải ra lệnh treo cờ để đón tiếp quốc trưởng. Từ đó, ngày 19-5 được CSVN xem là ngày sinh chính thức của HCM.

 

TÀI LIỆU THỨ NĂM

Ngày 11-4-2001, trong bài nói chuyện về HCM tại Trường Cán Bộ Quản Lý Giáo Dục Hà Nội, một cán bộ CS tên là Sơn Tùng cho biết rằng vào năm 1950, ông đã gặp ông Cả Khiêm tức Nguyễn Sinh Khiêm, còn có tên là Nguyễn Tất Đạt, anh của Nguyễn Sinh Cung tức Nguyễn Tất Thành tức HCM. Nhân dịp nầy, ông Cả Khiêm giao cho ông Sơn Tùng cuốn Tất Đạt tự truyện, trong đó có đề cập đến HCM. Dựa vào tài liệu của ông Cả Khiêm, Sơn Tùng quả quyết rằng HCM sinh năm 1891. (Minh Võ, Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp, Virginia: Nxb. Tiếng Quê Hương, 2003, tr. 400.)

Gần đây, theo sách Đèn cù của Trần Đĩnh, California: Người Việt Books, 2014, chương mười bốn, tr. 169, tác giả nầy cho biết rằng vào đầu năm 1960, Tố Hữu thành lập nhóm viết tiểu sử HCM với danh nghĩa là Ban Nghiên cứu lịch sử đảng, gồm có Phạm Bình, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Trần Đĩnh. Tố Hữu cử hai nhà văn đến tận quê của HCM ở Nghệ An để sưu tầm tài liệu. Báo cáo của cuộc sưu tầm cho biết rằng HCM sinh năm 1891 (tân mão). Báo cáo nầy cho rằng đó là lời của của ông Cả Khiêm, anh trai của HCM, "nói thế, có bằng chứng hẳn hoi trong gia đình và họ hàng".

Ban viết tiểu sử trình lên cho HCM, thì HCM trả lời rằng "người ta thế nào thì cứ để thế không sửa sai gì hết". Điều đó có nghĩa là HCM không muốn sửa đổi

105

ngày tháng năm sinh đã được đưa ra trước đây tức ngày 19-5-1890. Nhóm viết tiều sử cho rằng HCM muốn giữ năm 1890 cho dân chúng dễ nhớ số tròn.

 

CHUYỆN MỘT LÁ SỐ TỬ VI

Tài liệu của ông Sơn Tùng năm 2001 và tiết lộ trong sách Đèn cù năm 2014 dựa trên bằng chứng trong gia đình của ông Cả Khiêm, anh ruột của HCM, phù hợp với một lá số tử vi trong sách Tử vi đẩu số tân biên do Vân Đằøng Thái Thứ Lang soạn và ấn hành ở Sài Gòn năm 1957.

Trong sách nầy, lá số không đề tên đương số, mà tác giả Vân Đằng chỉ ghi chú như sau: "Số gian hùng. Năm Bính Thân - 1956 - 66 tuổi. Đã có sự nghiệp lớn lao. Nhưng hại dân hại nước." [66 tuổi theo lá số tử vi là tuổi âm lịch, tương đương 65 tuổi dương lịch.]

So sánh tuổi tác của các lãnh tụ chính trị Việt Nam lúc đó (65 tuổi năm 1956), ai cũng đều cho rằng đây là lá số tử vi của HCM. Theo lá số nầy, đương số sinh ngày 6 tháng 6 năm tân mão. (Vân Đằng Thái Thứ Lang, Tử vi đẩu số tân biên, Sài Gòn: Tín Đức Thư Xã, 1957, phụ bảng D cuối sách.) Ngày 6 tháng 6 năm tân mão tức ngày 11-7-1891.

Bỏ qua một bên chuyện tử vi của đương số vì không phải là chuyện lịch sử. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào tác giả Vân Đằng Thái Thứ Lang biết được giờ, ngày, tháng và năm sinh của đương số để an sao lá số tử vi nầy?

Có hai nguồn tin khác nhau về việc nầy:

Nguồn tin thứ nhứt cho rằng tác giả Vân Đằng Thái Thứ Lang thuộc một gia đình văn học khoa bảng Hán học, phụ thân là vị cử nhân Hán học, đã từng giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn trước 1975, hai bác ruột đều là cử nhân, ông nội là vị tiến sĩ Hán học, ông cố là vị phó bảng Hán học... Gia đình của tác giả Vân Đằng Thái Thứ Lang lại là chỗ quen biết thân tình với gia đình Nguyễn Sinh Sắc.

106

Nhờ vậy, biết rõ giờ, ngày tháng năm sinh của các con ông Sắc, nên tác giả Vân Đàng Thái Thứ Lang mới an sao được lá số tử vi nầy.

Nguồn tin thứ hai choi rằng khi còn ở Hà Nội truóc khi di cư năm 1954, tác giả Vân Đằng Thái Thứ Lang là chỗ quen biết với nhà nghiên cứu tử vi rất thâm diệu là cụ Ba La. Không biết làm sao cụ Ba La lại có ngày sinh tháng đẻ của HCM và cụ đã chấm tử vi cho kẻ nầy. Sau biến cố năm 1954, cụ Ba La di cư vào Sài Gòn và cũng rất nổi tiếng tại Sài Gòn.

Tác giả sách Tử vi đẩu số tân biên không đề tên thật trên sách, vì vậy ở đây xin tôn trọng ý muốn của tác giả. Xin tồn nghi về chuyện ngày tháng năm sinh của đương số để tìm hiểu thêm.

 

KẾT LUẬN

Qua các tài liệu trên đây, HCM nhiều lần tự khai ngày tháng năm sinh hoàn toàn khác nhau, nên không biết ngày nào là đúng ngày sinh HCM. Điểm cần chú ý là vào thời HCM ra đời, việc làm giấy khai sinh chưa được phổ thông và người Việt còn dùng âm lịch, chưa dùng dương lịch. Vào thời nầy, rất ít người được gia đình làm giấy khai sinh khi mới ra đời và sổ sách giấy khai sinh còn đơn giản, không lưu trữ được, nên rất dễ giả mạo. Việc đối chiếu, so sánh giữa âm lịch và dương lịch còn khó khăn. Đó là hoàn cảnh thuận lợi cho những người muốn che giấu nhân thân, gặp đâu khai đó, tự ý khai báo khác nhau về lý lịch của mình trong khi hoạt động.

Vì vậy, khi làm đơn xin vào các cơ quan hay tổ chức của Pháp, HCM tự ý khai ngày tháng năm sinh dương lịch khác nhau tùy theo điều kiện do hoàn cảnh đòi hỏi, và nhất là còn tùy bản chất của một người chuyên thay tên đổi họ nhằm đánh lừa xã hội. Như thế, năm sinh HCM thì có thể là 1891, nhưng ngày tháng sinh HCM chắc chắn không phải là 19-5 và vẫn còn là một bí ẩn.

 

(TORONTO, 226-9-2015)

 

 

 

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org